Các nhà sản xuất mật ong hàng đầu thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 do lệnh phong tỏa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người nuôi ong ở Trung Quốc, nhà sản xuất mật ong hàng đầu thế giới, đang đối mặt với một khởi đầu ảm đạm cho mùa thụ phấn quan trọng vào mùa xuân. Vì sự hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự bùng nổ dịch COVID-19, những con ong của họ đã không có thức ăn trong nhiều tuần.

Jue (biệt danh), 55 tuổi, là một người nuôi ong từ Tân Cương ở phía Tây Bắc Trung Quốc, cho biết ông đã không ngủ nhiều ngày vì lo lắng cho 300 tổ ong đang bị mắc kẹt trong những hộp gỗ, cách nơi ông ở khoảng 200 dặm.

Ông Jue nói: “Tôi thực sự lo lắng. Nếu tất cả những con ong của tôi chết, tôi sẽ mất cả năm thu nhập của mình”.

Nhiều người có cùng nỗi lo lắng giống như ông Jue.

Sinh kế của 300.000 người nuôi ong Trung Quốc, cũng như sản lượng mật ong và cây trồng dựa vào ong để thụ phấn bị đe dọa do lệnh hạn chế di chuyển trong dịch bệnh.

Thừa nhận những tổn thất do các biện pháp ngăn chặn virus, Hiệp hội Khoa học nông nghiệp Trung Quốc đã kêu gọi người nuôi ong liên hệ với chính quyền địa phương nếu họ cần di chuyển hoặc sắp xếp các chuyến đi cho ong ăn.

Hiệp hội nói: “Dù thế nào đi nữa, bạn không thể mất đi mạng sống của mình”, sau khi Liu Decheng, một người nuôi ong ở phía Tây Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, gần đây đã treo cổ tự tử.

Trung Quốc sản xuất khoảng 500.000 tấn mật ong mỗi năm, tương đương khoảng 1/4 sản lượng thế giới, giúp nơi đây trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

100.000 tấn mật ong được xuất khẩu đến những nơi như Châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng trong năm nay, triển vọng cho sản xuất thật nghiệt ngã.

Thông thường, vào khoảng thời gian này, ông Jue sẽ chăm sóc đàn ong của mình để chuẩn bị cho chúng thụ phấn hoa mơ ở Turpan vào tháng 3, trước khi chúng tiếp tục hành trình hút mật hoa từ những vườn lê của Korla, thành phố thủ phủ của Tân Cương, sau đó là thu hoạch mật hoa từ hoa chà là đỏ nổi tiếng ở Ruoqiang vào tháng 5.

Tuy nhiên, Jue nói rằng ông đã bị trễ ba tuần so với lịch trình.

“Tất cả thật cay đắng”

Giống như ông Jue, bà Zhang Miaoyan, đến từ Kim Hoa ở tỉnh Chiết Giang phía Nam Thượng Hải, cũng đang vật lộn để có thể tiếp cận với 120 thùng ong đã bị đói trong hơn 20 ngày.

“Những người nuôi ong chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi đang làm một công việc “ngọt mà đắng”. Nhưng năm nay, có lẽ tất cả đều là cay đắng”,bà Zhang nói. Bà cũng cho biết COVID-19 đã làm giảm doanh số bán hàng trong thời gian Tết Nguyên đán.

Sản lượng mật ong của Trung Quốc đã giảm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lực lượng lao động lão hóa và lạm dụng thuốc trừ sâu.

Ông Jue, một người nuôi ong kỳ cựu 30 năm, kiếm được khoảng 60.000 đến 70.000 Nhân dân tệ (198 triệu đến 231 triệu VNĐ) trong một năm từ một công việc đòi hỏi phải lái xe vào buổi tối và ngủ trong lều ở những cánh đồng hoang, nếu đó là một năm suôn sẻ.

“Không ai trong số những người trẻ tuổi muốn làm công việc này. Có quá nhiều khó khăn”, ông Jue nói.

Đã quá muộn?

Bắc Kinh đã yêu cầu chính quyền địa phương giảm thiểu sự gián đoạn đối với việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi và gia súc, và cụ thể là những con ong. Nhưng mọi việc đã bị chậm lại do sự nghiêm trọng của vụ dịch.

Ông Jue vẫn đang cố gắng phối hợp với chính quyền địa phương để giải cứu những con ong của mình, trong khi bà Zhang đã làm việc trước với chính quyền địa phương vào cuối tuần để cứu những tổ ong của mình.

Nhưng có thể cũng đã quá muộn.

“Hiện tại, hoa quế dại đang ở thời kỳ nở rộ. Bạn có thể ngửi thấy vị ngọt”, bà Zhang nói.

Bà Zhang nói thêm: “Nhưng mà, giai đoạn ra hoa tốt nhất đang trôi qua. Một khi bạn bỏ lỡ nó, bạn chỉ có thể chờ sang năm tới”.

Hương Xuân
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà sản xuất mật ong hàng đầu thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 do lệnh phong tỏa