Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đệ trình dự luật trừng phạt các quan chức liên quan đến việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã đệ trình một dự luật ở cả hai viện của Quốc hội nhằm ngăn chặn hoạt động mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm đang được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton (R-Ark.) cho biết trong một tuyên bố: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang tiếp tục mổ cướp nội tạng từ các tù nhân và thành viên của các nhóm tôn giáo Trung Quốc”.

Dự luật có tên Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2020, đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân có liên quan đến việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức và buôn bán nội tạng. Dự luật được đệ trình tại Thượng viện bởi Thượng nghị sĩ Tom Cotton vào ngày 15/12 (S.5016), và tại Hạ viện (HR8972) bởi Dân biểu Chris Smith (R-N.J.) và Tom Suozzi (D-N.Y.).

Ông Cotton nói thêm: “Đã đến lúc Bắc Kinh cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi tàn ác này”.

Trung Quốc là một trong những điểm đến hàng đầu cho du lịch ghép tạng, trong khi Bắc Kinh đã quảng cáo trên các tờ báo của Mỹ rằng nội tạng được lấy từ các hoạt động hiến tặng tự nguyện. Vào năm 2015, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng tìm nguồn cung cấp nội tạng từ các tù nhân bị tử hình và tuyên bố rằng họ sẽ dựa vào một hệ thống hiến tặng tự nguyện mới.

Tuyên bố của Bắc Kinh đã bị bác bỏ bởi một báo cáo do một tòa án có trụ sở tại London công bố vào tháng 6/2019. Báo cáo kết luận rằng, một cuộc điều tra kéo dài một năm cho thấy hoạt động cưỡng bức mổ cướp nội tạng được nhà nước hậu thuẫn đã diễn ra trên “quy mô đáng kể” ở Trung Quốc, với các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung nội tạng chính.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả thân lẫn tâm được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992, và được người dân ở mọi tầng lớp xã hội vô cùng đón nhận. Tuy nhiên, các học viên Pháp Luân Công vô tội đã trở thành mục tiêu bức hại của chế độ Bắc Kinh kể từ năm 1999.

Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị tống vào nhà tù, trại lao động, bệnh viện tâm thần và các cơ sở khác. Theo ước tính của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng trăm nghìn học viên đã bị tra tấn dã man tại các cơ sở này.

Các cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 2006.

Dân biểu Smith cho biết trong một tuyên bố: “Thu hoạch nội tạng là một hành động man rợ, vô nhân đạo và nghiêm trọng tầm cỡ toàn cầu, giống như các băng nhóm buôn người xuyên quốc gia, các tổ chức khủng bố, những kẻ trục lợi và thậm chí cả chính phủ - đặc biệt là chế độ Cộng sản Trung Quốc - giết người vô tội và bán nội tạng của họ để kiếm lời".

Nếu được ban hành, dự luật sẽ trao quyền cho Ngoại trưởng từ chối hoặc thu hồi hộ chiếu đối với những người bị kết án theo mục 301 của Đạo luật Cấy ghép Nội tạng Quốc gia, một đạo luật cấm mua bán nội tạng người.

Ngoài ra, dự luật sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao bổ sung thông tin về cưỡng bức thu hoạch nội tạng và buôn bán nội tạng ở nước ngoài trong các báo cáo hàng năm của quốc gia về nhân quyền.

Trong vòng 30 ngày sau khi các báo cáo trong nước được công bố, Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động sẽ cần phải gửi báo cáo lên các ủy ban đối ngoại của cả Hạ viện và Thượng viện, xác định các quan chức nước ngoài và các thực thể chịu trách nhiệm về thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

Trong một báo cáo riêng, Ngoại trưởng, với sự tham vấn của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, sẽ cần xác định các cơ sở y tế và giáo dục ở Hoa Kỳ mà đào tạo bác sĩ phẫu thuật cấy ghép nội tạng có liên kết với các tổ chức nước ngoài đó.

Dự luật cũng sẽ cấm Hoa Kỳ xuất khẩu các thiết bị phẫu thuật cấy ghép nội tạng cho các thực thể nước ngoài này.

Cuối cùng, dự luật cũng sẽ trao quyền cho Tổng thống áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và thực thể nước ngoài tham gia hoặc hỗ trợ thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Theo dự luật, các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm ngăn chặn các giao dịch tài sản ở Hoa Kỳ, thu hồi thị thực hiện có và từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Một báo cáo điều tra của The Epoch Times vào năm 2016 tập trung vào Bệnh viện Trung tâm Số 1 Thiên Tân - một bệnh viện đặc biệt của Trung Quốc nổi tiếng với việc tiến hành phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Báo cáo kết luận rằng hàng chục nghìn người có thể đã bị giết hại để lấy nội tạng, do bệnh viện đã thực hiện nhiều ca cấy ghép hơn nguồn cung nội tạng từ các tù nhân bị xử tử có thể cung cấp.

Vào tháng 11/2019, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học BMC Medical Ethics kết luận rằng Bắc Kinh có khả năng làm sai lệch dữ liệu hiến tạng của mình một cách có hệ thống. Nghiên cứu tiếp tục phản bác tuyên bố của Trung Quốc rằng họ chỉ tìm nguồn nội tạng từ những người tình nguyện hiến tạng.

David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada và là một nhà nghiên cứu lâu năm về nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng, cũng bày tỏ thái độ hoan nghênh các đề xuất này.

Ông Matas nói trong một tuyên bố: "Chúng ta phải làm gì để có thể khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà nước mà nó điều hành chấm dứt việc giết hại những người vô tội để lấy nội tạng của họ?"

“Một cách chắc chắn là cần phải phơi bày những gì họ đang làm. Dự luật này không chỉ có ý nghĩa răn đe đối với Trung Quốc mà còn đối với mọi quốc gia khác trên thế giới".

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đệ trình dự luật trừng phạt các quan chức liên quan đến việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc