Các nhà lập pháp EU: Vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc phải được bàn tại Hội nghị thượng đỉnh 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn 60 thành viên của Nghị viện châu Âu và nhóm nhân quyền thuộc tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đang kêu gọi các nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Âu giải quyết các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa EU và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 14/9.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đồng chủ trì cuộc họp với ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm xác định các chính sách và ưu tiên chung của Liên minh châu Âu (EU). Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ tham gia cuộc họp. Đức hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của EU.

Cuộc họp ban đầu dự kiến ​​được tổ chức tại thành phố Leipzig của Đức, nhưng đã thay đổi sang tổ chức qua hội nghị trực tuyến do quan ngại về đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Theo thông tin từ trang web của Hội đồng Châu Âu, 4 lãnh đạo cấp cao sẽ thảo luận về biến đổi khí hậu, các vấn đề kinh tế và thương mại, cũng như cách ứng phó với đại dịch do virus Corona Vũ Hán gây ra.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra vào thứ Hai (14/9) đang được soi xét chặt chẽ vì quan hệ giữa Trung Quốc và EU gần đây đã trở nên tồi tệ. Vào tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu đã gọi Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống” trong một báo cáo về mối quan hệ song phương. Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao EU Joseph Borrell gọi Trung Quốc là “một đế chế mới” và yêu cầu các thành viên EU “sửa chữa” sự mất cân bằng kinh tế của họ với Trung Quốc, trong một bài báo đăng trên tờ Le Journal de Dimanche của Pháp.

Trong khi đó, 63 thành viên của Nghị viện châu Âu đã ký vào một bức thư chung gửi tới các lãnh đạo bao gồm ông Charles Michel - chủ tịch Hội đồng châu Âu, Ursula von der Leyen - chủ tịch Ủy ban châu Âu, và Thủ tướng Đức Angela Merkel để thúc giục họ “đảm bảo rằng sẽ có hậu quả nếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền. Chúng tôi kêu gọi EU đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc và trong các cuộc thảo luận trong tương lai”.

Trong thư, các thành viên Nghị viện châu Âu chỉ ra những vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các nhà hoạt động và luật sư Trung Quốc, người Tây Tạng, việc tước quyền ngôn ngữ đối với người dân tộc Mông Cổ ở Nội Mông, và việc giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam giữ. Đồng thời họ cũng kêu gọi sự chú ý đến việc các quyền tự do ở Hong Kong bị xói mòn sau khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính này.

Vào cuối tháng Tám, học sinh ở Nội Mông bắt đầu tẩy chay các lớp học và người dân tổ chức các cuộc biểu tình ngoài trời, sau khi văn phòng giáo dục địa phương ban hành quy định mới yêu cầu các lớp học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở phải dạy bằng tiếng Quan Thoại (tiếng Trung Quốc phổ thông) và sử dụng sách giáo khoa tiếng Trung Quốc phổ thông. Khu vực Nội Mông là nơi sinh sống của nhiều dân tộc Mông Cổ; họ có ngôn ngữ và văn hóa khác biệt với dân tộc Hán đa số nói tiếng phổ thông.

Hôm thứ Bảy, Đài Á Châu Tự do đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc ở tỉnh Thanh Hải, miền bắc Trung Quốc đóng cửa các trường tiểu học và buộc học sinh vào các trường nội trú do chính phủ chỉ định. Tại các trường nội trú, các tiết học sẽ được dạy bằng tiếng Trung Quốc phổ thông thay vì tiếng Tây Tạng. Tỉnh này là nơi sinh sống của khoảng 1,37 triệu người Tây Tạng, theo thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ “đã không dẫn đến bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào trong hành vi từ chính phủ Trung Quốc, trích từ bức thư. “Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc sắp tới là cơ hội lý tưởng để quan điểm của EU về vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc thành hành động cụ thể”.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 14/9 là sự tiếp nối của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đã diễn ra vào ngày 22/6, khi ông Tập và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp các nhà lãnh đạo Von der Leyen và Michel.

Sau cuộc họp vào tháng Sáu, hai bên đã ra một tuyên bố báo chí chung, bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng về các bước mà Trung Quốc thực hiện” nhằm áp đặt luật an ninh cho Hong Kong vốn “không phù hợp với Luật cơ bản của Hong Kong [tiểu hiến pháp] và các cam kết quốc tế của Trung Quốc”.

Bất chấp những quan ngại rộng rãi của quốc tế, Bắc Kinh đã ban hành luật an ninh quốc gia ở Hong Kong vào ngày 30/6. Luật này cho phép hình sự hoá các hoạt động mà Bắc Kinh coi là ly khai và lật đổ, với mức phạt tối đa là tù chung thân.

Các nhà lập pháp EU kết luận rằng họ ủng hộ “các biện pháp trừng phạt có mục tiêu và đóng băng tài sản của các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các chính sách vi phạm nhân quyền”.

RSF, trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 12/9, đã kêu gọi 3 nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra vấn đề vi phạm quyền tự do báo chí của chính quyền Trung Quốc.

“Nhân quyền là một giá trị cơ bản của Liên minh châu Âu, và nếu không đòi hỏi nó sẽ chỉ khuyến khích ĐCSTQ tiếp tục chính sách kiểm soát thông tin và đàn áp các tiếng nói độc lập”, Tổng thư ký RSF Christophe Deloire tuyên bố.

Ông nói thêm: “Bất kỳ điểm yếu nào cũng sẽ cho phép Trung Quốc tự do kiềm chế để áp đặt một trật tự thông tin thế giới mới, điều này có thể gây bất lợi cho công dân châu Âu hơn hiện nay”.

RSF chỉ ra rằng Trung Quốc là “kẻ bắt giữ các nhà báo lớn nhất thế giới”, với ít nhất 118 người bị giam giữ.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 14/9 cũng diễn ra sau chuyến công du châu Âu gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong đó có Pháp và Đức. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã công khai khiển trách ông Vương sau khi ông Vương lên tiếng đe dọa rằng Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil sẽ "phải trả một giá đắt" vì đã đến thăm Đài Loan.

Ôn Maas nói trong cuộc họp báo chung với Vương vào ngày 1/9: “Chúng tôi với tư cách là những người châu Âu hợp tác chặt chẽ - chúng tôi dành cho các đối tác quốc tế sự tôn trọng và chúng tôi mong đợi điều tương tự từ họ”.

Ông Maas nói thêm: "Các lời đe dọa không phù hợp ở đây".

ĐCSTQ vốn luôn tự coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù quốc đảo tự trị này có chính phủ, quân đội và hệ thống tiền tệ riêng, đồng thời thực hiện bầu cử dân chủ. Bắc Kinh luôn phản đối các lời lẽ hoặc hành động của các quan chức chính phủ nước ngoài công nhận chủ quyền của Đài Loan - chẳng hạn như chuyến thăm của ông Vystrcil tới Đài Loan.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU cũng trở nên xấu đi do đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát từ Trung Quốc. Trong một cuộc thăm dò gần đây của Hội đồng quan hệ đối ngoại toàn châu Âu, 48% người châu Âu được khảo sát nói rằng họ thấy Trung Quốc tồi tệ hơn kể từ cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà lập pháp EU: Vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc phải được bàn tại Hội nghị thượng đỉnh