Các nhà lập pháp Châu Âu lên tiếng ủng hộ sự tham gia của Đài Loan tại Hội nghị về Y tế của WHO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn 100 nhà lập pháp và quan chức châu Âu kêu gọi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép Đài Loan tham gia một Hội nghị quốc tế trong thời gian sắp tới.

Thư kêu gọi gửi Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus được đưa ra chỉ vài ngày trước khi WHO quyết định tổ chức phiên họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) dự kiến tổ chức vào ngày 9/11. Phiên họp của WHA trước đó được tổ chức vào tháng 5/2020.

Trong một thông cáo báo chí ngày 1/11, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã bày tỏ lời cảm ơn đối với sự ủng hộ này của các nước châu Âu.

Ngày 22/10, bốn nhà lập pháp của châu Âu – ông Waldemar Andzel từ Ba Lan, ông Istvan Tiba từ Hungary, ông Peter Osusky từ Slovakia và ông Marek Benda từ Cộng hòa Séc - đã gửi một bức thư chung tới ông Ghebreyesus, thông cáo báo chí cho biết.

Thư kêu gọi được đồng ký bởi 102 nhà lập pháp và quan chức từ các nước Estonia, Latvia và Lithuania.

Trong thư, các nhà lập pháp chỉ ra rằng cần đưa Đài Loan vào danh sách thành viên của WHO do hòn đảo này đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán, các nhà lập pháp cho biết.

Họ viết rằng việc không kết nạp Đài Loan với 23 triệu dân tham gia vào làm thành viên của tổ chức này là một vi phạm nhân quyền và khiến nỗ lực toàn cầu chống lại đại dịch thiếu đi một kinh nghiệm thành công từ hòn đảo này.

Đài Loan không phải là quốc gia thành viên của WHO nhưng từ năm 2009 đến năm 2016, các Bộ trưởng Y tế của Đài Loan vẫn được phép tham gia WHA với tư cách là quan sát viên.

Kể từ năm 2017, Đài Loan đã bị Bắc Kinh cản trở tham gia WHA và các cuộc họp liên quan của WHO.

Bắc Kinh phản đối Đài Loan tham gia bất kỳ cuộc họp và tổ chức quốc tế nào vì họ coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của riêng mình, bất chấp một thực tế rằng hòn đảo tự trị này có bộ máy chính quyền dân chủ vận hành với lực lượng quân đội, hệ thống tiền tệ và Hiến pháp riêng.

Những người biểu tình ủng hộ Đài Loan biểu tình bên ngoài văn phòng Liên Hợp Quốc vào ngày khai mạc Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới, vào ngày 22 tháng 5 năm 2017, tại Geneva. (Getty Images)
Những người biểu tình ủng hộ Đài Loan biểu tình bên ngoài văn phòng Liên Hợp Quốc vào ngày khai mạc Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới, vào ngày 22 tháng 5 năm 2017, tại Geneva. (Getty Images)

Mặc dù chỉ cách Trung Quốc 130km, Đài Loan gần như hoàn toàn ngăn chặn được sự lây lan của virus Vũ Hán. Tính đến ngày 1/11, hòn đảo chỉ có tổng số 558 ca nhiễm và 7 ca tử vong liên quan đến virus. Thời điểm cuối cùng báo cáo có ca nhiễm là vào ngày 12/4.

Thành tích 200 ngày không có ca nhiễm mới của Đài Loan đã được quốc tế công nhận. Vào ngày 29/10, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bernie Sanders đã đăng trên Twitter nói rằng chính phủ Hoa Kỳ nên học tập Đài Loan trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán.

Chính trị gia người Đức, ông Engine Eroglu, đồng thời là thành viên của Nghị viện Châu Âu, đã đăng trên Twitter: “Đài Loan là một trong số ít quốc gia đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng ngay từ đầu!”

Trước cuộc họp cuối cùng của WHA, được tổ chức ngày 18 và 19/5, các quan chức y tế từ 14 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nicaragua, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Đài Loan tham gia vào WHA, theo Central News Agency, cơ quan truyền thông của chính phủ Đài Loan cho biết.

Vào ngày 18/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích người đứng đầu WHO và Bắc Kinh về việc loại Đài Loan ra khỏi các hoạt động của tổ chức WHO.

“Tổng Giám đốc của WHO, ông Tedros có đầy đủ quyền hạn pháp lý và tiền lệ để quyết định sự tham gia của Đài Loan tại các hội nghị của WHA. Tuy nhiên, do sức ép của ĐCSTQ, ông ấy đã không mời Đài Loan tham gia vào các sự kiện này.

Ông nói thêm: “Hành động ác ý của ĐCSTQ nhằm “bịt miệng” Đài Loan đã cho thấy sự sáo rỗng trong các tuyên bố mong muốn có sự minh bạch và hợp tác quốc tế nhằm chống lại đại dịch của họ, đồng thời nó cũng khiến cho sự khác biệt giữa Trung Quốc và Đài Loan ngày càng trở nên rõ rệt hơn”.

Thùy Minh

Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà lập pháp Châu Âu lên tiếng ủng hộ sự tham gia của Đài Loan tại Hội nghị về Y tế của WHO