Các nghị sĩ Úc, Anh, Canada, và New Zealand yêu cầu LHQ chỉ định Đặc phái viên tại Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Úc, Canada, Vương quốc Anh (UK) và New Zealand đã kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) là ông Antonio Guterres, rằng LHQ cần gửi một Đặc phái viên tới Hong Kong để bảo vệ luật pháp và nhân quyền của đặc khu này.

Trong một lá thư chung được công bố vào ngày 2/6, Thượng nghị sĩ Úc David Fawcett, nghị sĩ Canada Michael Levitt, nghị sĩ New Zealand Simon O'Connor và nghị sĩ UK Tom Tugendhat tuyên bố rằng Hong Kong đang trải qua một “sự xói mòn của luật pháp và tình hình nhân quyền [ở đặc khu này] ngày càng trở nên nghiêm trọng, cấp bách”.

Vào ngày 2/6, ông Levitt nói trên Twitter rằng cả 4 vị nghị sĩ cùng đồng cảm và đứng về phía người dân Hong Kong.

Trong bức thư, khi bàn luận về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đơn phương áp đặt luật An ninh Quốc gia (LANQG) tại Hong Kong đã vi phạm Điều 27 của Luật cơ bản Hong Kong, 4 vị nghị sĩ cho biết họ có sự quan ngại sâu sắc về lịch sử lạm dụng nhân quyền của ĐCSTQ, khi xử lý các vấn đề liên quan đến các thực thể bất đồng chính kiến với chính quyền này.

“Chúng tôi tin rằng cộng đồng quốc tế cần phải hành động nhanh chóng để đảm bảo có một cơ chế quan sát [theo dõi] và báo cáo minh bạch về tác động của luật mới này”, [nội dung thư] ám chỉ LANQG.

Thượng nghị sĩ Úc David Fawcett hôm 2/6 nói rằng ông và cộng đồng quốc tế cảm thấy rằng điều quan trọng là phải yêu cầu Tổng thư ký LHQ bảo vệ quyền tự do hợp pháp của người dân Hong Kong theo Tuyên bố chung Trung-Anh.

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ đang tập trung trong một cuộc biểu tình có tên “Ăn trưa với bạn” tại một trung tâm mua sắm ở quận trung tâm của Hong Kong vào ngày 1/6/2020. (Issac Lawrence / AFP qua Getty Images)
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ đang tập trung trong một cuộc biểu tình có tên “Ăn trưa với bạn” tại một trung tâm mua sắm ở quận trung tâm của Hong Kong vào ngày 1/6/2020. (Issac Lawrence / AFP qua Getty Images)

Tuyên bố chung Trung-Anh được coi là một hiệp ước ràng buộc hợp pháp giữa Anh và Trung Quốc, được ký ngày 19/12/1984 và được cả hai nước đăng ký với LHQ vào ngày 12/6/1985.

Nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân Hong Kong, bản Tuyên bố chung này đã đặt Hong Kong ở vị thế là đặc khu hành chính ở Trung Quốc và khẳng định rằng ĐCSTQ sẽ không tiến hành áp dụng chế độ cộng sản hay bất kỳ chính sách cộng sản nào ở Hong Kong cho đến năm 2047.

Trao đổi với The Epoch Times vào ngày 3/6, Thượng nghị sĩ Fawcett (Úc) cho biết ông ý thức được cam kết chung của các quốc gia Úc, New Zealand, Canada và UK, đối với hệ thống tư pháp và luật chung.

Thượng nghị sĩ Fawcett cho rằng: “Đối với việc Bắc Kinh áp đặt LANQG tại Hong Kong, mà không có sự tham gia trực tiếp của người dân, cơ quan lập pháp hoặc tư pháp [của đặc khu này], là hành vi vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh về mặt pháp lý... Điều 27 trong Luật cơ bản của Hong Kong quy định rằng cư dân Hong Kong sẽ có quyền tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản; tự do thành lập tổ chức, hội họp, diễu hành và biểu tình; cùng với quyền và sự tự do để thành lập và gia nhập công đoàn, hay tham gia đình công”.

Người biểu tình tại Hong Kong ra dấu bằng 5 ngón tay, biểu thị cho yêu cầu của họ: “5 yêu cầu - không thiếu một” trong một trung tâm mua sắm trong cuộc biểu tình phản đối LANQG của Trung Quốc đối với Hong Kong vào ngày 1/6/2020. (Ảnh Vincent Yu / AP)
Người biểu tình tại Hong Kong ra dấu bằng 5 ngón tay, biểu thị cho yêu cầu của họ: “5 yêu cầu - không thiếu một” trong một trung tâm mua sắm trong cuộc biểu tình phản đối LANQG của Trung Quốc đối với Hong Kong vào ngày 1/6/2020. (Ảnh Vincent Yu / AP)

Thượng nghị sĩ Fawcett thừa nhận rằng ông đã không thông qua sự chấp thuận của Thủ tướng Úc Scott Morrison trước khi công bố bức thư, ông lưu ý rằng: “Không giống như các chế độ độc tài, nghị viện của các nền dân chủ, ví dụ như các thành viên của chúng tôi, có thể tự do phát biểu về các vấn đề chúng tôi quan tâm mà không cần phải tìm kiếm sự phê chuẩn từ trước”.

“Đây là những giá trị đáng lưu tâm cho cả trong và ngoài nước, và đặc biệt trong bối cảnh Hong Kong [hiện nay], nơi công dân của các quốc gia chúng ta làm Thẩm phán tại Tòa án phúc thẩm cuối cùng của Hong Kong”, ông Fawcett nói.

Thượng nghị sĩ Fawcett hy vọng LHQ sẽ sử dụng các quyền lực của tổ chức này để đảm bảo “quyền tiếp nhận các quyền tự do cơ bản hiện được quy định trong luật pháp Hong Kong”.

Ông nói Hong Kong nên là một vấn đề mà tất cả các quốc gia cần quan tâm tới.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các nghị sĩ Úc, Anh, Canada, và New Zealand yêu cầu LHQ chỉ định Đặc phái viên tại Hong Kong