Các đập thủy điện của Trung Quốc đang gây hại cho quốc gia ở hạ lưu sông Mekong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 2 năm liên tiếp, hạ lưu lưu vực sông Mekong đã đạt lưu lượng nước thấp kỷ lục, ảnh hưởng đến thủy lợi, sản xuất lúa gạo và thủy sản - đây đều là các nhân tố quan trọng đối với an ninh lương thực của khu vực.

Mekong là một trong những con sông quan trọng nhất của châu Á, hơn 60 triệu người ở Đông Nam Á đang sinh sống dọc hai bờ sông. Tại Việt Nam, tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mekong chảy trên lãnh thổ Việt Nam là sông Cửu Long.

Tuy nhiên, trong năm thứ 2 liên tiếp, hạ lưu lưu vực sông Mekong đã đạt lưu lượng nước thấp kỷ lục, ảnh hưởng đến thủy lợi, sản xuất lúa gạo và thủy sản - đây đều là các nhân tố quan trọng đối với an ninh lương thực của khu vực. Hạn hán cũng đã hủy hoại môi trường sống của rùa, bò sát và các loài đang trong danh sách bị tuyệt chủng khác.

Theo báo cáo vào tháng Tám của Ủy ban sông Mekong, lượng mưa giảm đã làm giảm lượng nước trong con sông này. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến lượng nước trong sông giảm kỷ lục là vì các đập thủy điện ở thượng nguồn - chủ yếu ở Trung Quốc - đã tích trữ một lượng lớn nước. Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc.

Giới phê bình cho rằng, các đập thủy điện của Trung Quốc sẽ tiếp tục là nguồn gốc của các xung đột trừ khi Trung Quốc thay đổi cách thức sản xuất năng lượng, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các quốc gia.

Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Đối thoại Trung Quốc và là giảng viên liên kết tại trường Nghiên cứu Chính sách Khoa học thuộc Đại học Sussex, ông Sam Geall, cho biết, Trung Quốc có thể “đầu tư vào các phương pháp tiếp cận phù hợp hơn về mặt khí hậu đối với tài nguyên nước và nông nghiệp, đồng thời ưu tiên các hình thức sản xuất điện carbon thấp giá thành rẻ hơn và linh hoạt hơn, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, thay vì xây dựng các đập thủy điện. Nhưng nếu nước này vẫn tập trung vào kỹ thuật thủy điện, thì sẽ có khả năng gây ra nhiều xung đột hơn nữa với các quốc gia ở hạ nguồn".

Bắc Kinh đã khởi động một sáng kiến ​​hợp tác về tài nguyên nước sông Mekong có tên là Khuôn khổ Hợp tác Lancang-Mekong (LMC) vào năm 2016, với 5 quốc gia thành viên khác bao gồm: Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Giới phê bình hoan nghênh tiềm năng hợp tác này, nhưng cũng nói rằng khuôn khổ này có thể cho phép Trung Quốc vũ khí hóa tài nguyên nước nhằm đạt được lợi ích kinh tế và địa chính trị.

Đầu năm nay, một báo cáo nghiên cứu khác đã chỉ ra mối liên hệ giữa mực nước thấp nhất của sông Mekong trong nửa thế kỷ qua vào năm ngoái với hoạt động của các con đập. Trung Quốc phủ nhận kết quả nghiên cứu, nói rằng đó là do lượng mưa thấp ở khu vực thượng nguồn.

Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì công bố thông tin tiêu cực về dòng chảy của sông. Chính phủ nước này chỉ cung cấp dữ liệu về mực nước và lượng mưa trong mùa lũ từ 2 trong số nhiều trạm của nước này trên thượng nguồn sông Mekong. Dữ liệu này “không đủ” cho mục đích quản lý tài nguyên nước, theo ủy ban.

Vào cuối tháng Tám, trong cuộc họp lần thứ ba của LMC, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, bắt đầu từ năm nay, Trung Quốc sẽ chia sẻ thông tin thủy văn với các nước có phân lưu của sông Mekong chảy qua, nhưng thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.

Ông Geall nói: “Các dự án kỹ thuật đặt ra những bất ổn lớn đối với các hệ thống thực phẩm, nước và năng lượng phức tạp. Trung Quốc có những trách nhiệm cụ thể trong việc chia sẻ [thông tin] thuỷ văn với các nước láng giềng ở hạ nguồn một cách công bằng”.

Tại cuộc họp mới đây với Viện Hòa bình Hoa Kỳ, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell cũng đã cảnh báo các nước Đông Nam Á về việc Trung Quốc thao túng sông Mekong. Ông nói: “Một thách thức đặc biệt cấp bách là việc Trung Quốc thao túng các dòng chảy của sông Mekong vì lợi nhuận của chính nước này với cái giá phải trả xảy ra với các quốc gia ở khu vực hạ nguồn”, theo Washington Examiner.

Ông Stilwell cũng cho biết: “Hiện tại, sông Mekong đang phải hứng chịu việc có mực nước thấp nhất từng được ghi nhận, điều này gây ra mất mùa, đe dọa an ninh lương thực và tài nguyên nước trong toàn khu vực. Tất cả những điều này đều tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến một bất ổn lớn hơn”.

Vấn đề về sông Mekong sẽ là trọng tâm của một cuộc họp khác sắp tới giữa ông Pompeo và các nước ASEAN, ông Stilwell cho biết thêm.

Nguyễn Minh
Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Các đập thủy điện của Trung Quốc đang gây hại cho quốc gia ở hạ lưu sông Mekong