Các cá nhân Trung Quốc và Bắc Hàn chuyển tiền bất hợp pháp cho chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ Năm (28/5), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn tố cáo hơn 20 cá nhân Trung Quốc và Bắc Triều Tiên trong một âm mưu chuyển hơn 2,5 tỷ đô-la Mỹ tiền quỹ bất hợp pháp cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

28 người Triều Tiên và 5 người Trung Quốc đã bị Bộ Tư pháp (DOJ) buộc tội, một số người là giám đốc điều hành của Ngân hàng Ngoại thương trực thuộc nhà nước Triều Tiên. Ngân hàng này đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt vào năm 2013 và cắt đứt khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ, Fox News đưa tin.

Bản cáo trạng cho biết, các cá nhân này (bao gồm cả các quan chức ngân hàng) đã thành lập các chi nhánh trên khắp thế giới, trong đó có Thái Lan, Nga và Kuwait. Những người này đã sử dụng 250 công ty làm vỏ bọc để thực hiện các giao dịch có tổng giá trị đến hơn 2,5 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 58,2 nghìn tỷ VNĐ) nhằm mục đích duy trì các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Một trong những quan chức ngân hàng trong danh sách trên đã từng phục vụ tại văn phòng tình báo chính của chính quyền Bình Nhưỡng trước đây.

Đồng thời, DOJ cũng đưa ra cáo buộc đối với Trung Quốc vì đã giúp “mở đường” cho các giao dịch ngân hàng bất hợp pháp, thông qua các công ty viễn thông do chính phủ kiểm soát.

Theo cáo trạng này, kể từ năm 2015, Hoa Kỳ đã thu giữ gần 63 triệu đô-la từ các chương trình phát triển bất hợp pháp đối với vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bản cáo trạng buộc tội các cá nhân có âm mưu gian lận ngân hàng và rửa tiền quốc tế với 2 tội danh, vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế.

Vụ án này hiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang ở Washington, D.C., là vụ án hình sự lớn nhất mà Hoa Kỳ từng đưa ra để chống lại Triều Tiên.

Trung Quốc vẫn luôn ‘giúp đỡ’ Triều Tiên

Theo một báo cáo hồi tháng 3/2020, Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế, bao gồm cả việc cho phép nước này xuất khẩu tài nguyên trong vùng biển của họ.

Các lệnh trừng phạt quốc tế đã được áp đặt lên Triều Tiên kể từ năm 2016, sau các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Vào tháng 8/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) đã thông qua Nghị quyết 2371 cấm Triều Tiên xuất khẩu các sản phẩm như than, sắt, quặng sắt và hải sản. Vào tháng 12 cùng năm, UNSC đã “giáng” cho Bình Nhưỡng một “đòn” nữa bằng Nghị quyết 2397, đặt ra hạn ngạch 500.000 thùng mỗi năm đối với nhập khẩu dầu của nước này.

Tuy nhiên, theo báo cáo cho thấy, các tàu của Triều Tiên đã vận chuyển than và các tài nguyên khác (những hàng hóa có khả năng bị cấm do lệnh trừng phạt trước đó trong các nghị quyết của UNSC) đến vùng biển Trung Quốc quanh quần đảo Chu San, một quần đảo thuộc tỉnh Chiết Giang ven biển Trung Quốc. Những lô hàng đó có thể có mục đích là chuyển cho Trung Quốc.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia phát hiện rằng mặc dù có sự hiện diện quân sự dày đặc như vậy, các tàu của Bắc Triều Tiên vẫn không dừng lại hoặc bị giam giữ, ngay cả khi các tàu này đang truyền tín hiệu AIS giả để ngụy trang.

Thái độ “lơ là” của Trung Quốc trong hành động ngăn chặn các tàu của Triều Tiên làm “dấy lên mối lo ngại rất lớn về khả năng tuần tra hiệu quả của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh một trong những căn cứ hải quân quan trọng nhất của họ, hoặc họ không muốn thực thi các nghị quyết của UNSC mà chính họ đã ủng hộ để ứng phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang diễn ra của Triều Tiên”, báo cáo nêu rõ.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Các cá nhân Trung Quốc và Bắc Hàn chuyển tiền bất hợp pháp cho chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng