Điều phối bay tư nhân: Chính Bộ Ngoại giao Mỹ đang chặn đứng nỗ lực giải cứu ở Afghanistan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không phải Taliban, mà chính Bộ Ngoại giao Mỹ mới là cơ quan đang trì hoãn cuộc giải cứu các công dân Mỹ và những người Afghanistan khỏi nước này, theo những cá nhân tham gia vào các chiến dịch giải cứu riêng biệt. Họ tuyên bố, nếu có bất trắc xảy ra, máu những người này sẽ "nhuốm đầy tay" của chính quyền Nhà Trắng.

Từ nguồn tin của 3 cá nhân có tham gia vào nỗ lực giải cứu ở Afghanistan sau khi Hoa Kỳ rút quân, Fox News cho biết, những trì hoãn khó giải thích từ phía Bộ Ngoại giao Mỹ đang khiến các chuyến bay giải cứu bị ngưng trệ và không thể rời khỏi Afghanistan. Hãng tin chỉ tiết lộ danh tính của một trong ba người là ông Rick Clay - nhà sáng lập của chiến dịch giải cứu tư nhân PlanB, và giữ kín danh tính của hai người còn lại để tránh gây nguy hiểm trong thời điểm nhạy cảm.

Trao đổi với Fox News trong tuần vừa qua, ông Clay cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ "không cho phép bất kỳ chuyến bay thuê riêng tư nhân nào có chở người tỵ nạn được hạ cánh ở bất kỳ đâu", trong số các quốc gia lân cận của Afghanistan. Việc này khiến cho tổ chức của ông không thể hạ cánh các chuyến bay giải cứu, vì liên tục gặp khó khăn trong lúc xin cấp phép từ phía Bộ Ngoại giao thuộc chính quyền ông Biden.

Trong một email được tiết lộ cho Fox News, có thể thấy chỉ huy quân sự tại Căn cứ Không quân Al Udeid ở Doha, Qatar đã thông báo tới những điều phối viên các chuyến bay giải cứu rằng, họ phải được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận trước khi được hạ cánh tại đây. Thông qua tin nhắn gửi đến hãng tin, ông Clay nêu rõ: "Chúng tôi bắt buộc phải vào Doha, nơi [có] các trung tâm tị nạn khác. Đó là nơi tôi đã yêu cầu giải phóng mặt bằng".

Hôm thứ Năm (2/9), Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với ông Clay rằng, các chuyến bay giải cứu người dân khỏi Afghanistan của nhóm ông sẽ nhận được sự chấp thuận của cơ quan này, sau khi Bộ Ngoại giao hoàn thành việc xem xét hồ sơ. Trên thực tế, chỉ với danh sách 800 người trong chuyến bay đầu tiên cũng cần thời gian vài ngày để hoàn thành các thủ tục. Cho đến tối ngày Chủ nhật (5/9), các chuyến bay của PlanB vẫn không nhận được bất kỳ dấu hiệu bật đèn xanh nào để có thể hạ cánh ở các quốc gia láng giềng của Afghanistan.

Ông Clay khẳng định, Bộ Ngoại giao Mỹ liên tục đưa ra những lý do bao biện, ví như do thiếu hụt nhân viên kiểm soát không lưu hay do sóng radar. Hai người còn lại cũng xác nhận những thông tin này, dù họ tham gia vào các chiến dịch giải cứu độc lập không liên quan, hãng tin cho biết.

Theo Fox News, ông Clay đang nắm giữ 1 danh sách gồm khoảng 4.500 cái tên của những công dân Mỹ, các thường trú nhân, những người Afghanistan có Thị thực Nhập cư Đặc biệt (Special Immigrant Visa - SIV) đang muốn trở về Mỹ. Tính đến thời điểm bài báo của Fox News được phát hành, ông Clay đã cung cấp cho Bộ Ngoại giao Mỹ danh tính của 800 người trên chuyến bay đầu tiên.

Trao đổi với Fox News, một trong hai người còn lại cho biết: "Đây không phải là nơi để đàm phán với mạng sống của người Mỹ. Ngay đó là những người dân của chúng ta đang đứng trên đường băng và tất cả những gì cần làm là một cuộc gọi điện thoại [...]".

Người này bổ sung: "Chỉ cần mất một mạng người vì điều này, máu sẽ nhuộm hết bàn tay của Nhà Trắng. Máu sẽ nhuốm trên tay họ. Không phải là Taliban đang kìm hãm việc này - dù việc nói ra thế này khiến tôi thấy ghê tởm - mà chính là chính phủ Hoa Kỳ".

Sau khoảng thời gian dài chờ đợi không chút tiến triển, PlanB buộc phải cầu cứu các nhà lập pháp từ lưỡng đảng của Mỹ, và nhóm này đã nhận được lời hồi đáp. Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton và Ron Johnson, cùng Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal đã đồng ý hỗ trợ nhóm của ông Clay, cũng như các nhóm giải cứu khác để nhận được giấy phép phê duyệt cho các chuyến bay giải cứu, theo lời xác nhận với Fox News từ phía các tổ chức và nhân viên các chính khách.

Cuối ngày 5/9 (theo giờ Mỹ), "Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul (Texas) cho biết, 6 máy bay chở người Mỹ và Afghanistan đang dừng chờ tại sân bay Mazar-i-Sharif ở Afghanistan nhưng không thể khởi hành, bởi vì Taliban đang 'bắt giữ họ làm con tin để ra yêu cầu'”, theo The Epoch Times. Theo xác nhận từ phía Nhà Trắng và Bộ Quốc Phòng Mỹ, hiện vẫn còn hơn 100 người Mỹ bị kẹt lại ở Afghanistan, sau khi quân đội Hoa Kỳ rút lui toàn bộ vào ngày 30/8.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Điều phối bay tư nhân: Chính Bộ Ngoại giao Mỹ đang chặn đứng nỗ lực giải cứu ở Afghanistan