Bloomberg: Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ giảm trong 12 tháng tới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong mô hình tính toán xác suất xảy ra suy thoái của các chuyên gia kinh tế Bloomberg, xác suất xảy suy thoái nền kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới đã giảm từ 49,3% cuối năm 2018 xuống 25,9% trong tháng 11/2019. Ổn định gia tăng bởi các điều kiện của thị trường tài chính từng bước được củng cố vững chắc hơn, tăng trưởng GDP dù giảm nhưng vẫn cao kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, niềm tin tiêu dùng và kinh doanh tăng mạnh...

Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang căng thẳng, tăng trưởng và ổn định kinh tế - tài chính toàn cầu dự báo ảm đạm, trong khi nhiều doanh nghiệp tạm ngừng các quyết định mở rộng đầu tư hoặc chật vật với khối nợ thì nền kinh tế vĩ mô và điều kiện tài chính của Mỹ vẫn có nhiều điểm sáng. Những nhân tố này đã làm giảm xác suất rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới của Mỹ từ mức gần 50% cuối năm 2018 xuống còn 25,9% đầu tháng 11 (giảm nhẹ 1% so với tháng trước đó) - theo mô hình tính toán xác suất suy thoái của Bloomberg.

Các chuyên gia kinh tế của Bloomberg nhận định rằng Mỹ vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của nền kinh tế trong bối cảnh địa chính bất ổn và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm như hiện nay. Tuy nhiên, với xác suất tính toán này thì Mỹ không cần phải lo lắng quá nhiều về nguy cơ rơi vào suy thoái.

Hình: Xác suất xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới (Nguồn: Bloomberg Economics)

Các dấu hiệu rủi ro giảm đáng kể

Mô hình xác suất suy thoái do các nhà kinh tế của Bloomberg là Eliza Winger, Yelena Shulyatyeva và Andrew Husby xây dựng và phân tích trên cơ sở kết hợp một loạt dữ liệu liên quan đến các điều kiện thị trường tài chính, biến số vĩ mô và công cụ đánh giá mức độ căng thẳng tiềm ẩn. Mức giảm nhỏ trong xác suất suy thoái cho thấy các điều kiện của thị trường tài chính đang dần được nới lỏng.

Sự chênh lệch giữa lãi suất chứng khoán Kho bạc kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 10 năm đã ít tiêu cực hơn trong tháng 9, trước khi chuyển biến tích cực vào tháng 10/2019. Trong 7 lần suy thoái kinh tế gần đây, sự chênh lệch này thường đảo chiều trước khi suy thoái bắt đầu. Đồng thời, chỉ số S&P 500 đã tăng lên mức cao kỷ lục, khiến cho xác suất xảy ra suy thoái giảm xuống gần một nửa kể từ khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán vào tháng 12/2018.

Từ trái sang phải: Chênh lệch trái phiếu kỳ hạn 3 tháng và 10 năm - tốc độ tăng trưởng lương thực tế - Biên sinh lời doanh nghiệp

Nguyên nhân là nội lực của nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn: việc làm, lợi nhuận doanh nghiệp và niềm tin tiêu dùng

Tốc độ tăng của lương thực tế (đã loại trừ đi lạm phát) vẫn duy trì xu hướng phục hồi khá tốt. Trước giai đoạn suy thoái 2007-2009, tốc độ tăng lương thực tế giảm mạnh do cầu lao động giảm, lạm phát cao.

Trong các nguy cơ đối với nền kinh tế, tỷ suất lợi nhuận của công ty giảm gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Khi lợi nhuận giảm, các công ty sẽ tìm cách cắt giảm chi phí. Điều đó có thể dẫn đến giảm nhu cầu tuyển dụng - hoặc thậm chí là sa thải - làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, mà đây hiện đang là động lực chính cho tăng trưởng. Tuy nhiên, tất cả các tín hiệu hiện nay đều cho thấy người tiêu dùng vẫn tương đối tự tin. Thực tế, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ duy trì xu hướng tăng mạnh kể từ cuối năm 2016 tới nay.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ, đo lường bởi Bloomberg (Nguồn: investing.com)

Các chuyên gia kinh tế của Bloomberg cũng khẳng định dự báo khi nào suy thoái bắt đầu là điều vô cùng khó, nhưng khi suy thoái đã gần kề, các chỉ báo cảnh báo sẽ trở nên rõ ràng hơn. Trong mô hình dự báo suy thoái kinh tế này, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg căn cứ trên nhiều chỉ số dẫn báo, trong đó có dựa trên số liệu về số hồ sơ hàng tuần nhận trợ cấp thất nghiệp. Để dự báo xác suất suy thoái trong 3 tháng, mô hình tập trung vào các biến số của thị trường tài chính như sự chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 10 năm.

Tuy nhiên, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp cũng là dấu hiệu khá rủi ro trong trường hợp suy thoái diễn ra. Các chuyên gia kinh tế Bloomberg cảnh báo: trước khi xảy ra đại suy thoái gần đây, lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) ở mức 5%, để lại nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng, nhờ đó có thể giảm chi phí vay cho khu vực sản xuất. Hiện nay, lãi suất cơ bản của Fed chỉ còn 2,5% - bằng một nửa dư địa chính sách so với giai đoạn trước Đại khủng hoảng.

Mộc Trà (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Bloomberg: Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ giảm trong 12 tháng tới