Báo cáo thúc giục WHO cải cách, ngăn chặn việc nghe theo lệnh của ‘một nước nào đó’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo của một nhóm chuyên gia cho biết hôm 12/5 rằng, “Hệ thống cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mất tác dụng”, do đó mới dẫn đến việc trì hoãn báo cáo về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), khiến trăm họ lầm than. Vì vậy phải tiến hành một cuộc cải tổ lớn đối với WHO.

Báo cáo này được thực hiện bởi Ban độc lập về Ứng phó và Phòng tránh dịch bệnh (The Independent Panel for Pandemic Preparedness and Response). Báo cáo cho biết, WHO đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong trận dịch này. Các chuyên gia kêu gọi tiến hành cải tổ khẩn cấp tổ chức này, giao phó cho WHO quyền lực lớn hơn và thiết lập một cơ chế minh bạch toàn cầu để chống lại mối đe dọa từ các loại dịch bệnh trong tương lai tốt hơn.

Những cải cách được kêu gọi trong báo cáo đều nhắm vào các biểu hiện tồi tệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong đại dịch. Ví dụ, WHO không nên cần sự cho phép của chính phủ liên quan rồi mới đưa ra cảnh báo, mà cần có quyền vào nước đó để tiến hành các cuộc điều tra độc lập.

Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ dường như đã xác nhận vấn đề được đề cập trong báo cáo này - WHO tuân theo mệnh lệnh của ĐCSTQ. Vào ngày 10/5, bà Hoa Xuân Oánh, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, tuyên bố rằng, "với sự đồng ý của chính phủ trung ương", WHO đã thông báo 3 lần cụ thể cho Đài Loan về dịch bệnh.

Tại cuộc họp thường niên của WHO được tổ chức vào ngày 24/5, Bộ trưởng Y tế các nước sẽ tiến hành thảo luận về báo cáo này.

WHO cần có quyền độc lập đưa ra cảnh báo về dịch bệnh và tiến hành điều tra độc lập

Báo cáo nói rằng, những quyết định sai lầm, sự chần chừ không quyết đoán và năng lực phối hợp kém là “thủ phạm” gây ra trận đại dịch toàn cầu lần này.

Báo cáo cho biết: "Hệ thống cảnh báo của WHO đã mất tác dụng. WHO không thể công bố bất kỳ thông tin nào nếu không có sự cho phép của chính phủ liên quan. Chúng tôi kiến nghị cho phép WHO có quyền công bố thông tin liên quan trong thời gian thực tế mà không cần chờ sự cho phép của bất kỳ chính phủ nào".

Các chuyên gia còn kiến nghị rằng, nếu 194 quốc gia thành viên xuất hiện lây nhiễm tập thể, thì đều phải cho phép WHO tiến hành các cuộc điều tra độc lập đối với nước đó. Họ cho biết, trong tương lai nên thiết lập một cơ quan y tế thường trực giống như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bởi vì "cuộc khủng hoảng này cho chúng ta biết rằng, vấn đề về sức khỏe không chỉ liên quan đến sức khoẻ của con người, mà nó còn là vấn đề về xã hội, kinh tế và chính trị”.

Báo cáo còn cho biết, mãi đến ngày 30/1, WHO mới tuyên bố dịch bệnh của Trung Quốc tạo thành Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) và đến ngày 11/3 mới tuyên bố đây là “đại dịch toàn cầu” (pandemic). Điều này đã khiến thế giới mất đi khoảng thời gian chuẩn bị “một tháng quý báu”.

Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, ông Michel Kazatchkine, cựu Giám đốc Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét, cũng là một thành viên của nhóm chuyên gia, kêu gọi hành động ngay lập tức để đảm bảo thế giới sẽ không phải đối mặt với một "thảm họa” như COVID-19.

Hy vọng các nước giàu có chia sẻ vaccine

Kiến nghị thứ 2 của Ban chuyên gia trong báo cáo là thúc giục các nước giàu có không nên tích trữ vaccine COVID-19.

Báo cáo viết: “Cho đến nay, các nước giàu có đã đặt trước 4,3 tỷ liều vaccine, nhưng dân số của họ chỉ có 1,16 tỷ người... Chúng tôi yêu cầu, sau khi người dân của những nước này có đủ vaccine, họ (các nước giàu có) có để tặng 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo trước tháng 9/2021”.

"Cuối cùng, chúng tôi yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập tất cả các nước và công ty sản xuất vaccine lại với nhau, thiết lập một cơ chế toàn cầu trong việc cấp phép tự nguyện và chuyển giao công nghệ", báo cáo cho biết.

Reuters đưa tin, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom nói rằng, WHO sẽ thảo luận về kết quả điều tra và kiến nghị của Ban chuyên gia này với các quốc gia thành viên.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo thúc giục WHO cải cách, ngăn chặn việc nghe theo lệnh của ‘một nước nào đó’