Bắc Kinh dùng chiêu thuật gì để thao túng giới truyền thông Hoa Kỳ và định hình dư luận?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông qua các chuyến du lịch “theo truyền thống hiếu khách” đến Trung Quốc và những bữa tiệc với giới tinh hoa, Bắc kinh cố gắng mua chuộc giới truyền thông Hoa Kỳ và lèo lái các bản tin của họ theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.

Kể từ năm 2009, như một phần của chiến dịch mở rộng ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hoa Kỳ, một tổ chức liên đới của Bắc Kinh đã tổ chức các chuyến du lịch đến Trung Quốc cho hơn 120 nhà báo từ gần 50 hãng truyền thông của Hoa Kỳ.

Tổ chức này được gọi là Quỹ Giao lưu Mỹ - Trung (CUSEF), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hongkong do tỷ phú Đổng Kiến Hoa, một quan chức của chính quyền Trung Quốc đứng đầu. Ông Đổng trước đây là Đặc khu trưởng của Hongkong và hiện là Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Hoa, là cơ quan cố vấn chính trị của ĐCSTQ. CUSEF được đăng ký là “công ty đại diện nước ngoài” theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA) của Hoa kỳ.

Hồ sơ của FARA đã tiết lộ cách Quỹ giao lưu Mỹ - Trung (CUSEF) đã cố gắng lèo lái tin tức của giới truyền thông và định hình dư luận ở Hoa Kỳ như thế nào.

Bên cạnh các chuyến đi dành cho các nhà báo, CUSEF đã và đang tổ chức các chuyến đi dành cho các nhà lập pháp, mua chuộc giới lãnh đạo của các hãng truyền thông lớn thông qua các bữa tiệc tối riêng tư, và thực hiện mục đích phát triển nuôi dưỡng "nhóm người ủng hộ của bên thứ 3" ở Hoa Kỳ để có được các bài xã luận tích cực về Trung Quốc trên các kênh truyền thông của phương Tây.

Các hoạt động của CUSEF cho thấy cái nhìn sơ lược về những nỗ lực rộng lớn của ĐCSTQ nhằm tác động đến nhận thức của công chúng và lèo lái quan điểm của giới tinh hoa trong các nền dân chủ phương Tây, cũng như nhằm thuyết phục các chính phủ phương Tây áp dụng các chính sách phù hợp với chương trình nghị sự của Bắc Kinh. Mục tiêu của chiến dịch này, được ĐCSTQ gọi là “Mặt trận Thống nhất”, là “làm cho người Mỹ dễ tiếp nhận chính quyền chuyên chế của Bắc Kinh”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong một bài phát biểu vào tháng 10/2020.

Bằng cách nhắm vào các hãng tin nước ngoài, ĐCSTQ hy vọng sẽ hạn chế tin tức tiêu cực về Bắc Kinh trên truyền thông, đồng thời thúc đẩy đưa tin thuận lợi, Grant Newsham, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách An ninh tại Washington cho biết.

Những câu chuyện tích cực — chẳng hạn như “có bao nhiêu tòa nhà chọc trời sáng bóng ở Thượng Hải và Thâm Quyến, và cách CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] đã thành công như thế nào trong cuộc chiến với COVID-19, và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tốt đẹp như thế nào” - từ giới truyền thông giúp định hình cách tư duy của công chúng và ‘giới lãnh đạo’ - và cuối cùng định hình chính sách của nhà nước (về kinh doanh và tài chính)" đối với Trung Quốc.

Sự tham gia của giới Truyền thông

Hồ sơ FARA năm 2011, được thực hiện bởi công ty truyền thông BLJ Global, được CUSEF thuê trình bày một kế hoạch đa hướng với những bài thuyết trình trước công chúng và diễn đàn về quan hệ Mỹ-Trung theo những khía cạnh tích cực, nhấn mạnh ý tưởng “Trung Quốc là đối tác không thể thiếu đối với HOA KỲ".

Công ty liệt kê các mục tiêu công việc của mình cho CUSEF là: “Phát triển và nuôi dưỡng một cộng đồng các chuyên gia có cùng chí hướng về quan hệ Mỹ-Trung”; "Xây dựng mối quan hệ với các nhân vật truyền thông có ảnh hưởng, những người có thể đóng vai trò là tiếng nói tích cực cho các cuộc thảo luận về quan hệ Mỹ-Trung"; và “Xây dựng một thông điệp tích cực và gắn kết về sự hợp tác Mỹ-Trung và làm việc để phát đi thông điệp này thông qua Chủ tịch là ông Đổng Kiến Hoa… bên thứ ba và các tổ chức cũng như các hãng truyền thông”.

Mục tiêu công việc cho năm 2010 là đăng trung bình ba bài báo một tuần trên các ấn phẩm khác nhau có các tuyên bố ủng hộ Trung Quốc. Trong năm 2009, công ty đã “hỗ trợ hoặc ảnh hưởng trực tiếp” đến việc xuất bản 26 bài xã luận và trích dẫn ý kiến ​​trong 103 bài báo, hồ sơ nêu rõ.

Một số bài báo quan điểm tích cực sẽ được viết bởi “những người ủng hộ của bên thứ ba” của CUSEF, một nhóm các chuyên gia, cựu chính trị gia và những nhân vật có ảnh hưởng mà BLJ tìm cách mở rộng tư cách thành viên, nhờ vai trò chủ chốt của họ trong việc “phổ biến một cách hiệu quả các thông điệp tích cực đến giới truyền thông, những nhân vật quyền lực quan trọng và những người dẫn đạo dư luận, cũng như công chúng".

Các chuyến đi dành cho nhà báo

Kể từ năm 2009, BLJ đã tổ chức các chuyến đi cho 128 nhà báo từ 48 tờ báo của Hoa Kỳ, bao gồm Washington Post, New York Times, L.A. Times, Vox, NPR và NBC, theo đánh giá của hồ sơ FARA.

Theo hồ sơ năm 2011, công ty gọi các chuyến đi là "chương trình du lịch tiếp thị" nhằm mục đích đưa các nhà báo hàng đầu đến Trung Quốc du lịch. Các nhà báo đưa tin một cách hiệu quả và có lợi cho Trung Quốc sẽ được lựa chọn cho những chuyến du lịch này".

"Những chuyến đi được thiết kế để cung cấp một cái nhìn mới mẻ và tích cực về những thành tựu của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Hoa Kỳ khi hợp tác trực tiếp với Trung Quốc", công ty cho biết.

Trong năm 2009, hai chuyến đi với sự tham gia của các phóng viên từ bảy nhà xuất bản đã đem lại 28 bài báo, hồ sơ cho biết.

Ông Newsham cho biết, các chuyến du lịch đến Trung Quốc phù hợp với “thông lệ ngoại giao ‘thăm hỏi giao lưu’ và lòng hiếu khách của truyền thống lâu đời của ĐCSTQ. Những chuyến đi dành cho giới chức chính phủ và doanh nhân từ nhiều quốc gia này rất hiệu quả”.

Ông nói thêm, cách tiếp cận này "thực sự hiệu quả với những người chưa có nhiều trải nghiệm về Trung Quốc". Các nhà báo có thể tin rằng họ đã “miễn dịch” với nỗ lực ảnh hưởng ĐCSTQ. Nhưng điều này thật khó tin".

Thay đổi nhận thức

Chính quyền Trung Quốc đã giao trọng trách cho CUSEF tài trợ các chuyến đi của các nhà báo nước ngoài mà họ xem là rất quan trọng để thông qua họ, giới truyền thông có thể hiểu được “Trung Quốc thực sự”.

Học viện Đối ngoại Trung Quốc, một cơ quan của nhà nước Trung Quốc thường xuyên tài trợ cho các chuyến đi của quan chức nước ngoài, tiếp đón các nhà báo trong các chuyến đi do CUSEF tổ chức.

Giám đốc khi đó của Học viện, ông Yang Wenchang, tại một cuộc họp nội bộ năm 2009, đã gọi chuyến thăm của giới truyền thông Hoa Kỳ là một “thử nghiệm rất tốt”. Ông nhấn mạnh rằng những nỗ lực đó cần được thực hiện lâu dài với trọng tâm là tạo ra một “thương hiệu độc đáo”.

Vào năm 2020, giám đốc viện Wang Chao đã viết trong một ấn phẩm nội bộ của họ rằng tổ chức đã và đang ngày càng nỗ lực mời các nhóm truyền thông nước ngoài đến Trung Quốc để họ có thể “tận mắt chứng kiến ​​sự phát triển của Trung Quốc và có thể đưa tin trên các kênh truyền thông ở nước ngoài, khiến nhiều người hơn nữa nhìn thấy một Trung Quốc thực sự ”.

Hiệp hội nhà báo toàn Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành đã tiến hành chương trình trao đổi nhà báo từ năm 2010. Một bài báo trên truyền thông của chính phủ năm 2016 đã khoe rằng các chuyến thăm của giới truyền thông nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng “phạm vi bạn bè” quốc tế của Trung Quốc.

Những chuyến đi như vậy khiến “những phóng viên chưa từng đến Trung Quốc và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tin tức thiên vị của Mỹ về Trung Quốc” có thể “trò chuyện với các quan chức, chuyên gia và đối tác truyền thông Trung Quốc để tìm hiểu sâu hơn về sự phát triển của Trung Quốc, theo đó giúp gỡ bỏ những hiểu lầm hoặc quan ngại trước đó về Trung Quốc”, bài báo cho biết.

Bài báo trích dẫn thêm lời chứng thực từ một biên tập viên cấp cao của Huffington Post, người cho biết các chuyến du lịch do hiệp hội tổ chức đã khiến ông ta “nhận ra giới báo chí Mỹ thiếu hiểu biết về Trung Quốc như thế nào”.

Một nhà báo chuyên mục tài chính của tờ L.A. Times đoạt giải Pulitzer, sau chuyến thăm 9 ngày tới Trung Quốc cho biết, ông nhận thấy rằng sự hiểu biết của giới truyền thông Hoa Kỳ về Trung Quốc “sẽ không bao giờ bắt kịp tốc độ phát triển của Trung Quốc”, theo báo cáo.

Một phóng viên của Reuters, dưới but danh “Patrick,” cho biết chuyến thăm Trung Quốc đã thay đổi nhận thức của ông về vai trò của truyền thông Trung Quốc.

“Trước khi đến thăm Trung Quốc, tôi đã nghĩ rằng truyền thông Trung Quốc phục vụ mục tiêu đấu tranh giai cấp, nhưng sau khi đến đây, tôi thấy rằng họ vẫn như ở thời kỳ Cách mạng Văn hóa, khiến tôi cảm thấy nực cười”, ông nói. Ông gọi cuộc giao lưu của giới truyền thông là “khá có giá trị”.

Trong thời kỳ khủng hoảng, ĐCSTQ cũng sử dụng chiêu bài du lịch của giới truyền thông này nhằm tìm cách xoay chuyển tình cảm của báo giới nước ngoài. Sau hai cuộc biểu tình lớn của các dân tộc thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương chống lại sự cai trị của Đảng lần lượt vào năm 2008 và 2009, mà ĐCSTQ gọi là bạo loạn, hiệp hội nhà báo Trung Quốc đã “lên án truyền thông phương Tây chớp cơ hội để ngụy tạo tin tức”, theo một bài báo năm 2011 của Tân Hoa Xã. Tổ chức này “đã kịp thời sắp xếp để giới truyền thông nước ngoài tới phỏng vấn tại chỗ… để tạo dư luận thuận lợi cho việc xử lý các vụ việc”, bài báo viết.

Hãng Reuters từ chối bình luận. Huffington Post và L.A. Times đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Tiệc tối thân mật với giới tinh hoa

Từ năm 2009 đến năm 2017, CUSEF đã tổ chức một loạt các bữa tiệc tối và cuộc họp với đại diện từ 35 hãng truyền thông, bao gồm tạp chí Time, Wall Street Journal, Forbes, New York Times, AP và Reuters.

Bữa tối thân mật do ông Đổng tổ chức với các giám đốc điều hành và biên tập viên của các nhà xuất bản hàng đầu của Mỹ — thường là ở Washington và New York — được BLJ mô tả trong hồ sơ FARA năm 2011 là “vô cùng giá trị vì rất có hiệu quả trong việc đạt được sự hỗ trợ từ giới lãnh đạo của ngành công nghiệp tin tức”.

BLJ tiếp tục: “Mặc dù không thể định lượng được, nhưng ảnh hưởng của ông Đổng đối với những nhân vật quyền lực cấp cao đã làm chao đảo tin tức trên các kênh truyền thông lớn và ảnh hưởng đến giới tinh hoa.

Là phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, ông Đổng chủ trì một đơn vị chủ chốt trong mạng lưới Mặt trận Thống nhất. Cơ quan tham mưu này tự gọi mình là tổ chức “Mặt trận thống nhất yêu nước” để “thúc đẩy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”.

Công việc của Mặt trận Thống nhất, được các nhà lãnh đạo ĐCSTQ mô tả như một “vũ khí ma thuật” với sự tham gia của hàng nghìn tổ chức trong và ngoài Trung Quốc để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, trấn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Ông Đổng, một doanh nhân Hong Kong xuất sinh từ Thượng Hải, là Đặc khu trưởng Hong Kong đầu tiên sau khi thành phố này được Vương quốc Anh bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997. Ông từ chức năm 2005 trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai. Khi còn đương nhiệm, ông giám sát việc soạn thảo dự luật chống lật đổ gây tranh cãi có tên gọi Điều 23. Dự luật này đã gây ra các cuộc biểu tình lớn nhất của thành phố trước khi nổ ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt vào năm 2019.

Ông Đổng không ngừng bày tỏ lòng trung thành với ĐCSTQ, gần đây nhất là vào tháng 12, bằng cách lên tiếng ủng hộ luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong năm 2020. Ông cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh không vi phạm lời hứa về chính sách “một quốc gia, hai chế độ” - theo đó Hong Kong được duy trì quyền tự chủ và quyền tự do mà Đại lục không được hưởng - và không “can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong trong 22 năm gần đây".

Trong cuộc gặp mặt với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017, ông Tập ca ngợi ông Đổng là “đã quên mình để cống hiến thời gian, sức lực, trí tuệ và nguồn lực cho quốc gia” và “làm gương cho những thế hệ sau”.

CUSEF và BLJ đã không trả lời yêu cầu bình luận. CUSEF, trong một tuyên bố năm 2017 về Chính sách Đối ngoại, đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với chế độ Trung Quốc.

“Chúng tôi không nhằm mục đích thúc đẩy hoặc hỗ trợ các chính sách của bất kỳ chính phủ nào,” một phát ngôn viên cho biết vào thời điểm đó.

Ma lực của đồng Nhân dân tệ

Không những tăng cường ảnh hưởng thông qua các mối quan hệ cá nhân, ĐCSTQ còn gây ảnh hưởng trực tiếp đối với truyền thông phương Tây bằng cách kiểm soát khả năng hoạt động của họ ở Trung Quốc và quyền tiếp cận của họ với công dân Trung Quốc, ông Newsham nhấn mạnh.

“Nếu bài viết của bạn chỉ trích ĐCSTQ… bạn có thể bị trục xuất”, ông Newsham nói. “Vì vậy, trong chừng mực nào đó, nó khiến báo giới phải tự kiểm duyệt. Điều này chắc chắn sẽ làm ‘suy yếu’ mức độ đưa tin về [Trung Quốc], cũng như tin tức của báo giới nước ngoài về Trung Quốc bị giảm chính xác”.

Giới truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc đã cáo buộc chính quyền sử dụng vấn đề thị thực để gây áp lực buộc các hãng truyền thông nước ngoài phải thay đổi bài báo của họ. Tháng 2/2020, chính quyền đã thu hồi thị thực của ba phóng viên tờ Wall Street Journal sau khi tờ báo này từ chối xin lỗi vì đã đăng một bài báo có tiêu đề: “Trung Quốc là kẻ bệnh hoạn thực sự của châu Á”.

Theo NPR đưa tin năm 2019, vì lo sợ bị Bắc Kinh trừng phạt, Bloomberg đã không dám công khai bản báo cáo điều tra năm 2013 về mối quan hệ giữa tỷ phú Vương Kiện Lâm, khi đó là người giàu nhất Trung Quốc và các lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ. NPR viết: “Bạn biết đấy, Bắc Kinh chắc chắn sẽ đóng cửa hoàn toàn và tống cổ chúng tôi ra khỏi đất nước của họ”, Tổng biên tập của Bloomberg thời đó là Matthew Winkler cho biết trong một cuộc họp trên điện thoại tháng 10/2013. “Họ chắc chắn sẽ đóng cửa tòa soạn của chúng ta."

"Thành công" theo quan niệm của ĐCSTQ

Ông Newsham cho biết, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng đến báo giới Hoa Kỳ đã “khá thành công”.

Ông nói, “Bạn cũng thử xem đến bao giờ truyền thông của chúng ta mới có thể đường đường chính chính đưa tin về nạn diệt chủng ở Tân Cương, Trung Quốc, đưa tin về nạn mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ trên cơ thể chính người Trung Quốc còn đang thở, nạn nhân thường là các học viên Pháp Luân Công”, một môn tu luyện của Phật gia theo nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc kể từ năm 1999. “ĐCSTQ cũng gọi đó là một thành công”.

Bên cạnh việc đưa tin sai lệch [dưới mức độ thực tế] về vấn đề vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, các hãng truyền thông của Hoa Kỳ còn thường bỏ qua vai trò của ĐCSTQ đối với các cuộc khủng hoảng trên đất nước.

Ví dụ, khi đưa tin về đại dịch CoVid-19, các hãng truyền thông dòng chính thậm chí còn từ chối khả năng virus viêm phổi Vũ Hán bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc. Họ đã tấn công những tuyên bố như vậy và nói đó là "tin giả", ông Newsham cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng, chỉ gần đây, thuyết này mới được nhiều hãng truyền thông chấp nhận hơn. “Nhưng các hãng truyền thông đã lãng phí ít nhất một năm, và cho phép Trung Quốc lấp liếm câu chuyện”.

Khi đưa tin về cuộc khủng hoảng fentanyl đã giết chết hàng chục nghìn người Mỹ mỗi năm, báo chí cũng thường không đề cập đến việc ma túy tổng hợp này có nguồn gốc từ Trung Quốc, ông Newsham nhấn mạnh. Đồng thời, các tin tức về nền kinh tế Trung Quốc “hầu như không” đề cập rằng các số liệu thống kê kinh tế và tài chính chính thức của Trung Quốc là không đáng tin cậy, hoặc ở Trung Quốc mọi việc đều có thể bất chấp quy định của luật pháp, ông nói thêm.

Ông Newsham nói, “cuối cùng thì vẫn cần phải có quy định và nguyên tắc” đối với vấn đề liên đới của giới truyền thông Hoa Kỳ với chính quyền Trung Quốc.

“Phải chăng những nhà báo/giám đốc điều hành của các hàng truyền thông này đã từng làm điều tương tự với chính phủ Apatheid của Nam Phi? Có thể là không".

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh dùng chiêu thuật gì để thao túng giới truyền thông Hoa Kỳ và định hình dư luận?