Bắc Kinh có ý định thúc ép ông Joe Biden đảo ngược các chính sách của ông Trump trong cuộc họp ở Alaska ngày 18/3

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các nguồn tin, Trung Quốc Cộng sản được cho là lên kế hoạch thúc đẩy chính quyền Biden trong cuộc họp ở Alaska ngày 18/3 chấm dứt các chính sách mà cựu Tổng thống Donald Trump đã thực hiện để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những hành động của họ.

 

Cuộc họp là cuộc gặp mặt trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa Bắc Kinh và Washington. Bắc Kinh do ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đại diện. Phía Washington do Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đại diện.

Theo nguồn tin từ tờ Wall Street Journal, Bắc Kinh có kế hoạch thúc giục Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan dỡ bỏ lệnh trừng phạt và hạn chế đối với các thực thể và cá nhân Trung Quốc của chính quyền Trump. Các vấn đề mà Trung Quốc muốn chính quyền Biden đảo ngược bao gồm giới hạn bán hàng của Mỹ cho các công ty Trung Quốc như công ty viễn thông Huawei Technologies Co. và công ty sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corp; hạn chế thị thực đối với thành viên ĐCSTQ, sinh viên Trung Quốc và các nhà báo truyền thông nhà nước Trung Quốc; đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston”.

Theo ông Daniel Russel, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao thời Obama, Trung Quốc tin rằng họ đang ở vị trí 'thuận buồm xuôi gió" để phát triển và tăng trưởng rất nhanh, rằng phương Đông đang trỗi dậy trong khi phương Tây ngược lại đang suy tàn và trở nên mờ nhạt, The Wall Street Journal đưa tin.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng cuộc họp là ý tưởng của chính quyền Biden. Theo bản tin, các quan chức Biden tin rằng "Trung Quốc sẽ cố gắng sử dụng vấn đề khí hậu để khiến Mỹ phải lùi bước trong các lĩnh vực khác".

Chính quyền Biden dự kiến ​​sẽ nêu ra các vấn đề tồn đọng giữa hai nước trong cuộc họp. Tuy nhiên, không hề có tin tức về việc chính quyền Biden tìm cách buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch coronavirus, một đại dịch gây họa loạn đối với nền kinh tế toàn cầu và cướp đi sinh mệnh của hàng triệu người trên toàn thế giới.

ĐCSTQ đã nói dối thế giới về đại dịch coronavirus, cố gắng che đậy thời kỳ bùng phát ban đầu, bưng bít thông tin mà có thể cho phép ngăn chặn dịch bệnh bùng phát thành đại dịch toàn cầu, cũng như đã cản trở nỗ lực khám phá nguồn gốc thực sự của virus.

Mặc dù hầu hết các chuyên gia an ninh quốc gia đều thấy rằng, Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ, Tổng thống Biden đã và đang thể hiện quan điểm mâu thuẫn về vấn đề này trong suốt sự nghiệp chính trị của ông.

Ông Biden, Phó tổng thống của chính quyền Obama nói năm 2011: “Lúc đó tôi đã tin và giờ tôi càng tin hơn rằng một Trung Quốc đang trỗi dậy là một sự phát triển vô cùng tích cực cho không chỉ Trung Quốc, mà cả Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới”.

Cùng năm đó, ông Biden cũng nói, đối với Hoa Kỳ, không có mối quan hệ nào quan trọng hơn là mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Theo quan điểm của ông, một Trung Quốc ngày càng thịnh vượng chính là nguồn lợi của Hoa Kỳ, cũng như các dự án đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ của các doanh nghiệp và các thực thể Trung Quốc đã mang đến nhiều lợi ích cho Hoa Kỳ.

Ông Biden đã từng viết một bài xã luận trên The New York Times có tiêu đề “Sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là sự sụp đổ của chúng ta”.

Trong năm cuối cùng với tư cách là Phó tổng thống, ông Biden nói rằng chính quyền của Obama “không cố gắng kiềm chế Trung Quốc”, bởi vì “sự phát triển ở Trung Quốc là lợi ích của chúng ta”, theo Dailywire.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đưa ra quan điểm rằng Trung Quốc không thể “ăn bữa trưa của chúng ta” và tuyên bố “họ không cạnh tranh với chúng ta”. Tổng thống Biden không coi Trung Quốc là một trong ba tiêu điểm gây rắc rối lớn nhất trên thế giới và liên tục từ chối gọi Trung Quốc là đối thủ.

Theo The Epoch Times, từ khi ông Biden lên nắm quyền Nhà Trắng, Trung Quốc luôn gây áp lực lên tân chính quyền, hối thúc Mỹ phải thay đổi chính sách đối với Trung Quốc và chỉ trích Mỹ có hành động đơn phương và thành kiến ​​với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nhắn nhủ rằng, "ông Biden phải biết tuân thủ luật chơi với Trung Quốc" và đưa ra "bốn lằn ranh đỏ" đối với Hoa Kỳ, bao gồm: chấm dứt hỗ trợ Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng; tiếp tục cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung; chấm dứt thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc; và xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với các cơ quan thông tấn và các thực thể văn hóa của Trung Quốc như Viện Khổng Tử.

Ngày 3/3, chính quyền ông Biden ban hành hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời trong việc hợp tác với Trung Quốc, trong đó nêu rõ: "Chúng tôi sẽ hoan nghênh sự hợp tác của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí tại những nơi vận mệnh quốc gia chúng ta gắn bó chặt chẽ với nhau".

Các nhà phê bình lập luận, việc tân chính quyền tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris, tái tham gia vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ), tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hủy bỏ các quy tắc thời ông Trump liên quan đến Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ là mang lại lợi ích cho Bắc Kinh. Họ cũng nói, cho đến nay không thấy chính sách rõ ràng nào về cách tân chính quyền sẽ đối phó với sự cạnh tranh quyền lực lớn của thế kỷ 21 của Bắc Kinh.

Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Hoa Kỳ đã hợp tác với chế độ Trung Quốc với hy vọng rằng, các liên kết thương mại và đầu tư lớn hơn sẽ giúp thúc đẩy nền dân chủ ở nước này. Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã công nhận đây là một khái niệm thất bại, và đã thay đổi cách tiếp cận của Hoa Kỳ để tập trung vào việc đối đầu với chế độ độc tài này, trước những mối đe dọa mà nó gây ra đối với nền an ninh quốc gia, sự thịnh vượng kinh tế và nền dân chủ của đất nước Hoa kỳ.

Nguyên Hương

 



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh có ý định thúc ép ông Joe Biden đảo ngược các chính sách của ông Trump trong cuộc họp ở Alaska ngày 18/3