Anh đe dọa trừng phạt Đài truyền hình Trung Quốc vì các bản tin liên quan đến Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 26/5, cơ quan quản lý truyền thông Vương quốc Anh phát hiện đài phát thanh tiếng Anh của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đã “thất bại nghiêm trọng” trong việc tuân thủ tính khách quan theo luật pháp Vương quốc Anh, đối với các tin bài về cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong năm ngoái.

Hôm thứ Ba (26/5), cơ quan quản lý truyền thông Vương Quốc Anh Ofcom cho biết (pdf) 5 mục tin tức về các cuộc biểu tình được phát sóng bởi đài CGTN trong khoảng thời gian từ ngày 11/8/2019 đến ngày 21/11/2019 không đảm bảo tính “khách quan về một vấn đề tranh cãi chính trị lớn và một vấn đề lớn liên quan đến chính sách công hiện nay”. CGTV vốn là đài truyền hình trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ofcom cũng cho biết họ đã “quyết định” xử phạt kênh truyền hình Trung Quốc sau khi lắng nghe lời phản biện của đài này, mặc dù theo các quy định, CGTN có “ít nhất” 15 ngày làm việc để trả lời mối đe dọa trừng phạt trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra.

Các cuộc biểu tình ban đầu đã nổ ra ở Hong Kong vào năm ngoái để phản đối Dự luật sửa đổi Luật Dẫn độ gây tranh cãi của chính phủ Hong Kong. Dự luật này sẽ cho phép các nghi phạm hình sự ở Hong Kong được gửi đến Trung Quốc đại lục để xét xử. Tại Trung Quốc, hệ thống tư pháp vốn nổi tiếng với nhiều lỗ hổng khó kiểm soát, tình cảnh thường thấy là ĐCSTQ sẽ sử dụng quyền lực của mình để lèo lái các quyết định của tòa án, sử dụng lực lượng cảnh sát để tra tấn và khiến những người được cho là “tội phạm” phải nhận tội.

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong được tổ chức bởi Phong trào Chống Dự luật Sửa đổi Luật dẫn độ (AELABM), vẫn đang tiếp tục trong 7 tháng qua. Những người biểu tình kêu gọi tái thiết lập nền dân chủ tại đặc khu này, đồng thời chỉ trích chính quyền thân ĐCSTQ của Hong Kong vì cách thức xử lý yếu kém đối với các cuộc biểu tình ban đầu.

Các đoạn video về các cuộc biểu tình thường xuyên được phát sóng bởi nhiều cơ quan báo chí trên khắp thế giới, cho thấy người biểu tình thường xuyên phải đối mặt với các cuộc đụng độ dữ dội với lực lượng cảnh sát tại Hong Kong. Trong các “cuộc chiến” này các sĩ quan cảnh sát thường dùng súng bắn hơi cay và đạn cao su nhắm trực tiếp vào người biểu tình.

Hong Kong

Một cư dân bị cảnh sát chống bạo động giam giữ trong một cuộc biểu tình ở Hong Kong vào ngày 03/11/2019. (Anthony Kwan / Getty Images)
Một cư dân bị cảnh sát chống bạo động giam giữ trong một cuộc biểu tình ở Hong Kong vào ngày 03/11/2019. (Anthony Kwan / Getty Images)

Sau nhiều tháng bất ổn kéo dài, Dự luật sửa đổi Luật Dẫn độ cuối cùng đã bị rút lại vào ngày 15/6/2019 bởi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Giám đốc điều hành của chính phủ Hong Kong.

Để biện minh cho loạt tin bài của mình, CGTN lập luận rằng, “với tư cách là đài truyền hình công cộng Trung Quốc”, họ thấy “rất khó khăn” khi phải cố gắng có được những quan điểm thay thế “trong lúc đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hong Kong”, vì những người phản đối dự luật đó của chính quyền Trung Quốc có thái độ “thù địch” và không muốn nói chuyện với cánh truyền thông đến từ “Trung Quốc đại lục và với các phóng viên nói tiếng Quan thoại [tiếng Trung phổ thông]”.

Đài này nói rằng các tin bài bao gồm những “đóng góp ngắn gọn” từ “một số rất ít” những người biểu tình đồng ý tham gia vào các chương trình của họ. CGTN đã đề cập đến các chương trình phát sóng của đài này vào ngày 25/8/2019, ngày 06/9/2019 và 18/9/2019, trong đó các quan điểm từ người biểu tình đã được đưa vào tin bài.

CGTN cũng nói thêm rằng Ofcom đã không nhận được bất kỳ khiếu nại nào từ người xem về 5 mục tin tức được đề cập.

Tuy vậy, Ofcom kết luận rằng trong khi họ công nhận CGTN có quyền đưa ra các chương trình cung cấp cho khán giả “góc nhìn Trung Quốc” về các sự kiện tin tức, thì đài này đã thất bại trong việc đưa tin một cách khách quan. Cơ quan quản lý này cũng lưu ý rằng, mặc dù họ hiểu rằng CGTN đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người biểu tình sẵn sàng xuất hiện trong các chương trình của mình, nhưng thay vào đó một số “kỹ thuật biên tập” vẫn có thể được sử dụng để đảm bảo tính khách quan của bản tin.

Công ty truyền thông Star China Media Limited là đơn vị hiện đang nắm giữ giấy phép của CGTN ở Anh.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Anh đe dọa trừng phạt Đài truyền hình Trung Quốc vì các bản tin liên quan đến Hong Kong