Ấn Độ xây tường đá, Trung Quốc dựng đồn lính, thêm 2 binh sĩ Ấn tử vong tại Thung lũng Galwan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc xung đột tồi tệ nhất trong mấy thập kỷ qua ở biên giới Trung - Ấn đã gây ra cái chết cho hơn 90 binh lính của cả hai bên. Hình ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy hai bên đã bí mật triển khai quân sự tại biên giới khu vực thung lũng Galwan. Quân đội Ấn Độ đã xây dựng một bức tường đá, còn quân đội Trung Quốc đã thiết lập một đồn lính ở biên giới và liên tục mở rộng khu vực Đường kiểm soát thực tế (LAC). Hiện tại, tình hình triển khai phòng bị ở biên giới giữa hai nước đang dần nóng lên.

Theo hãng Associated Press của Mỹ đưa tin ngày 27/6, các hình ảnh vệ tinh do Công ty công nghệ vũ trụ Maxar của Mỹ công bố trong tuần này cho thấy xuất hiện hoạt động xây dựng mới ở gần Thung lũng sông Galwan giữa biên giới Trung - Ấn.

Hình ảnh vệ tinh Maxar. (Ảnh chụp màn hình video)
Hình ảnh vệ tinh Maxar. (Ảnh chụp màn hình video)

So sánh với hình ảnh được phân tích trước đó, ông Steve Wood, Phó chủ tịch của Maxar, cho rằng kể từ ngày 22/5, thường xuyên có một lượng xe tải, máy xúc, máy ủi, xe bọc thép quân sự, v.v., của quân đội Trung Quốc đi đến biên giới khu vực thung lũng sông Galwan để mở rộng khu vực gần Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Ngoài ra, theo ông Chris Biggers, nhân viên phân tích cao cấp của Công ty phân tích và hình ảnh vệ tinh HawkEye 360, quân đội Trung Quốc rõ ràng là sắp chiếm tới vị trí mà họ gọi là ranh giới kiểm soát của Trung Quốc, họ đã thiết lập một trạm gác và một đường ray. Còn quân đội Ấn Độ đã xây dựng một bức tường đá đối diện với đồn lính Trung Quốc, họ chất đống lớp lớp các chướng ngại vật và căng phủ bạt.

Ngoài ra, do hiện tại biên giới Trung - Ấn tiếp tục căng thẳng, truyền thông Ấn Độ đưa tin vào ngày 28/6 rằng 2 binh sĩ Ấn Độ đã bị chết đuối do lật thuyền khi đang xây dựng một cây cầu ở khu vực Thung lũng sông Galwan vài ngày trước. Hai binh sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ là: Naik Sachin Vikram More (37 tuổi) và Lance Naik Saleem Khan (23 tuổi).

Gia đình của hai binh sĩ cho biết, họ nhận được thông báo từ quân đội rằng Vikram More đã nhảy xuống sông và cố gắng giải cứu 2 binh sĩ khác sau khi thuyền bị lật, đầu của anh bị đập vào đá và anh đã tử vong do không được chữa trị kịp thời. Hiện tại, quân đội Ấn Độ vẫn chưa xác nhận vụ việc.

Trước đó, truyền thông nước ngoài đưa tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã tập kết lượng lớn lực lượng tại biên giới. Quân đội Trung Quốc đã bố trí thêm quân đội ở vị trí cách sân bay Daulat Beg Oldi của Ấn Độ 30 km về phía đông nam.

Trước đó, truyền thông nước ngoài đưa tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã tập kết lượng lớn lực lượng tại biên giới.
Trước đó, truyền thông nước ngoài đưa tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã tập kết lượng lớn lực lượng tại biên giới. (Ảnh chụp video)

Các nguồn tin tiết lộ rằng quân đội Ấn Độ cũng đã triển khai hơn 36.000 binh sĩ ở biên giới, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực và pháo binh... Số lượng máy bay quân sự của Trung Quốc được bố trí nhiều gấp khoảng 4 lần so với không quân Ấn Độ.

Đối mặt với tình hình căng thẳng “giương cung tuốt kiếm" giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ngày 17/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố rằng quân đội Ấn Độ đã hành động bất hợp pháp trước, nói rằng "trách nhiệm hoàn toàn không thuộc về phía Trung Quốc".

Tuy nhiên, Anurag Srivastava, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đã đáp trả vào ngày hôm sau rằng quân đội Trung Quốc trước đó có ý định dựng lên các công trình ở Đường kiểm soát biên giới trên phần lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát, và đã bị quân đội Ấn Độ chặn lại.

Hiện tại, các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và Ấn Độ đều hy vọng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt tình hình giữa hai nước sau cuộc điện đàm. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù hai bên gần đây đã đạt được sự đồng thuận để giảm bớt căng thẳng, nhưng các công trình xây dựng này chứng minh rằng lời nói không đi đôi với việc làm, và cái gọi là cam kết rất mong manh.

Do chiến tranh Trung - Ấn có khả năng chạm nhẹ là nổ ngay, nhà bình luận thời sự Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) phân tích cho rằng: kể từ tháng 5 năm nay, nguyên nhân khiến cho biên giới Trung - Ấn lại một lần nữa xảy ra xung đột chủ yếu là do khi ĐCSTQ gặp phải bất kỳ căng thẳng nào trong quan hệ đối ngoại và chính sách kinh tế xã hội trong nước thất bại, nó sẽ tạo ra xung đột với những nước láng giềng yếu thế hơn để chuyển hướng dư luận. Và đất nước được lựa chọn để công kích ấy, cả 2 lần đều là Ấn Độ.

Ông Trình Hiểu Nông giải thích rằng lần đầu tiên là vào năm 1962, khi Mao Trạch Đông phát động chiến dịch "Đại nhảy vọt” để vượt qua Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô nhưng đã thất bại hoàn toàn; lần này vào năm 2020 cũng là lúc ĐCSTQ đề xuất phương châm trỗi dậy để vượt qua Hoa Kỳ, là năm mà Trung Quốc rơi vào tình trạng trong ngoài đều khốn đốn do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Đông Phương
Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Ấn Độ xây tường đá, Trung Quốc dựng đồn lính, thêm 2 binh sĩ Ấn tử vong tại Thung lũng Galwan