Cựu phóng viên Mỹ: Tình hình ở Afghanistan còn tệ hơn Sài Gòn năm 1975

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cựu phóng viên Mỹ chuyên tác nghiệp ở hải ngoại nhận định, tình hình ở Afghanistan còn tồi tệ hơn ở Sài Gòn, Việt Nam vào năm 1975.

Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó, đã rơi vào tay Quân đội Bắc Việt Nam vào ngày 30/4/1975. Trong những ngày trước khi quân Bắc Việt tiếp quản và dẫn đến kết thúc Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã sơ tán hàng ngàn người Mỹ và người Việt Nam khỏi Sài Gòn.

Ông Ron Yates đã ở tại đó vào thời điểm ấy với tư cách là phóng viên của tòa soạn Chicago Tribune. Ông nhớ rằng, quân đội Hoa Kỳ đã làm việc trong nhiều tuần để sơ tán những người Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ trong chiến tranh.

Trong chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times hôm 20/8, cựu phóng viên Yates thuật lại: “Họ đã cố gắng giải cứu được rất nhiều người”.

Đối nghịch lại, Mỹ đã thất bại trong việc sơ tán rất nhiều người Afghanistan trước khi đất nước Trung Đông này rơi vào tay phiến quân Taliban vào giữa tháng Tám.

Ông Yates nói: “Đó là một thảm họa không thể cứu vãn được. Họ đã có nhiều tháng để làm việc này. Tại sao họ không thể bắt đầu quá trình này cách đây 3 hoặc 4 tháng, từ từ đưa những người Afghanistan này đi, những người sẽ trở thành mục tiêu của Taliban sau khi họ tiếp quản?”.

Kể từ ngày 14/8, Hoa Kỳ đã sơ tán hoặc tạo điều kiện cho việc sơ tán khoảng 82.300 người trên các chuyến bay của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh, một quan chức Nhà Trắng cho biết hôm 25/8. Nhiều người Afghanistan có thể đã bị Taliban nhắm mục tiêu nếu họ ở lại đất nước.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5.400 người được sơ tán trước khi Taliban tiếp quản, trong đó có một số người Mỹ.

Chính quyền ông Biden đã khẳng định sẽ có thời gian để xem xét lại hành động sau đó, bao gồm cả việc thăm dò xem các lực lượng Afghanistan đã thất bại trong việc chống lại Taliban như thế nào. Chính quyền đương nhiệm tại Mỹ đã bị chỉ trích vì dường như không dự đoán được sự tiếp quản chóng vánh, diễn tiến ngay sau khi Hoa Kỳ tiến hành rút quân trước thời hạn tự áp đặt vào ngày 31/8.

Các quan chức quân sự đã ám chỉ đến một sự thất bại trong lĩnh vực thông tin tình báo. Trong một lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng vào tuần trước, vị tướng hàng đầu của Hoa Kỳ là ông Mark Milley nói với các phóng viên rằng: “Không có gì mà tôi hoặc bất kỳ ai khác nhìn thấy lại cho thấy sự sụp đổ của quân đội và chính phủ này trong vòng 11 ngày”.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia chưa trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times.

Ảnh tư liệu của phóng viên Ron Yates ở Việt Nam. (Ảnh: The Epoch Times)
Ảnh tư liệu của phóng viên Ron Yates ở Việt Nam. (Ảnh: The Epoch Times)

Cựu phóng viên Yates từng phục vụ trong Cơ quan An ninh Quân đội của Mỹ - cơ quan xử lý các tín hiệu tình báo của Hoa Kỳ. Trao đổi với The Epoch Times, ông bày tỏ quan điểm cho rằng, đó không phải là một thất bại tình báo, mà là một thất bại của chính quyền trong việc chú ý đến thông tin tình báo mà họ được cung cấp.

Ông Yates nói: "Tôi nghĩ rằng có rất nhiều thông tin tình báo tại thực địa. Bạn biết đấy, chúng tôi có rất nhiều người tại thực địa ở Afghanistan, ngay cả bây giờ, những người đang cung cấp thông tin tình báo tốt về Taliban hoặc bất cứ điều gì".

Ông tiếp tục:

"Và tôi tin rằng quân đội của Lầu Năm Góc đã cảnh báo cho chính quyền về những gì sắp xảy ra. Tôi nghe nói rằng họ đã cảnh báo cho [chính phủ Mỹ] hồi tháng Bảy, về điều gì sẽ xảy ra nếu họ không làm như vậy, nếu họ cho phép Taliban, nếu họ rút quân nhanh chóng và Taliban bắt đầu làm những gì nhóm này đang làm bây giờ. Đó sẽ là sự hỗn loạn. Nó sẽ rất kinh khủng.

Và bằng cách nào đó, tôi không nghĩ rằng chính quyền để ý đến lời khuyên đó. Tôi không có ở đó trong căn phòng nên tôi không biết. Tôi không biết gì về Phòng Tình huống ở Nhà Trắng, nhưng cảm giác của tôi là họ không lắng nghe. Và bây giờ chúng ta đang phải trả giá cho điều đó".

Hôm 24/8, Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden thông báo rằng, thời hạn ngày 31/8 sẽ không bị lùi lại, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, khi quân đội Hoa Kỳ cố gắng sơ tán hàng ngàn người Mỹ còn lại ở Afghanistan, cùng với những người Afghanistan đã giúp đỡ Hoa Kỳ trong suốt cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm tại đất nước này.

Nhóm các nhà lãnh đạo của G7, bao gồm cả ông Biden, đã đồng ý trong một cuộc họp trước đó trong ngày về cách tiếp cận "thống nhất" với Taliban, với tính hợp pháp của bất kỳ chính phủ tương lai nào đều tùy thuộc vào cách nhóm khủng bố này duy trì nghĩa vụ quốc tế của mình.

Ông Biden cho biết: “Và chúng tôi đã đồng ý rằng, không ai trong chúng tôi sẽ tin lời Taliban về vấn đề đó. Chúng tôi sẽ đánh giá họ bằng hành động của họ. Và chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ trong bất kỳ bước nào mà chúng tôi thực hiện để đối phó với hành vi của Taliban”.

Về diễn biến sắp tới đây, ông Yates hy vọng rằng, hầu hết những người Afghanistan từng làm việc với người Mỹ có thể rời khỏi đất nước Nam Á này, trước khi quân đội Mỹ rút lui hoàn toàn.

Cựu phóng viên thực địa của Mỹ nhận định: “Điều khác mà tôi nghĩ thực sự quan trọng, là hành vi của các phương tiện truyền thông của chúng ta. Tôi rất ấn tượng, tôi rất hài lòng và về chức năng của phương tiện truyền thông, khi họ đưa tin về câu chuyện này. Họ đang hỏi những câu hỏi hay. Họ đang yêu cầu trách nhiệm giải trình từ chính quyền. Họ đang thăm dò [chính quyền]. Họ đang cố gắng tìm một số câu trả lời xác đáng cho một số điều chúng ta đang thấy trên thực địa ở Afghanistan, và tôi nghĩ đó là một điều tốt. Tôi nghĩ việc này cho thấy điều tốt nhất, dạng tốt nhất của các phương tiện truyền thông".

Ông kết luận: "Và tôi tin rằng nếu họ có thể làm được, nếu điều này có thể được duy trì theo thời gian, thì đó có thể là một kiểu tái tạo phương tiện truyền thông Mỹ của chúng ta, thực hiện công việc của mình để thay đổi và là cơ quan giám sát đối với chính phủ. Vì vậy, tôi hy vọng đó là kết quả cuối cùng của tất cả những điều này".

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Cựu phóng viên Mỹ: Tình hình ở Afghanistan còn tệ hơn Sài Gòn năm 1975