8 lời dối trá của Big Media về cựu TT Trump đã bị vạch trần, còn gì nữa không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Big Media đã chế tạo ra bao nhiêu lời dối trá để bủa vây ông? Đã có bao nhiêu thông tin bị lật tẩy giúp công chúng được giải khai sự thật? Mời quý độc giả cùng NTD Việt Nam điểm lại 8 lời dối trá nổi bật nhất về ông Trump của Big Media, trong lúc chờ đợi các thông tin cập nhật từ các cuộc thanh tra kết quả bầu cử tại các tiểu bang Arizona và Georgia.

Trong suốt 4 năm dẫn dắt nước Mỹ, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đạt được rất nhiều thành tựu.

Trong nước, ông Trump không chỉ lấp đầy nền sản xuất rỗng sau nhiều thập kỷ hoang phế, mang lại việc làm và sức tăng trưởng bền hơn cho nền kinh tế, ông còn khôi phục các giá trị truyền thống đang bị bào mòn, xâm lấn triệt để bởi tư tưởng cấp tiến như bảo vệ thai nhi.

Trên thế giới, các đòn trừng phạt kinh tế đủ mạnh mẽ, đúng trọng tâm thực sự làm suy yếu đối thủ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, đẩy Iran vào thế không thể hỗn hào, tạo điều kiện cho thế giới Ả-rập công nhận Israel, tạo nền tảng hòa bình lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đẫm máu ở Trung Đông.

Với cấu trúc thể chế toàn cầu, ông mạnh mẽ lên án và vạch trần "chủ nghĩa toàn cầu hóa" - một hình thái khác của chủ nghĩa xã hội, núp dưới chiêu bài toàn cầu hóa thông qua các tổ chức quốc tế bị thao túng bởi các nhà tài phiệt và Trung Quốc. Trong số đó, đặc biệt kể đến việc ông Trump đã vô hiệu hóa WTO - tổ chức đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng triệt để, trở thành quốc gia duy nhất công nghiệp hóa thành công sau khi gia nhập WTO.

Dù vậy, hình tượng mà báo chí truyền thông cánh tả Big Media cố gắng khắc họa cho vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ này lại không mấy khiến người ta muốn có thiện cảm với ông, khi đa phần những tin tức từ những kênh thông tin lớn thiên tả như CNN, New York Times hay Washington Post đều khiến người đọc (nếu chỉ đọc và không tìm hiểu, không kiểm chứng) mường tượng ông như một người hợm hĩnh, trịch thượng, mà lại nông cạn, thiếu tầm nhìn, thậm chí như một "tên hề" dối trá nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Không một lời phỉ báng nào không thể thoải mái quăng vào ông mà phải chịu chỉ trích. Ngay cả bây giờ, khi ông rời khỏi Nhà trắng được 6 tháng trong một cuộc bầu cử đầy tranh cãi, thì những âm mưu bịt miệng ông, triệt hạ ông vẫn không ngừng được triển khai một cách bài bản, có kế hoạch và kết cấu rõ ràng giữa truyền thông cánh tả - các ông lớn sở hữu nền tảng công nghệ xã hội - tài phiệt tài chính phố Wall và chính trị gia cấp tiến.

Big Tech ngang nhiên chặn các thông điệp "thông tin sai sự thật", "tin không kiểm chứng" vào những thông điệp trên mạng xã hội của ông. Quá đáng hơn, họ nhất loạt đóng tài khoản nhằm chặn đứng mọi thông tin từ ông, đảm bảo công chúng khó có thể tiếp cận sự thật từ tổng thống được bầu hợp pháp, hợp hiến và đang tại vị của nước Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi ông rời Nhà Trắng, rất nhiều thông tin từ phía giới truyền thông và các chính trị gia cánh tả đã bị phơi bày theo đúng bản chất mà Tổng thống Trump vẫn thường mô tả: "Fake News" (Tin giả).

Tương tự, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khi cựu Tổng thống Trump liên tục đưa ra những tuyên bố về các bất cập và sai phạm trong quy trình kiểm phiếu, đặc biệt tại các tiểu bang chiền trường quan trọng như Arizona, Georgia, Pennsylvania, Wisconsin, v.v. thì các nhà lập pháp cánh tả và truyền thông Big Media lại tiếp tục "đồng lòng" chỉ trích và lấp liếm những phát ngôn của ông.

Nhưng hiện nay đã xuất hiện nhiều thông tin đảo chiều về kết quả cuộc bầu cử tại các tiểu bang ArizonaGeorgia.

Trong lúc tiếp tục theo dõi và chờ đợi kết quả từ các cuộc thanh tra bầu cử tại các tiểu bang này, chúng ta hãy cùng điểm lại xem đã có những tin tức nào về ông Trump do Big Media lan truyền mà bị lật tẩy.

Dưới đây, hãng tin Daily Caller đã tổng hợp lại 8 thông tin mà phe cánh chống Trump rất thích sử dụng, nhưng đã bị vạch trần trong thời gian qua:

Tin giả 1: Tổng thống Trump ra lệnh dùng hơi cay 'dẹp loạn' để chụp ảnh!

Năm ngoái, các thành viên Đảng Dân chủ và một số quan chức chính quyền cáo buộc rằng cựu Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh giải phóng Công viên Layfatte để ông có thể chụp bức ảnh với cuốn Kinh thánh trên tay. Sự việc diễn ra vào ngày 1/6/2020, khi cựu Tổng thống Trump có ý định khảo sát thiệt hại tại khu vực này và đi bộ đến Nhà thờ St. John sau hàng loạt các vụ bạo động diễn ra trên khắp nước Mỹ, làm rúng động cả xứ sở cờ hoa.

Vào ngày 1/6/2020, Tổng thống Trump đứng trước Nhà thờ St. John với cuốn Kinh thánh trên tay. (Nguồn ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI / AFP via Getty Images)
Vào ngày 1/6/2020, Tổng thống Trump đứng trước Nhà thờ St. John với cuốn Kinh thánh trên tay. (Nguồn ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI / AFP via Getty Images)

Vụ việc đó xảy ra khi các cuộc bạo động, biểu tình, bạo lực và đốt phá của phe cánh tả đang đạt đỉnh điểm trên khắp các khu vực đô thị lớn, sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis vào tháng 5 năm ngoái.

Hàng loạt các nhà lập pháp Dân chủ đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích, cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực, sử dụng lực lượng vũ trang và hơi cay để đẩy lùi đám đông biểu tình thuộc phong trào Black Lives Matter, để ông có được bức ảnh đẹp. Một số người đều là những cái tên chủ chốt của phe phái cánh tả tại Mỹ, như ứng cử viên tổng thống Dân chủ khi đó là ông Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Lãnh đạo phe Thiểu số Dân chủ khi đó Chuck Schumer, v.v.

Vào ngày 1/6/2020, Phóng viên trưởng tại Mỹ của CNN là ông Jim Acosta đã đăng tải hình ảnh Tổng thống Trump được hộ tống đi bộ tới Nhà thờ St. John lên Twitter với bình luận: "Thật là một cách lợi dụng quân sự không thể tin nổi để dẹp yên người biểu tình ở Công viên Lafayette cho một bức ảnh trang nhất [...]".

Trong một bài đăng trên Twitter khi đó, ông Joe Biden đã kêu gọi người dân Mỹ phải cùng đoàn kết để "đánh bại" Tổng thống Trump, với cáo buộc rằng cựu tổng tư lệnh Mỹ đã dùng đến "quân đội Mỹ" chống lại "người dân Mỹ", dùng đến hơi cay và đạn cao su đối với "những người biểu tình ôn hòa".

Câu chuyện này vẫn tiếp tục được lan truyền, cho đến ngày 9/6, New York Post cho hay, Tổng Thanh tra Bộ Nội vụ Mark Lee Greenblatt đã công bố một báo cáo dài 37 trang, nói rằng vụ giải tán bạo lực tại Công viên Lafayette không liên quan gì đến việc chụp ảnh của ông Trump. Báo cáo đưa ra kết luận rằng, công viên được giải tán để một nhà thầu tiến hành công việc lắp đặt "hàng rào bảo vệ trước hành động phá hủy tài sản và gây thương tích cho các sĩ quan của người biểu tình".

Báo cáo của tổng thanh tra cũng cho biết Cảnh sát Công viên Hoa Kỳ (USPP) đã không sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình Black Lives Matter gần Nhà Trắng vào ngày 1/6/2020. Giới chức cho biết, Cảnh sát Metropolitan, do chính quyền Thủ đô Washington điều hành đã sử dụng hơi cay trong một vụ việc khác không liên quan.

Tổng Thanh tra Bộ Nội vụ Mark Lee Greenblatt tuyên bố rằng, các quan chức Cảnh sát Công viên Hoa Kỳ “đã bắt đầu thực hiện kế hoạch hoạt động vài giờ trước khi họ biết về khả năng Tổng thống tới công viên”.

Tin giả 2: Lý thuyết virus Corona Vũ Hán rò rỉ từ phòng thí nghiệm mà Tổng thống Trump ủng hộ là thuyết âm mưu!

Kể từ ngày đầu tiên gọi virus Corona Vũ Hán là "virus Trung Quốc" để nhắc nhở toàn thế giới về nguồn gốc khởi phát của chủng virus chết người này, ông Trump chưa từng nao núng đối với lập trường của mình, virus Corona Vũ Hán không có nguồn gốc tự nhiên mà khởi phát từ phòng thí nghiệm. Ông luôn khẳng định, chủng virus gây ra thảm họa đại dịch COVID-19 trong hơn 1 năm qua trên toàn cầu bắt nguồn từ Viện Virus học Vũ Hán, một viện nghiên cứu virus cấp cao nhất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố này của ông Trump vào hồi tháng 3/2020, truyền thông cánh tả Big Media đã không ngừng phê phán lý thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Họ không ngừng trích dẫn từ mọi nhà khoa học có thể để khẳng định, đây là một "thuyết âm mưu" đã bị "vạch trần". Báo CNN thậm chí đã tung ra một bài viết với tiêu đề: "Trump contradicts US intel community by claiming he’s seen evidence coronavirus originated in Chinese lab" (tạm dịch: Trump mâu thuẫn với cộng đồng tình báo Hoa Kỳ khi tuyên bố rằng ông đã nhìn thấy bằng chứng coronavirus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Trung Quốc).

Hãng tin Washington Post thì lại có bài viết rằng: "President Trump and Secretary of State Mike Pompeo continue to push unsubstantiated Wuhan lab theory on novel coronavirus origins" (tạm dịch: Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tiếp tục thúc đẩy lý thuyết vô căn cứ về [nguồn gốc từ] phòng thí nghiệm Vũ Hán của chủng virus corona mới). Đây chỉ là vài ví dụ rất ít ỏi trong làn sóng ồ ạt phản đối cựu Tổng thống Trump từ phe cánh Big Media khi đó về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

"Tôi cho rằng việc nói quân đội chúng ta mang virus tới cho họ mới là tạo ra sự kỳ thị. Gọi tên nó là “virus Trung Quốc” là chính xác”, Tổng thống Trump nói.
"Tôi cho rằng việc nói quân đội chúng ta mang virus tới cho họ mới là tạo ra sự kỳ thị. Gọi tên nó là “virus Trung Quốc” là chính xác”, Tổng thống Trump nói. (Ảnh: Getty)

Ngày 4/3/2020, một nhóm gồm 60 nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã viết một lá thư chỉ trích gắt gao cách ứng phó của chính quyền Trump, từ việc Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh cấm đi lại từ Trung Quốc cho tới việc ông gọi đích danh “virus Trung Quốc”.

Thời điểm ấy, ứng viên Tổng thống Joe Biden đã quy kết từ ngữ của Tổng thống Trump mang tính “kỳ thị”, và cho rằng không được “phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc quốc gia, chủng tộc, giới tính hoặc mã ZIP".

Trong khi truyền thông dòng chính Mỹ (Big Media) cùng các ông lớn mạng xã hội (Big Tech) gắn cờ cảnh cáo hoặc gắn Thuyết Âm mưu cho nguồn gốc virus Trung Quốc thì vào ngày 14/9/2020, các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã thông qua một nghị quyết nhằm lên án thuật ngữ "virus Trung Quốc" với tỷ lệ 243 phiếu thuận/163 phiếu chống.

Tuy nhiên, kể từ hồi tháng Sáu năm nay, một số phóng viên từ các hãng truyền thông lớn Big Media đã thừa nhận rằng, lý thuyết virus Corona Vũ Hán “rò rỉ từ phòng thí nghiệm” ở thành phố Vũ Hán ban đầu đã bị bác bỏ vì nó đến từ các thành viên đảng Cộng hòa.

Lý thuyết này cũng đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, khi mà Tiến sĩ Anthony Fauci - người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ - đã thừa nhận, ông “không tin” căn bệnh COVID-19 do virus Corona Vũ Hán gây ra lại phát triển từ tự nhiên, và kêu gọi một cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc của chủng virus này. Sau đó, ông Biden cũng nhanh chóng ra lệnh, yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ thực hiện một cuộc điều tra sâu rộng và nghiêm túc về nguồn gốc của virus từ lý thuyết phòng thí nghiệm, dù trước đó đã ra lệnh ngừng cuộc điều tra này.

Trong chương trình “This week” của đài ABC hôm 30/5, phóng viên Jonathan Karl của hãng tin ABC News Washington đã thừa nhận với người dẫn chương trình như sau:

“Đúng vậy, tôi nghĩ rất nhiều người sẽ lố bịch lắm. Đây là ý tưởng lần đầu tiên được đưa ra bởi ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng của ông Donald Trump, và hãy nhìn xem, một số điều có thể đúng ngay cả khi đó là Donald Trump nói ra. Bởi vì ông Trump đã nói rất nhiều điều khác ngoài tầm kiểm soát… ông ấy nói thẳng rằng [virus] này đến từ phòng thí nghiệm đó, và nó đã bị bác bỏ rộng rãi… nhưng bây giờ những người nghiêm túc đang nói rằng nó cần một cuộc điều tra nghiêm túc”.

Cũng trong khoảng thời gian này, xu hướng "đảo chiều dư luận" đối với thuyết virus Corona Vũ Hán khởi phát từ một phòng thí nghiệm ngày càng trở nên rõ ràng hơn, khi nhiều hãng truyền thông lớn cánh tả như Washington Post, PolitiFact hay Vox đã âm thầm rút lại tuyên bố đây là "thuyết âm mưu bị lật tẩy", mà không có thêm lời đính chính công khai nào đối với công luận.

Còn Facebook cũng đã dừng lệnh cấm đối với các bài đăng khẳng định COVID-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm hôm 26/5, sau 1 năm liên tục kiểm duyệt nội dung này trên nền tảng của mình.

Trong chương trình "The Dan Bongino Show" phát sóng trên kênh truyền hình Fox Nation hôm 25/5, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quả quyết khẳng định, ông hầu như không có nghi ngờ gì về việc virus Corona Vũ Hán gây ra đại dịch COVID-19 khởi phát từ một phòng thí nghiệm, Fox News đưa tin. Những lời này càng củng cố cho giả thuyết vốn trước đó bị các hãng truyền thông lớn và nhiều học giả y khoa coi là "thuyết âm mưu" nhưng hiện nay lại đang thu hút nhiều sự chú ý và ngày càng được đón nhận.

Tin giả 3: Tổng thống Trump thờ ơ trước việc Nga treo thưởng hạ sát lính Mỹ!

Ông Biden và phe cánh tả tiếp tục tham gia vào việc chỉ trích ông Trump đối với cáo buộc cựu tổng tư lệnh Mỹ đã không có hành động gì trước một số thông tin về việc nước Nga treo thưởng cho việc hạ sát lính của quân đội Mỹ.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris (D-CA) lên sân khấu để phát biểu tại Trường trung học Alexis Dupont vào ngày 12 tháng 8 năm 2020 ở Wilmington, Delaware (Ảnh của Drew Angerer / Getty Images)
Những tuyên bố sai lầm của Tổng thống Biden - và được lặp lại bởi Phó Tổng thống Harris, Ngoại trưởng Tony Blinken, và Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield - làm suy yếu các giá trị của Mỹ. Chúng thể hiện một sự khác biệt đáng chú ý so với chính sách Nước Mỹ trên hết của Tổng thống Trump. (Ảnh của Drew Angerer / Getty Images)

Theo một bài báo từ New York Times, ông Biden đã nói: "Không chỉ không xử phạt hoặc áp đặt bất kỳ loại hậu quả nào đối với Nga vì hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp Quốc tế này, Donald Trump còn tiếp tục chiến dịch đáng xấu hổ của mình về việc coi thường và hạ thấp bản thân trước Vladimir Putin”.

Ngoài ông Biden, phó tướng của ông là bà Kamala Harris cũng tham gia thúc đẩy thông tin này hồi tháng 10/2020.

Giải thích cho việc vì sao không thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Putin, cựu Tổng thống Trump khi đó cho biết, có quá ít bằng chứng củng cố cho thông tin tình báo này. Tuy nhiên, ông từng khẳng định với CNN rằng, ông "không có vấn đề gì" nếu cần phải thảo luận về chủ đề này với người đồng cấp tại Nga. Báo Washington Post sau đó đã "tặng" ông 4 điểm Pinnochio vì cho rằng ông đang nói dối về thông tin này trong một bài phỏng vấn hồi 30/7/2020.

Tuy nhiên, các tuyên bố từ những tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ sau đó đã chứng thực cho lời khẳng định của cựu Tổng thống Trump rằng, có rất ít bằng chứng ủng hộ cho giả thuyết Nga đang treo thưởng để lấy mạng của quân lính Mỹ.

Trả lời hãng tin NBC News hồi 14/9/2020, Tướng Frank McKenzie là chỉ huy của Bộ Chỉ huy Trung tâm Hoa Kỳ nêu rõ: "Thực sự thì nó chưa được chứng minh ở mức độ chắc chắn có thể làm hài lòng tôi".

Một tin bài khác từ NPR hôm 9/7/2020 cũng cho thấy, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời ông Trump là ông Mark Esper cũng cho biết chưa từng được nhận thông tin tình báo về việc Nga treo thưởng này. Ông thậm chí còn giải thích rằng: "“Nếu đó là một bản báo cáo đáng tin cậy, một bản báo cáo đáng tin cậy, được chứng thực, có sử dụng những từ ngữ đó, chắc chắn nó sẽ được tôi chú ý bằng chuỗi truyền lệnh, bởi chủ tịch của Liên đội trưởng và những người khác, để hành động”.

Sau cùng, hãng tin New York Times đã có một tin bài tiếp theo khẳng định, không có đủ bằng chứng để chứng minh việc chính phủ Nga đã trả tiền cho phiếm quân Taliban để giết những người lính Mỹ đang đóng quân ở Afghanistan.

Trước lời đính chính này, nhà báo Mỹ nổi tiếng Glenn Greenwald đã có lời "khen ngợi" dành tặng cho Big Media trên tài khoản Twitter của mình, cho việc họ chỉ biết trích dẫn và đưa tin chóng vánh mà quên đi nhiệm vụ kiểm chứng thông tin, một nghiệp vụ cơ bản của người làm báo chí.

Tin giả 4: Tổng thống Trump thúc ép quan chức bầu cử ở Georgia phải 'tìm được lỗi'!

Ngày 3/1, The Washington Post đã tung ra một đoạn ghi âm cuộc gọi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Nội vụ bang Georgia là ông Brad Raffensperger mà họ thu thập được, khiến dư luận xôn xao. Trong đó, hãng tin chỉ công bố các đoạn trích của cuộc gọi kéo dài hàng giờ vào ngày 3/1, với sự tham gia của Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, luật sư của chiến dịch Tổng thống Trump là bà Cleta Mitchell và luật sư Ryan Germany đại diện cho ông Raffensperger.

Từ các đoạn cắt này, hãng tin Big Media khẳng định, cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu Điều tra viên trưởng của Văn phòng Bộ trưởng Nội vụ bang Georgia là bà Frances Watson phải "tìm ra kẻ gian lận", và rằng ông đã tán dương bà ấy sẽ là "một người hùng quốc dân" nếu bà ấy làm được việc này.

Bộ trưởng Nội vụ bang Georgia Brad Raffensperger tổ chức họp báo về tình hình kiểm phiếu ở Atlanta, Georgia ngày 6/11/2020. (Jessica McGowan / Getty Images)

Ngay sau đó, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã phản hồi lại bằng cách đưa ra một bản ghi âm đầy đủ, cho thấy cuộc gọi tập trung vào các vấn đề về tính trung thực của cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.

Bản ghi đầy đủ của cuộc gọi cho thấy, Tổng thống Trump đã nêu ra một số tuyên bố cụ thể về những bất thường trong bầu cử, bao gồm việc một số cử tri đã bỏ phiếu 2 lần, vấn nạn người chết đi bỏ phiếu và tổng lượng phiếu bầu cho Tổng thống Trump bị cắt giảm, cùng với các cáo buộc khác về "gian lận" và "lũng đoạn" mà Tổng thống nhận định là nguyên do hủy hoại chiến thắng của ông ở Georgia, theo The Epoch Times.

Bản ghi đầy đủ của cuộc gọi xuất hiện sau đó cho thấy, trước khi Tổng thống Trump nói rằng ông muốn "tìm" 11.780 phiếu bầu, ông đã yêu cầu các quan chức bầu cử xem xét một số tuyên bố cụ thể về những bất thường trong bầu cử. Đây là những điều mà ông đã công khai kêu gọi họ thực hiện trong nhiều tuần, trước khi gọi điện trực tiếp tới văn phòng ông Raffensperger.

Tới tháng Ba, Washington Post đã phải đưa ra một bài viết đính chính cho lời cáo buộc thiếu căn cứ của mình vào tháng Giêng, trong đó có nội dung như sau:

“Đính chính: Hai tháng sau khi xuất bản câu chuyện này, Bộ trưởng Nội vụ bang Georgia đã công bố bản ghi âm cuộc điện đàm vào tháng 12 của Tổng thống Donald Trump với điều tra viên bầu cử hàng đầu của bang. Đoạn ghi âm cho thấy rằng, The Post đã trích dẫn sai bình luận của ông Trump về cuộc gọi, dựa trên thông tin do một nguồn cung cấp. Ông Trump đã không nói với điều tra viên để ‘tìm ra kẻ gian lận’ hoặc nói rằng bà ấy sẽ là ‘một anh hùng dân tộc’ nếu bà ấy làm như vậy”.

Tin giả 5: Tổng thống Trump thừa nhận những người theo chủ nghĩa da trắng tối thượng là 'người tử tế'!

"Phân biệt chủng tộc", "ủng hộ chủ nghĩa da trắng tối thượng", hay những điều tương tự, là những đặc tính mà các chính trị gia và phe phái cánh tả thường xuyên cố gắng gán ghép cho cựu Tổng thống Trump.

Ví dụ, trong đoạn video quảng bá về chiến dịch tranh cử của mình vào năm 2019, ông Biden dường như đã "vô tình hữu ý" hiểu sai bình luận của ông Trump về cuộc biểu tình đẫm máu ở Charlottesville, Virginia hồi năm 2017. Nhắc đến cuộc biểu tình này, cựu tổng tư lệnh Mỹ từng nhận xét rằng, có "những người tử tế" ở cả 2 phe, và cả 2 phía phải cùng chịu trách nhiệm cho xung đột bạo lực nổ ra trong cuộc biểu tình này.

Tổng thống Donald Trump, trái và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden trong các bức ảnh.
Tổng thống Donald Trump, trái và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden trong các bức ảnh. (Ảnh: Getty Images)

Sau đó, bình luận viên Keith Boykin của CNN tuyên bố rằng, cựu Tổng thống Trump có "lịch sử lâu dài trong việc xúi giục những người ủng hộ ông [trở nên] bạo lực", và rằng người này "đã nhìn thấy điều đó từ cuộc tuần hành Charlottesville năm 2017 của 'những người tử tế'".

Tuy nhiên, trang tin chuyên kiểm chứng thông tin là RealClearPolitics đã giải oan cho cựu Tổng thống Trump khi khẳng định, những lời bình luận của ông thường bị đưa ra ngoài ngữ cảnh và điều đó dễ dàng dẫn đến hiểu lầm.

Trên thực tế, trong cuộc họp báo mà ông Biden và ông Boykin nhắc đến, cựu tổng tư lệnh Mỹ đã có phát biểu như sau:

“Xin lỗi, họ không tự coi mình là những người theo chủ nghĩa tân Quốc xã, và các bạn có một số người rất xấu trong nhóm đó. Nhưng các bạn cũng có những người rất tốt ở cả 2 phía. Các bạn có những người trong nhóm đó - xin lỗi, xin lỗi, tôi đã thấy những bức ảnh giống như các bạn. Các bạn đã có những người trong nhóm đó ở đó để phản đối việc dỡ bỏ, đối với họ, một bức tượng rất, rất quan trọng và việc đổi tên công viên từ Robert E. Lee thành một cái tên khác.

Tôi không nói về những người theo chủ nghĩa tân quốc xã và chủ nghĩa dân tộc da trắng vì họ hoàn toàn đáng bị lên án”.

Tin giả 6: Tổng thống Trump gọi người nhập cư trái phép là 'súc vật'!

Trở lại năm 2018, một lời nhận xét "súc vật" của cựu Tổng thống Trump đã nhanh chóng khiến các chính trị gia và báo giới Big Media cánh tả dậy sóng, liên tục đưa ra những lời chỉ trích đối với ông.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ là ông Schumer phê phán bình luận này khi nói: "Khi tất cả ông bà cố của chúng ta đến Mỹ, họ không phải là 'súc vật' và những người này cũng vậy". Còn thượng nghị sĩ Dân chủ của tiểu bang Nevada là bà Cortez Masto thì khẳng định, những lời này của ông Trump đã xúc phạm tới toàn bộ người nhập cư tại Mỹ, bao gồm cả bản thân bà, vì ông của bà cũng là một người nhập cư.

Truyền thông cánh tả hiển nhiên cũng không bỏ sót câu chuyện này, với những tên tuổi lớn như CNN, Associated Press (AP)New York Times (NYT). Tiêu đề các bài báo hay mẩu tin vắn của các hãng tin này trong ngày hôm đó đều nhằm kích động sự phẫn nộ của giới công luận đối với việc, cựu Tổng thống Trump gọi "người nhập cư" là "súc vật".

Tuy nhiên, trên thực tế ông Trump không hề có ý muốn xúc phạm người dân nhập cư hay bất kỳ chủng tộc cụ thể nào. Lời bình luận "súc vật" của ông đặc biệt chỉ dành cho những thành viên thuộc băng đảng MS-13 chết chóc khét tiếng.

MS-13 là tự viết tắt cho cái tên Mara Salvatrucha, một băng đảng tội phạm lớn hoạt động trên khắp thế giới, với đồng bọn và bè phái trải khắp nước Mỹ.

Cụ thể, khi được hỏi về băng nhóm tội phạm MS-13 hồi năm 2018, ông Trump đã nói: "Chúng ta có những người đến đất nước này... Bạn sẽ không tin những người này tồi tệ như thế nào. Đây không phải là người. Đây là những súc vật".

Các kênh truyền thông thuộc Big Media đã thu hút một lượng người theo dõi khổng lồ. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực ngầm nắm trong tay quyền kiểm soát và định hướng dư luận.
Các kênh truyền thông thuộc Big Media đã thu hút một lượng người theo dõi khổng lồ. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực ngầm nắm trong tay quyền kiểm soát và định hướng dư luận. (Tổng hợp)

Sau những lời cáo buộc vô căn cứ đối với bình luận này của cựu tổng tư lệnh Mỹ, CNN, APNYT đều phải đưa ra những lời đính chính, giải thích rằng nhận xét này của ông Trump là dành riêng cho những kẻ tội phạm và những người nhập cư trái phép đã bị kết án, chứ không phải nhắm đến toàn bộ cộng đồng người nhập cư tại Mỹ.

Một lần nữa, truyền thông cánh tả lại trích dẫn các bình luận của ông Trump mà lược bỏ ngữ cảnh và không kiểm chứng kỹ càng trước khi đưa thông tin.

Tin giả 7: Tổng thống Trump 'nói dối trắng trợn' khi tuyên bố chiến dịch tranh cử của ông bị nghe trộm!

Vào năm 2017, Tổng thống Trump khi đó vừa mới đắc cử trong năm đầu tiên đã tuyên bố rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ tiền nhiệm của ông Obama đã lén theo dõi và nghe lén chiến dịch tranh cử của ông tại trụ sở khi đó là Trump Tower, trước khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.

Trước lời tuyên bố này, CNN khẳng định ông Trump đã "nói dối trắng trợn", với các trích dẫn từ Bộ Tư pháp Mỹ làm bằng chứng.

Khi đó, hãng tin này viết: “Về phần mình, ông Trump đã không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố ban đầu của mình, bởi vì như chúng ta đã biết chắc chắn là không có bằng chứng nào. Để tóm gọn lại: Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ đã nói dối trắng trợn về việc tổng thống tiền nhiệm đã phát hành một bản ghi âm tại trụ sở chiến dịch của ông [Trump]".

Tuy nhiên, vào tháng 5/2020, giới truyền thông Mỹ đã tiết lộ một tài liệu do “Judicial Watch”(Tổ chức Quan sát Tư pháp) ban hành vào tháng 6/2018. Theo nội dung của tài liệu, năm 2016, kẻ chủ mưu chỉ đạo FBI theo dõi phi pháp nhóm chiến dịch tranh cử Trump có khả năng là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Cựu Tổng thống Obama đã liên tục tìm cách nói xấu Flynn với nhóm chuyển tiếp của chính quyền Trump, nói rằng Flynn là nguy cơ an ninh và có thông đồng với Nga. 
Cựu Tổng thống Obama đã liên tục tìm cách nói xấu Flynn với nhóm chuyển tiếp của chính quyền Trump, nói rằng Flynn là nguy cơ an ninh và có thông đồng với Nga. (Getty)

Tài liệu mới được tiết lộ bởi trang web của David J. Harris Jr. thuộc giới truyền thông phái truyền thống có tổng cộng 12 trang. Nội dung cho thấy việc FBI theo dõi "Chiến dịch bão" của nhóm tranh cử Trump năm 2016 có liên hệ trực tiếp với Phòng Bầu dục Nhà Trắng.

Ở trang 9 của tài liệu, cựu quan chức FBI nói:

"Điều chúng ta cần thảo luận là nếu Bộ Tư pháp chỉ thị chúng ta, hoặc trực tiếp nói với VPOTUS (chỉ cựu Phó Tổng thống Biden) hoặc những người khác, muốn chúng ta sẽ có hành động gì trực tiếp đối với Trump, thì chúng ta cần phải làm gì. Tôi nghĩ rằng trừ khi Nhà Trắng chỉ đạo rõ ràng rằng chúng ta sẽ không hành động chống Trump, nếu không thì chúng ta không thể tránh khỏi cuộc đối đầu công khai với ông ấy...".

Theo ông Steven Ahle, biên tập viên của David Harris News Network, nội dung trên rõ ràng chỉ thẳng vào Nhà Trắng, nghĩa là chừng nào Nhà Trắng gật đầu, FBI sẽ công khai đối đầu với nhóm tranh cử của Trump và mục đích của họ là ngăn không để ông Trump đắc cử. Sau khi ông Trump đắc cử, động thái tiếp theo của họ là luận tội ông. Ông Ahle khẳng định: "Sự việc này có thể trở thành vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ".

Sau khi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ quyết định hủy bỏ vụ kiện đối với cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là tướng Michael Flynn vào tháng 5/2020, cựu Tổng thống Trump đã “tiếp nối thắng lợi” bằng việc tỏ rõ thái độ phẫn nộ với vị tiền nhiệm của mình là ông Barack Obama. Ông Trump đã chỉ rõ, Obama Gate là tội ác chính trị lớn nhất lịch sử nước Mỹ, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với vụ bê bối chính trị Watergate từng xảy ra tại nước này. Sau sự kiện này, ông Trump đã ám chỉ sẽ bắt đầu tiến hành điều tra ông Obama.

Trước khi diễn ra những sự kiện này, vào ngày 10/12/2019, hãng tin CNN đã đưa ra một bài viết đảo ngược lại luận điệu của chính mình vào 2 năm trước đó, thừa nhận rằng cựu quản lý chiến dịch của ông Trump là ông Paul Manafort đã bị nghe lén theo lệnh bí mật từ tòa án trước và sau cuộc bầu cử. Theo nội dung bài báo này, thì ông Manafort thực sự có văn phòng tại tòa tháp Trump Tower, tuy nhiên không có thông tin cụ thể về việc liệu vụ nghe lén xảy ra tại đây hay ở một địa điểm khác.

Tin giả 8: Tổng thống Trump loại bỏ tượng bán thân của ông Martin Luther King Jr. ở Nhà Trắng?

Một bằng chứng khác cho sự "sốt sắng" của truyền thông cánh tả Big Media trong việc vạch lá tìm sâu" trong nhất cử nhất động của cựu Tổng thống Trump, đó là tin tức về việc ông đã loại bỏ tượng bán thân của vị mục sư nổi tiếng Martin Luther King Jr. - nhà lãnh đạo phong trào dân quyền bất bạo động nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ - trong Phòng Bầu Dục, chỉ vài giờ sau khi làm chủ Tòa Bạch Ốc.

Cựu Tổng thống Trump nói chuyện trong cuộc mít tinh ở Ohio ngày 27/6. Ảnh: Scott Olson/Getty Images

Tin tức này được đưa ra bởi phóng viên của TIME tại Nhà Trắng là ông Zeke Miller. Song trên thực tế, bức tượng không hề bị di dời, mà chỉ bị "che khuất bởi một cánh cửa và một đặc vụ". Phóng viên Miller sau đó đã phải liên tục đưa ra lời xin lỗi cho sai sót "nóng vội" này.

Trong bài báo được dẫn link phía trên, TIME cũng đã phải đưa ra lời đính chính, trong đó nêu rõ:

Vào tối ngày 20/1[/2017], phóng viên Nhà Trắng của TIME, Zeke Miller đã đưa tin không chính xác rằng bức tượng bán thân của ông Martin Luther King Jr đã bị đưa ra khỏi Phòng Bầu dục. Zeke đã nhanh chóng đưa ra một sự điều chỉnh. Trong những giờ sau đó, anh ấy đã gửi nhiều email và tweet nhận trách nhiệm về sai lầm của mình, đồng thời xin lỗi trực tiếp, qua email và trên Twitter. Trong các cuộc trò chuyện tiếp theo vào cuối tuần, anh ấy cũng đã nhờ một cố vấn Nhà Trắng chuyển lời xin lỗi của mình tới Tổng thống [Trump].

Lời kết

Còn vô số những lời nói thật nữa của vị tổng thống đặc biệt này bị gán mác "nói dối" bởi Big tech, các hãng tin giả, những kẻ sử dụng các hãng kiểm chứng thông tin do chính họ trả tiền chỉ để hủy hoại ông, đang dần được chứng thực. Ông Trump đã thốt lên "giờ Big Tech [họ] đã công nhận hầu hết những gì tôi nó là thật". Họ dường như bị buộc phải công nhận sự thật không thể chối cãi, phải công nhận sự dối trá của họ trước ánh sáng. Dù vậy, người có thể làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại buộc phải thua trong cuộc bầu cử đầy thị phi, đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ, có phần một phần nhờ sự bắt điệu vô cùng nhịp nhàng, có kế hoạch và bài bản của họ trong chiến lược lật đổ ông.

Trải qua 4 năm lãnh đạo nước Mỹ đầy thành tựu và sóng gió của Tổng thống Trump, giờ đây cùng nhìn lại, có lẽ sẽ có người có cảm giác như đang xem một vở kịch dài, với thật nhiều những câu chuyện thị phi, và những nút thắt chồng lớp dù tháo gỡ bao nhiêu lần nhưng dường như vẫn còn nhiều bí mật ẩn chứa phía sau.

Tuy nhiên, liệu những gì chúng ta được chứng kiến có thật sự phản ánh câu chuyện đằng sau đó? Có lẽ, thời điểm để tìm ra câu trả lời cũng không còn xa.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

8 lời dối trá của Big Media về cựu TT Trump đã bị vạch trần, còn gì nữa không?