7 điểm khác biệt giữa Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump trong vấn đề Israel

Giúp NTDVN sửa lỗi

11 ngày xung đột với 4 nghìn quả tên lửa của Hamas bắn sang các thành phố dày đặc của Israel và các cuộc phản công trừng phạt của nhà nước Do Thái nhằm tiêu diệt các nơi ẩn náu của Hamas cho phép chúng ta nhìn thấy sự khác biệt giữa các ưu tiên và chiến lược trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden và Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.

Trong khi ông Biden chủ yếu tập trung những tháng đầu tiên ở Nhà Trắng vào các vấn đề trong nước, giữ khoảng cách và không can dự với Israel và Trung Đông nói chung, thì người tiền nhiệm của ông, ông Donald Trump lại thể hiện là người bảo vệ trung thành của Israel, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo của nước này, làm việc cởi mở và đứng sau hậu trường để dàn xếp một loạt các thỏa thuận hòa bình lịch sử trong những tháng cuối của nhiệm kỳ Tổng thống.

Dưới đây là sự khác biệt của hai tổng thống trong 7 vấn đề cụ thể về Israel:

  1. Bổ nhiệm Đại sứ Hoa Kỳ tại Israel

Hơn một tháng trước khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ông Trump đã đề cử luật sư David Friedman làm đại sứ Hoa Kỳ tại Israel vào ngày 15/12/2016.

Ngược lại, sau hơn 4 tháng nhậm chức, Tổng thống Biden vẫn chưa đề cử Đại sứ tại đất nước đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ. Theo Axios đưa tin, lẽ ra ông Biden phải cử nhà ngoại giao Thomas Nides, ứng cử viên xuất sắc cho vị trí này từ sớm. Ông Biden cũng từ chối đề cử một nhà ngoại giao cấp cao đại diện cho chính quyền Hoa Kỳ tại Israel. Điều này khiến ông bị chỉ trích gay gắt, đặc biệt là sau khi nổ ra cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas.

2. Chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ về Thủ đô Jerusalem

Tổng thống tiền nhiệm Trump ưu tiên chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Thủ đô Jerusalem. Việc chuyển đại sứ quán năm 2017 là điều mà các nhà lãnh đạo trước đây của Hoa Kỳ đã thảo luận từ lâu nhưng chưa bao giờ hành động, do lo ngại sẽ làm khu vực thêm căng thẳng.

Trái lại, khi còn đang tranh cử tổng thống, ông Biden chỉ trích việc ông Trump chuyển sứ quán về Thủ đô Jerusalem là "thiển cận" mà không đưa ra phương án thay thế nào. Năm 1995, khi còn làm việc ở Thượng viện, ông Biden đã bỏ phiếu cho đạo luật công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, New York Times đưa tin.

3. Hiệp định hòa bình Abraham

Chính quyền Trump, do con rể của ông Trump và là cố vấn Jared Kushner dẫn đầu, đã đứng ra dàn xếp Hiệp định Abraham để bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain, và các thỏa thuận với Sudan và Morocco ngay sau đó. Hiệp ước của bộ tứ với Israel là hiệp ước đầu tiên giữa Israel và một quốc gia Ả Rập kể từ hiệp ước năm 1994 của Israel với Jordan.

Trong khi đó, cho đến thời điểm bùng nổ chiến tranh giữa Israel và Hamas, Tổng thống Biden không xem Israel là một ưu tiên rõ ràng đối với Mỹ và không có động thái thúc đẩy Hiệp định Abraham. Theo một bài phát biểu của Ngoại trưởng Badr al-Busaidi, mặc dù Oman đang xem xét việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Israel trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, nhưng vào tháng Hai, sau khi ông Biden nhậm chức, Oman đã quyết định tiếp tục duy trì mối quan hệ và đối thoại hiện tại của hai nước.

4. Hòa giải

Tháng 3/2019, cựu Tổng thống Trump đã chính thức công nhận quyền lực của Israel đối với Cao nguyên Golan, một khu vực thu hồi từ Syria trong Chiến tranh sáu ngày năm 1967. Đại sứ của Trump tại Israel cũng đã đến thăm một khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây Gaza, xác nhận không chính thức một trong những tiền đồn gây tranh cãi của Israel.

Về phía chính quyền Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken đã khẳng định "tầm quan trọng thực sự của Cao nguyên Golan đối với an ninh của Israel" và không có động thái rút lại sự công nhận của chính quyền Trump đối với khu vực. Tổng thống Biden lên án các khu định cư ở Bờ Tây Gaza, nhưng chưa áp lệnh phạt Israel vì việc mở rộng này, theo New York Times.

5. Viện trợ người Palestine

Trong khi Tổng thống tiền nhiệm Trump chấm dứt đóng góp của Hoa Kỳ cho các chương trình viện trợ người Palestine do Liên hợp quốc và các tổ chức khác thành lập, Tổng thống Biden quyết định nối lại các khoản viện trợ Palestine, với 235 triệu đô la viện trợ trực tiếp, và tài trợ cho một cơ quan Y tế của Liên Hợp Quốc để phục vụ các vùng lãnh thổ, New York Times đưa tin.

6. Tổ chức Giải phóng Palestine

Năm 2018, cựu Tổng thống Trump đã đóng cửa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Thủ đô Washington. Chính quyền cũng nỗ lực để PLO phải đóng băng sứ mệnh của tổ chức. Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ ký một đạo luật khiến tổ chức PLO bị tấn công bởi một loạt các vụ kiện nếu nó mở lại văn phòng ở Hoa Kỳ.

Ngược lại, nhóm Biden đã tái hợp tác ngoại giao với PLO, theo New York Times. Ông Biden cũng nói rằng ông muốn PLO mở lại nhiệm vụ. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa nêu chi tiết về cách thức giải quyết các vụ kiện hàng triệu đô la có thể thực hiện được theo luật thời cựu Tổng thống Trump.

7. Thỏa thuận Hạt nhân Iran

Năm 2018, cựu Tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một hiệp ước mà ông thường xuyên chống lại và thề sẽ rời khỏi khi ông còn là ứng cử viên tổng thống. Israel từ lâu đã phản đối thỏa thuận này. Ngoài ra, cựu Tổng thống Trump còn áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề đối với Iran, làm tổn hại đến nền kinh tế của quốc gia vốn là nguồn tài trợ chính cho hai nhóm khủng bố nhắm vào Israel là Hamas và Hezbollah.

Trong khi đó, ông Biden khi còn là Phó tổng thống của ông Obama, đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra Kế hoạch hành động toàn diện chung vào năm 2015. Ngay sau khi trở thành Tổng thống, ông Biden đã cử đại diện làm việc để tái gia nhập thỏa thuận, theo đó, một thỏa thuận mới có thể dỡ bỏ ít nhất một số biện pháp trừng phạt cứng rắn thời chính quyền Trump đối với Iran, NBC đưa tin.

Nguyên Hương

Theo News Max



BÀI CHỌN LỌC

7 điểm khác biệt giữa Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump trong vấn đề Israel