6 trường đại học ở Mỹ phải giải trình các khoản tài trợ nước ngoài được nhận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các Dân biểu James Comer, Jim Jordan và Virginia Foxx đã cùng gửi một lá thư tới 6 trường đại học Hoa Kỳ, yêu cầu họ nộp các tài liệu hồ sơ về các khoản tài trợ nước ngoài mà họ nhận được.

Sáu trường đại học đó là Đại học Chicago, Đại học Delwar, Đại học Harvard, Đại học New York, Đại học Pennsylvania (UPenn) và Đại học Yale. Theo thư của các dân biểu ngày 3/8, các trường phải bàn giao “tất cả các hồ sơ quà tặng chưa được công bố từ hợp đồng hoặc thỏa thuận” với các nguồn nước ngoài kể từ tháng 1/2015. Họ phải nộp hồ sơ cho các nhà lập pháp trước ngày 10/8.

Ba nhà lập pháp đưa ra yêu cầu của họ “vì lo ngại về vấn đề minh bạch và để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sức ảnh hưởng và các khoản đầu tư nước ngoài vào giáo dục đại học của Hoa Kỳ”.

Mục 117 của Đạo luật Giáo dục Đại học năm 1965 yêu cầu các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ báo cáo quà tặng và hợp đồng với bất kỳ nguồn nước ngoài nào có giá trị từ 250.000 USD (khoảng 5,8 tỷ VNĐ) trở lên trong một năm dương lịch.

Ba nhà lập pháp đặc biệt nêu tên 5 quốc gia khiến họ quan ngại về các khoản tài trợ nước ngoài: Trung Quốc, Qatar, Ả Rập Saudi, Iran và Nga.

Đối với Trung Quốc, các nhà lập pháp muốn xem hồ sơ tài trợ từ chính phủ Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các tổ chức liên kết nhà nước, bất kỳ công dân Trung Quốc hoặc bất kỳ doanh nghiệp nào chủ yếu ở Trung Quốc.

Trích dẫn hồ sơ từ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (DOE), bức thư nói rằng 6 trường đại học kể trên đã nhận được hàng chục triệu USD từ 5 quốc gia vừa nêu kể từ năm 2015. Ví dụ, UPenn tuyên bố 92 quà tặng hoặc hợp đồng với tổng trị giá 62,2 triệu USD (khoảng 1,44 nghìn tỷ VNĐ), Harvard tuyên bố 31 quà tặng hoặc hợp đồng trị giá tổng cộng 101 triệu USD (khoảng 2,34 nghìn tỷ VNĐ), trong khi Yale tuyên bố 18 món quà hoặc hợp đồng với tổng trị giá 22 triệu đô la (khoảng 509,85 tỷ VNĐ).

DOE đã công bố vào tháng Hai rằng sau khi thăm dò, họ thấy rằng các trường đại học Hoa Kỳ đã không báo cáo hơn 6,5 tỷ USD (khoảng 150,64 nghìn tỷ VNĐ) tiền nước ngoài chưa được tiết lộ trước đó kể từ tháng 7/2019.

Cơ quan này cũng cho biết, họ đã mở cuộc điều tra về Harvard và Yale, sau khi phát hiện ra rằng Yale có thể đã không báo cáo ít nhất 375 triệu USD (khoảng 8,69 nghìn tỷ VNĐ) quà tặng và hợp đồng từ nước ngoài. DOE cũng đưa ra quan ngại về các chính sách của Harvard đối với tài trợ từ nước ngoài sau bản cáo trạng của Charles Lieber, cựu chủ tịch khoa hóa học của Harvard.

Giáo sư Lieber của Đại học Harvard đã bị bắt vào tháng Một và bị buộc tội vì đã tham gia vào một chương trình tuyển dụng việc làm của nhà nước Trung Quốc có tên là “Kế hoạch Ngàn Người tài”. Từ chương trình này, ông Lieber đã được ký hợp đồng làm việc cho một trường đại học Trung Quốc, nhưng ông lại không tiết lộ mối quan hệ đó với chính quyền liên bang Hoa Kỳ.

Kế hoạch Ngàn Người tài đã được Bắc Kinh triển khai vào năm 2008 để tuyển dụng các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ đầy triển vọng từ nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc, vì mục tiêu cuối cùng là thực hiện tham vọng thống trị công nghệ toàn cầu.

Vào tháng 5, trang tin tức trực tuyến The College Fix đã báo cáo rằng các luật sư của các trường đại học hiện đang bị DOE điều tra đã yêu cầu miễn trừ theo Đạo luật Tự do Thông tin, để ngăn Quốc hội thu giữ các tài liệu về các ngôi trường có mối quan hệ với Trung Quốc.

Ba nhà lập pháp cũng đã viết trong thư rằng, họ lo ngại về việc nhiều quốc gia sử dụng các khoản quyên góp hay những thỏa thuận hợp đồng để “tận dụng nguồn tiền của mình cho một số loại lợi ích, hoặc [yêu cầu] có qua có lại”.

Bức thư nêu bật một ví dụ về cách 2 trường đại học Hoa Kỳ vốn có hợp đồng với Đại học Cát Lâm do Trung Quốc điều hành, đã đứng ra “bênh vực ĐCSTQ” sau khi các tin tức truyền thông tiết lộ rằng sơ suất tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán có thể là nguyên nhân của đại dịch COVID-19 hiện nay.

Hai trường đại học này đã “tuyên bố những báo cáo đó là sai”, theo bức thư cho biết. Các nhà lập pháp đã không nêu danh của 2 trường đại học này.

Dân biểu Comer là thành viên xếp hạng của Ủy ban Hạ viện về Giám sát và Cải cách; Dân biểu Jordan là một thành viên xếp hạng của Ủy ban Tư pháp; còn Dân biểu Foxx là một thành viên xếp hạng của Ủy ban Hạ viện về Giáo dục và Lao động.

Du Miên

Theo The Epoch Times

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

6 trường đại học ở Mỹ phải giải trình các khoản tài trợ nước ngoài được nhận