43 Quốc gia chỉ trích hành vi ngược đãi nhân quyền của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 21/10, tại Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia đã cùng lên tiếng chỉ trích chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng Tân Cương.

“Chúng tôi đã thấy ngày càng nhiều báo cáo về các vi phạm nhân quyền có hệ thống và phổ biến, bao gồm các báo cáo ghi lại cảnh tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực giới tính và tình dục cũng như cưỡng bức chia cắt trẻ em khỏi gia đình”, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Nicolas De Riviere thay mặt nhóm đọc một tuyên bố tại cuộc họp hôm thứ Năm ngày 21/10.

Tuyên bố đã được 43 quốc gia tán thành trong năm nay, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Phi khác bao gồm Liberia và Eswatini tham gia.

Trong bức thư chung, 43 quốc gia bày tỏ quan ngại về “những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng và các quyền tự do đi lại, hiệp hội và biểu đạt cũng như văn hóa của nhóm thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ”. Họ cũng đồng thời chỉ trích "sự giám sát rộng rãi" nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các dân tộc thiểu số khác.

Họ kêu gọi ĐCSTQ “cho phép các quan sát viên độc lập tiếp cận vùng Tân Cương ngay lập tức, có ý nghĩa và không bị gò bó, bao gồm Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc và các nhân viên Văn phòng của bà”.

Chính phủ Trung Quốc và những nước ủng hộ ĐCSTQ đã phản bác. Thay mặt cho 62 quốc gia, bao gồm Iran, Triều Tiên và Venezuela, Đại sứ Cuba đã đọc một tuyên bố khác khẳng định những hành vi ngược đãi đó là công việc nội bộ của Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Liên hợp quốc, Đại sứ Liên hợp quốc của Bắc Kinh Zhang Jun đã bác bỏ tất cả những lời chỉ trích là “vô căn cứ" và cáo buộc Hoa Kỳ cùng các quốc gia khác truyền bá “những lời nói dối sáo rỗng”.

Năm 2020, Đại sứ Đức Christoph Heusgen thay mặt 39 quốc gia đọc một tuyên bố tương tự. Vào năm 2019, Vương quốc Anh đã đọc bản lên án đầu tiên được ký bởi 23 quốc gia tại cuộc họp của Ủy ban Nhân quyền của Đại hội đồng.

Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần chỉ trích việc giam giữ lên đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong “các trại cải tạo chính trị”. ĐCSTQ tuyên bố, chiến dịch đó là để "chống khủng bố."

Bất chấp áp lực chồng chất, Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ mọi cáo buộc và nói tại cuộc họp hôm thứ Năm ngày 21/10 rằng: “Cánh cửa của Tân Cương luôn rộng mở”.

Giám đốc nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã yêu cầu kiểm tra các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương kể từ tháng 9/2018, nhưng các điều khoản về chuyến công du của bà vẫn chưa được thống nhất.

Louis Charbonneau, giám đốc Liên hợp quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết năm nay đánh dấu lần đầu tiên “tất cả các nhóm khu vực của Liên hợp quốc cùng tham gia kêu gọi chấm dứt các vi phạm ở Tân Cương và các nhà điều tra của Liên hợp quốc được tiếp cận ngay lập tức”.

“Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên nên thành lập một ủy ban điều tra quốc tế để chính thức điều tra các tội ác chống lại loài người ở Tân Cương và đề xuất các con đường để bắt những người có trách nhiệm phải giải trình".

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

43 Quốc gia chỉ trích hành vi ngược đãi nhân quyền của Trung Quốc