Tân chính phủ Taliban - Afghanistan: Xuất hiện tên 4 tù binh trong cuộc trao đổi con tin thời Obama

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong danh sách bổ nhiệm tân chính phủ Afghanistan của Taliban hôm 7/9, xuất hiện tên của 4 tù binh mà chính quyền ông Obama đã phóng thích vào năm 2014 để trao đổi và giải cứu cho một trung sĩ Mỹ bị Taliban bắt giữ từ năm 2009. 

Trích dẫn danh sách các thành viên nội các lâm thời của Taliban từ đài truyền hình TOLOnews của Afghanistan, Fox News đã nêu tên 4 nhân vật được Taliban bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo bao gồm: ông Khairullah Khairkhah, ông Norullah Noori, ông Abdul Haq Wasiq, và ông Mohammad Fazil. Cả 4 người này đều là tù binh bị quân đội Mỹ bắt và giam giữ ở Guantanamo, Cuba. Năm 2014, họ được chính quyền ông Obama phóng thích như một điều kiện cho thỏa thuận trao đổi con tin để giải cứu Trung sĩ quân đội Mỹ Bowe Bergdahl bị Taliban giam giữ kể từ năm 2009. Nhiều chuyên gia nhận định, đây đều là những cái tên nguy hiểm đối với nước Mỹ và thế giới nói chung.

Theo bản danh sách tân chính phủ Afghanistan của Taliban từ TOLOnews, ông Haq Wasiq sẽ giữ chức vụ quyền Giám đốc Tình báo, ông Noorullah Noori là quyền Bộ trưởng Biên giới và các Vấn đề Dân tộc, ông Mohammad Fazil làm phó Bộ trưởng Quốc phòng còn ông Khairullah Khairkhah được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thông tin và Văn hóa. Thông tin từ báo New York Post cho biết, 4 người này thuộc một đội nhóm có tên là "Taliban Five" (5 thành viên Taliban), và thành viên thứ năm là ông Mohammad Nabi Omari được giao chức vụ Thống đốc tỉnh Khost thuộc miền đông Afghanistan hồi tháng trước.

Từ năm 1996 đến năm 2001, 3 người Wasiq, Fazil và Khairkhah đều nắm giữ những chức vụ cấp cao trong chính quyền Taliban cai trị Afghanistan thời kỳ đó. Khi ấy, ông Khairkhah giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ, ông Wasiq là phó Trưởng ban Tình báo, còn ông Fazil làm trưởng quân đội, theo New York Post.

Năm 2014, PolitiFact đã có một bài bình luận về sự kiện chính quyền ông Obama phóng thích cho 4 người này để đổi lấy tự do cho Trung sĩ Bergdahl khi đó đã bị Taliban giam cầm trong 5 năm. Bài bình luận đã trích dẫn những tuyên bố của cố Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain (Arizona) rằng, đây là 4 phần tử "cực đoan nhất của cực đoan", là những kẻ "có nguy cơ cao nhất" trong những phần tử Taliban mang đến nhiều rủi ro cho nước Mỹ.

Hãng tin này đã trích dẫn một bài đánh giá do lãnh đạo Bộ Quốc phòng ở Guantanamo viết vào năm 2008 nêu rõ những mối liên hệ của 4 phần tử này với nhóm khủng bố al-Qaeda. Bản báo cáo này sau đó đã được WikiLeaks công bố cho công chúng.

Trước thông tin danh sách chính phủ lâm thời của Taliban xuất hiện tên các phần tử khủng bố nguy hiểm từng bị chính phủ Mỹ bắt giữ, Dân biểu Cộng hòa Jim Jordan (Ohio) nói với Fox News rằng, ông không cảm thấy ngạc nhiên.

Ông nói:

"Ý tôi là, thành thật mà nói, nó không nên khiến chúng ta ngạc nhiên. Tôi đang nghĩ về hiện tại: 13 quân nhân thiệt mạng, người Mỹ bị bỏ lại, đồng minh bị bỏ lại, hàng tỷ USD trang thiết bị và vũ khí bị bỏ lại, một số người Afghanistan đến đã không được kiểm tra kỹ lưỡng... Ông [Biden] gọi đó là một thành công phi thường, vì vậy tôi đoán chúng ta không nên ngạc nhiên khi giờ đây những kẻ khủng bố đã được thả ra và mọi thứ khác đang điều hành chính tổ chức mà Bộ Ngoại giao và chính quyền này đang cố gắng thương lượng cùng".

Theo các trích dẫn từ phía New York Post, ông Wasiq thường tận dụng quyền lực từ chức vụ của mình để hỗ trợ các phần tử của al-Qaeda và Taliban trồn tránh các vụ bắt giữ. Ngoài ra, ông ta cũng là nhân tố chính tạo giúp Taliban lôi kéo các tổ chức theo chủ nghĩa Hồi giáo chính thống tham gia vào cuộc chiến chống lại quân đội của Mỹ và quân đồng minh vào thời kỳ đầu của chiến tranh Afghanistan.

Đánh giá về Fazil, báo cáo này cho biết, ông này có nhiều mối liên hệ với "những thành viên quan trọng của al-Qaeda và các phần tử cực đoan khác". Ngoài ra, có cáo buộc cho rằng chính 2 người Fazil và Noori đã hạ lệnh thực hiện cuộc thảm sát đối với nhóm cộng đồng thuộc các dân tộc thiểu số Hazara, Tajik và Uzbek ở thành phố Mazar-i-Shraif hồi năm 1998, theo New York Post.

Về ông Khairkhah, một trong những nhà đồng sáng lập nhóm Taliban vào năm 1994, bản báo cáo cho biết ông ta đã có những buổi gặp mặt với các quan chức Iran để thảo luận về việc hỗ trợ cho cuộc chiến phản đối Mỹ và quân đồng minh. Phía quân đội Mỹ còn khẳng định, đây là một tay trùm môi giới thuốc phiện khét tiếng ở miền tây nước Afghanistan.

Trên thực tế, bản danh sách nội các và chính phủ lâm thời do Taliban thiết lập ở Afghanistan gây ra mối lo ngại đáng kể ở cả trong và ngoài quốc gia này. Dù có nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ, song phần đa đều đang giữ thái độ trung lập và tiếp tục theo dõi các động thái tiếp theo của Taliban. Dù nhóm phiến quân đã nhiều lần hứa hẹn sẽ mang lại một tương lai hòa bình và ổn định cho quốc gia Nam Á này, phía Mỹ và Anh tuyên bố sẽ đánh giá tân chính phủ dựa trên những điều họ làm, chứ không phải dựa trên những điều họ nói.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Tân chính phủ Taliban - Afghanistan: Xuất hiện tên 4 tù binh trong cuộc trao đổi con tin thời Obama