20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalaya

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 16/6, quân đội Ấn Độ cho biết, 20 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc tại một khu vực biên giới đang tranh chấp ở phía Tây dãy Himalaya sau nhiều tuần căng thẳng leo thang.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận đã có một cuộc đối đầu bạo lực vào ngày 15/6 tại khu vực biên giới. Bộ này không đề cập đến thương vong, nhưng Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết đã có thương vong ở cả hai phía.

Một nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết, các binh sĩ đã dùng các gậy sắt và đá để chiến đấu, không có nổ súng.

Đây là thương vong đầu tiên của quân đội Ấn Độ kể từ cuộc đụng độ tại biên giới vào năm 1967 giữa những người láng giềng có sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc và Ấn Độ đổ tội cho nhau về vụ đụng độ ngày 15/6 tại sa mạc Ladakh. Trước đó, các chỉ huy quân đội cấp cao tổ chức các cuộc đàm phán xoa dịu tình hình.

Kể từ đầu tháng 5, hàng trăm binh sĩ đã đối đầu với nhau tại 3 địa điểm, các bên đều buộc tội nhau đã xâm phạm.

Trong cuộc xung đột gần đây, Trung Quốc đã dựng 80 đến 100 lều trại, mang theo xe và vũ khí hạng nặng, và bắt đầu xây dựng các boongke ở Thung lũng Galwan.

Việc Trung Quốc xây dựng boongke là một chiến thuật mà chính quyền này đã sử dụng với các quốc gia có chung biên giới với mình, Aparna Pande, giám đốc của Viện nghiên cứu Hudson Dự án ​​Tương lai Ấn Độ và Nam Á tại Washington đã nói với tờ The Epoch Times (Mỹ).

Quân đội Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố, vào đêm 15/6, một nhóm binh sĩ Trung Quốc đã đột kích vào Thung lũng Galwan; và nói thêm rằng hai bên hiện đã ngừng đụng độ.

Hai bên đã thảo luận về các cách thức để giảm căng thẳng leo thang, nhưng tại một số thời điểm, một nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã gây hấn với một nhóm binh sĩ Ấn Độ, trong đó có một sĩ quan.

“Họ tấn công bằng gậy sắt, sĩ quan chỉ huy đã bị thương nặng và ngã xuống, và khi điều đó xảy ra, nhiều binh sĩ đã tràn vào và tấn công bằng đá”, theo nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết.

Phía Trung Quốc đã mang quân tiếp viện và cuộc đụng độ diễn ra trong vài giờ, nguồn tin cho biết.

“Cả hai bên đều chịu tổn thất, điều này lẽ ra có thể tránh được nếu phía Trung Quốc nghiêm chỉnh tuân theo thỏa thuận đã đạt được ở cấp cao hơn”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết trong một tuyên bố.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã có vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước.

Ấn Độ và Trung Quốc đã từng có chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1962 và sự không tin tưởng đã dẫn đến những cuộc đụng độ kể từ đó.

Kể từ năm 1967, lính biên phòng đã có các cuộc giao tranh khi các đội tuần tra đối đầu nhau, nhưng không có thiệt hại về nhân mạng.

“Điều này cực kỳ, cực kỳ nghiêm trọng, điều này sẽ phá hủy bất cứ đối thoại nào đã được thực hiện”, cựu chỉ huy quân đội Ấn Độ D. S. Hooda nói.

Các chuyên gia quân sự cho biết một trong những lý do của cuộc đụng độ lần này là Ấn Độ xây dựng đường và sân bay để cải thiện kết nối và đối trọng với cơ sở hạ tầng vượt trội của Trung Quốc.

Tại Galwan, Ấn Độ đã xây xong một con đường đến một sân bay vào tháng 10/2019. Trung Quốc đã yêu cầu Ấn Độ ngừng tất cả các công trình xây dựng.

Ấn Độ cho biết đang hoạt động trong biên giới thực, Đường Kiểm soát thực.

Hôm 27/5, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc để giúp hai nước giải quyết tranh chấp biên giới đang leo thang, nhưng cho đến nay, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không tìm kiếm sự can thiệp nào từ Hoa Kỳ hoặc cộng đồng quốc tế.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalaya