122 quốc gia ủng hộ lời kêu gọi điều tra đại dịch viêm phổi Vũ Hán của Úc, Trung Quốc đe dọa sẽ 'trả thù'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện tại, có 122 quốc gia ủng hộ lời kêu gọi của Úc [đối với việc] tiến hành điều tra độc lập về nguyên nhân của đại dịch viêm phổi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thủ tướng Úc Scott Morrison đang phải đối mặt với sự phẫn nộ của Bắc Kinh, kèm theo lời đe dọa sẽ hủy hoại nền kinh tế của Úc nếu ông không chịu hủy bỏ sáng kiến về cuộc điều tra này. Trung Quốc tỏ rõ thái độ hiếu chiến và hăm dọa Úc rằng họ có thể sẽ áp thuế quan để làm tê liệt mặt hàng xuất khẩu lúa mạch của Úc.

Ngôn từ trong yêu cầu điều tra này không đề cập đến Trung Quốc, nhưng sắc thái của nó cho thấy đây là một nỗ lực nhằm khám phá và vạch trần hành động che đậy của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu bùng phát của dịch bệnh.

Vương quốc Anh đã đăng ký tham gia hỗ trợ cuộc điều tra và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Cần phải xem xét lại về đại dịch, ít nhất là nếu xảy ra đại dịch toàn cầu trong tương lai thì chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn. Một bước tiếp theo quan trọng đối với vấn đề này là Đại Hội đồng Y tế Thế giới phải họp và đưa ra nghị quyết”.

Đại dịch đã khiến nền kinh tế thế giới lâm vào trạng thái suy thoái. Nhiều quốc gia tự đặt câu hỏi tại sao họ phải thanh toán nợ quốc gia cho Trung Quốc khi dịch bệnh đang cướp đi bao sinh mệnh và tàn phá nền kinh tế của họ là khởi phát từ Vũ Hán, lây lan toàn cầu do sự thiếu minh bạch của chính quyền Bắc kinh.

Hiện tại, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã lây nhiễm cho hơn 5 triệu người trên toàn cầu, cướp đi sinh mệnh của gần 330 ngàn người, và hàng triệu người đang phải vật lộn với căn bệnh này.

Yêu cầu điều tra của Úc hiện được toàn bộ 27 thành viên của Liên minh Châu Âu hưởng ứng tham gia.

New Zealand, Indonesia, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, Canada, Nga, Mexico và Brazil cũng ủng hộ yêu cầu này của chính phủ Úc.

Những người phản đối Thủ tướng Úc Scott Morrison cho rằng ông đang sử dụng sáng kiến [phát động cuộc điều tra] này để “bẻ lái” dư luận khỏi những thất bại của mình trong việc xử lý dịch bệnh ở Úc [vào những ngày đầu bùng phát].

Kể từ khi ông Morrison đưa ra sáng kiến yêu cầu điều tra về đại dịch, uy tín của ông đã tăng lên.

Ở giai đoạn đầu của đại dịch toàn cầu, nhiều người Úc đã lên án thủ tướng Morrison vì [ông đã] không hành động nhanh chóng và không có chính sách ứng phó rõ ràng trước mối đe dọa của virus này.

Who và Trung Quốc
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh (Ảnh: Getty Images)

Đề nghị điều tra của Úc được đưa ra trước Đại Hội đồng Y tế Thế giới, và điều này đòi hỏi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phải "khởi xướng vào thời điểm thích hợp sớm nhất, và tham khảo ý kiến ​​của các quốc gia thành viên để tiến hành đánh giá từng bước một cách vô tư, độc lập và toàn diện”.

Theo đề xuất chi tiết của Úc, cuộc điều tra sẽ xem xét tất cả "bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác ứng phó với COVID-19 [của toàn thế giới] dưới sự điều phối của WHO”.

Cuộc điều tra của Úc cũng sẽ đưa ra đánh giá về "hiệu quả của các cơ chế thực thi của WHO, các hành động của WHO và các mốc thời gian liên quan đến đại dịch COVID-19".

Tuy nhiên, Hoa Kỳ yêu cầu động thái quyết liệt hơn, và đã đặt tên cụ thể cho cuộc điều tra này là “Vũ Hán”; đồng thời cũng [đưa ra] yêu cầu điều tra về tâm chấn của dịch bệnh này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ Úc và cung cấp thông tin liên quan trong quá trình điều tra.

Đề nghị điều tra của Úc xuất phát từ sự thật rằng, ngày 7/1/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được thông báo về virus Corona Vũ Hán; nhưng đến ngày 23/1/2020, sau khi hơn năm triệu người đã rời khỏi Vũ Hán để đi đến khắp các vùng miền trên thế giới, thì Trung Quốc mới phong tỏa tâm chấn của dịch bệnh là tỉnh Hồ Bắc.

Nguyên Hương

Theo Express UK



BÀI CHỌN LỌC

122 quốc gia ủng hộ lời kêu gọi điều tra đại dịch viêm phổi Vũ Hán của Úc, Trung Quốc đe dọa sẽ 'trả thù'