Y học cổ truyền Trung Hoa và liệu pháp "hoảng sợ"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Y học cổ truyền là một bộ phận quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Theo đó, có nhiều phương pháp thú vị để chữa lành những bệnh liên quan đến cảm xúc và tâm thần của con người, một trong số đó là liệu pháp “hoảng sợ”...

Tình chí” dưới con mắt Trung Y

Người xưa cho rằng vạn sự vạn vật đều nằm trong quy luật ngũ hành, bệnh tật và sức khỏe con người cũng không có ngoại lệ. Trung Y đã vận dụng học thuyết ngũ hành vào chẩn đoán và điều trị bệnh cho con người. Theo quan điểm “hình thần hợp nhất”, hệ thống tạng phủ trong cơ thể người không chỉ đảm nhiệm các chức năng sinh lý, mà còn chi phối các hoạt động “tình chí”- hoạt động tình cảm, tinh thần của con người.

Tình chí là những biểu hiện tình cảm bên ngoài của con người, gồm có “thất tình” (7 loại tình cảm) là: hỷ – nộ – ưu – tư – bi – khủng – kinh. “Hỷ” là vui vẻ, sung sướng; “nộ” là tức giận; “ưu” là u sầu, buồn bã; “” là tư lự, lo nghĩ, “bi” là đau buồn, đau thương; “khủng” là sợ hãi; “kinh” là kinh hãi, sửng sốt quá mức.

Trung Y thông qua tình chí có thể tìm ra được tạng phủ nào bên trong cơ thể đang bị tổn thương. Mỗi loại tình chí thông ứng với một tạng nhất định: “kinh” và “hỷ” thông ứng với tạng tâm; “nộ” ứng với tạng can, “” ứng với tạng tỳ; “bi” và “ưu” ứng với tạng phế; “khủng” ứng với tạng thận.

Theo sách “Hoàng Đế nội kinh” thì tình chí có thể gây bệnh, nhưng chúng cũng có thể sử dụng để chữa trị bệnh. Các loại tình chí này ảnh hưởng và khắc chế lẫn nhau như sau: “Nộ thương can, bi thắng nộ. Hỉ thương tâm, khủng thắng hỉ. Tư thương tì, nộ thắng tư. Ưu thương phế, hỉ thắng ưu. Khủng thương thận, tư thắng khủng”. Nghĩa là tức giận sẽ làm tổn thương đến gan, buồn thắng được giận; vui mừng quá mức làm tổn thương đến tim, sợ hãi thắng được vui; lo nghĩ quá độ làm tổn thương tỳ, giận thắng được lo nghĩ; buồn bã tổn thương phổi, sung sướng thắng u sầu; sợ hãi làm tổn thương thận, lo thắng được sợ.

Khiếp sợ có thể thức tỉnh kẻ say sưa chiến thắng

Truyện Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử thời nhà Thanh kể rằng, Phạm Tiến đi thi nhiều lần không đậu, mãi cho đến hơn 50 tuổi bỗng nhiên trúng cử. Vui sướng cực độ, Phạm Tiến trở nên điên điên khùng khùng. Một người đành ra lệnh đi tìm nhạc phụ của Phạm Tiến, người mà thường ngày ông ta sợ nhất. Nhạc phụ đến và hét vào mặt Phạm Tiến: “Súc sinh đáng chết! Ngươi bị trúng cái gì?”. Tiếng hét vừa dứt, Phạm Tiến lập tức tỉnh lại. Đây chính là vận dụng phương pháp “hỷ thương tâm, khủng thắng hỷ” (vui mừng quá mức có hại cho tâm, sợ thắng được vui) của Trung Y.

Một câu chuyện khác trong cuốn Hồi Khê Y thư thời nhà Thanh có ghi lại: Một sĩ tử sống vào đời nhà Thanh, sau khi thi đậu trạng nguyên, xin nghỉ về thăm nhà, trên đường đi đột nhiên đổ bệnh. Vị tân trạng nguyên tìm đến danh y trong vùng xin chữa trị, đại phu sau khi xem qua, liền nói: “Bệnh này không thể cứu chữa được, xem ra anh không còn sống được mấy ngày. Nên nhanh chóng về nhà, may ra còn kịp gặp mặt người nhà trước khi chết”.

Trạng nguyên sau khi nghe xong, lập tức suy sụp tinh thần. Lo mình sẽ chết nơi đất khách, vị trạng nguyên vội vã đi về nhà, đi chẳng quản ngày đêm, chỉ trong vòng 7 ngày đã về đến nhà. Sau khi về nhà, anh ta phát hiện mình chẳng những vẫn bình yên vô sự mà chứng bệnh trước kia cũng biến mất. Lúc này người hầu mới lấy ra một phong thư và nói: “Đại phu ấy có gửi một lá thư, dặn tôi đưa ngài xem”.

Trạng nguyên mở thư ra xem thì thấy vị đại phu kia viết: “Sau khi ngài đậu trạng nguyên, do quá đỗi vui mừng mà làm tổn thương tinh thần, thuốc không thể chữa được. Cho nên tôi đã dùng cái chết để dọa ngài, làm cho ngài hoảng sợ để chữa bệnh cho ngài. Hiện bệnh của ngài đã khỏi hẳn, có thể yên tâm rồi”. Sau khi xem xong, vị trạng nguyên cảm thấy vô cùng thuyết phục.

Bệnh lạ được chữa lành nhờ nỗi kinh sợ

Thiệu thị văn kiến lục cũng ghi lại một câu chuyện khác: Vào thời Tùy Đường, có người phụ nữ vừa mới sinh con, sau đó thay vì cho sản phụ uống nước ấm, bà mụ lại bất cẩn cho cô uống nhầm mỡ sừng hươu (một vật phụ nữ dùng để bôi tóc). Sản phụ “ọe” một tiếng, rồi nôn ra, sau đó đầu lưỡi duỗi ra ngoài không thụt vào được.

Người nhà sản phụ nhanh chóng đi mời danh y thời ấy là Chân Lập Ngôn đến trị giúp. Đầu tiên Chân Lập Ngôn dùng chu sa thoa lên đầu lưỡi của sản phụ, giúp bà an tâm định thần. Sau đó vị danh y gọi người nhà lén đem một chiếc chậu sành lớn ra ngoài tường, cầm chậu sành đập mạnh xuống đất. Đột nhiên sản phụ nghe thấy một tiếng “xoảng” rất lớn, giật mình kinh sợ, đầu lưỡi cũng thụt vào.

Thật khó mà dùng khoa học hiện đại giải thích được hết sự uyên thâm, cũng như những điều kỳ diệu trong nghệ thuật chữa trị của Trung Y. Từ xa xưa, cổ nhân đã biết vận dụng ngũ hành và quy luật âm dương không chỉ trong Trung Y mà còn để giải thích tất cả mọi hiện tượng xảy ra trong tự nhiên và xã hội. Điều này giúp con người hòa hợp với đất trời, gần với thiên nhiên, tôn kính Thần Phật, từ đó đạt đến trạng thái hạnh phúc nhất mà con người từng có, hạnh phúc đến từ những điều bình dị và giản đơn nhất trong cuộc sống.

Thiện Đức
- Theo Secretchina.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Y học cổ truyền Trung Hoa và liệu pháp "hoảng sợ"