WHO theo dõi 10 điểm nóng dịch corona ở Trung Quốc vì biện pháp cách ly chưa hiệu quả

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi chặt chẽ 10 tỉnh của Trung Quốc, những nơi có thể trở thành các điểm nóng mới dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Đại diện WHO tại Trung Quốc, Gauden Galea, trả lời phỏng vấn của Bloomberg hôm 10/2, cho biết 10 tỉnh, bao gồm Chiết Giang, Quảng Đông và Hà Nam, đang chứng kiến số ca nhiễm bệnh tăng dần. Ông Gauden cho rằng đây là những con số đáng để theo dõi và vẫn còn quá sớm để kết luận dịch bệnh do virus Corona đã đến đỉnh điểm.

Dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả dịch SARS năm 2003. Đến nay, nCoV đã khiến hơn 900 người tử vong và hơn 40.000 người nhiễm bệnh. Trong khi người dân Trung Quốc quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài do dịch bệnh bùng phát, số ca nhiễm bệnh mới vẫn tăng lên hàng ngàn người mỗi ngày.

Số liệu của WHO cho thấy số trường hợp nhiễm bệnh giảm ở một số tỉnh nhưng lại tăng lên ở các tỉnh khác, cho dù Trung Quốc đã cách ly hàng chục triệu dân ở hàng chục thành phố.

Chủ nhật vừa qua, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trên Twitter rằng chúng ta chỉ thấy phần nổi của tảng băng dịch bệnh corona. Ông lo ngại về sự lây lan từ những người không có lịch sử du lịch đến Trung Quốc.

"Dấu hiệu tốt nhất"

Ông Gauden nói: “Dấu hiệu tốt nhất của dịch bệnh là con số nhiễm bệnh đạt đỉnh và sau đó giảm dần. Chúng ta vẫn chưa ở trong giai đoạn này. Chúng ta cũng không thể kết luận rằng các biện pháp cách ly đã hiệu quả.” Ngày 23/1, Trung Quốc đã phong toả Vũ Hán và các thành phố lân cận để ngăn chặn dịch bệnh.

Chính quyền Trung Quốc đang bị chỉ trích vì đã ngăn cản tính minh bạch và tốc độ xử lý dịch bệnh, đặc biệt là sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã báo trước nguy cơ dịch bệnh nhưng bị giới chức Trung Quốc cảnh cáo.

Các báo cáo gần đây cho thấy các dấu hiệu lây truyền từ người sang người đã xuất hiện vào đầu tháng 1, nhưng các quan chức Trung Quốc và WHO đều đưa ra những tuyên bố ngược lại.

Phong toả, cách ly có hiệu quả?

“Chủng virus mới có thể khó kiểm soát hơn SARS. Số ca nhiễm đã vượt SARS - chỉ trong vòng một tháng”, Hitoshi Oshitani, giáo sư Đại học Tohoku Nhật Bản, viết trong một bài phân tích đăng trên Channel News Asia.

Hitoshi Oshitani là cựu cố vấn về giám sát và ứng phó bệnh truyền nhiễm khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ 1999-2005.

Ông cho biết, Trung Quốc hiện đang nỗ lực sử dụng chiến lược giống với dịch SARS: phong toả, cách ly để hạn chế tối đa các ca lây nhiễm, tuy nhiên chiến lược này dường như có vẻ kém hiệu quả đối với chủng virus mới.

Không giống như SARS, một số ca nhiễm nCoV chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, như vậy không thể xác định đầy đủ các ca nhiễm.

Một số ca bệnh cho thấy virus Corona chủng mới có thể lây trong thời kỳ ủ bệnh, tức thời gian giữa nhiễm và biểu hiện triệu chứng. Nếu đúng như vậy thì có lẽ đã quá muộn để ngăn virus dù có cách ly được bệnh nhân ngay khi có triệu chứng, theo Giáo sư Hitoshi Oshitani.

Theo mô hình dự đoán của các chuyên gia về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm ở Anh, bệnh viêm phổi Vũ Hán sẽ đạt đến đỉnh điểm từ giữa đến cuối tháng Hai, và ước tính sẽ có nửa triệu người bị nhiễm bệnh.

Dương Minh



BÀI CHỌN LỌC

WHO theo dõi 10 điểm nóng dịch corona ở Trung Quốc vì biện pháp cách ly chưa hiệu quả