Vỏ quýt “virus COVID-19” dày bao nhiêu thì móng tay “hệ miễn dịch” nhọn bấy nhiêu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi virus SARS-CoV-2 đột biến một cách ngẫu nhiên, thì hệ thống miễn dịch của chúng ta lại cải thiện có mục tiêu nhất định hơn.

Sự xuất hiện "các biến thể đáng quan tâm" đã đặt ra câu hỏi về khả năng miễn dịch lâu dài của chúng ta đối với COVID-19 . Liệu các kháng thể tạo ra sau khi bị nhiễm hoặc được tiêm chủng có thể chống lại các biến thể nguy hiểm như D614G không? Liệu các kháng thể hay vaccine có thể bảo vệ chúng ta chống lại các biến thể nguy hiểm khác trong tương lai không?

Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học đã kiểm tra cách kháng thể phản ứng với COVID-19 theo thời gian. Một số nghiên cứu gần đây đã so sánh sự khác biệt giữa các kháng thể được tạo ra ngay sau khi nhiễm COVID-19 và 6 tháng sau đó.

Mặc dù có ít kháng thể đặc hiệu có thể được phát hiện trong máu sau 6 tháng khi nhiễm COVID-19, nhưng các kháng thể còn lại đã có những thay đổi đáng kể. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, 83% kháng thể “trưởng thành” có khả năng nhận biết tốt các biến thể mới của virus COVID-19.

Một nghiên cứu mới cũng cho thấy, một số kháng thể xuất hiện 6 tháng sau khi nhiễm virus bắt đầu có thể nhận ra các biến thể, hay virus khác có liên quan với COVID-19, chẳng hạn như coronavirus gây ra bệnh SARS.

Đơn giản vì các tế bào B tạo ra kháng thể đã tiến hóa sau khi chúng được kích hoạt lần đầu. Virus có thể đột biến theo thời gian, nhưng các tế bào B của cơ thể cũng có thể tận dụng các đột biến để tạo ra các kháng thể vượt trội.

Siêu đột biến soma

Một điểm khác biệt chính giữa đột biến của kháng thể và virus là đột biến trong kháng thể không hoàn toàn ngẫu nhiên. Trên thực tế, chúng được gây ra trực tiếp bởi một loại enzym chỉ có trong tế bào B, được gọi là AID (activation-induced deaminase). Enzyme này cố tình gây ra các đột biến trong DNA chịu trách nhiệm tạo ra một phần của kháng thể có thể nhận ra virus. Cơ chế đột biến này lần đầu tiên được mô tả bởi các nhà nghiên cứu tiên phong tại Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử MRC ở Cambridge (Anh) gần 20 năm trước.

Hoạt động của AID dẫn đến tỷ lệ đột biến ở tế bào B cao hơn nhiều so với bất kỳ tế bào nào khác trong cơ thể. Hiện tượng này được gọi là siêu đột biến soma. Một số đột biến tăng khả năng liên kết kháng thể lên virus mục tiêu. Trong khi, một số đột biến sẽ không có tác dụng, thậm chí có một số đột biến làm giảm khả năng bám của kháng thể vào virus mục tiêu. Điều này có nghĩa là cần phải có một hệ thống theo đó tế bào B nào tạo ra kháng thể tốt nhất sẽ được chọn.

Tế bào B tập trung trong các tuyến nhỏ gọi là hạch bạch huyết. Các hạch bạch huyết được tìm thấy trên khắp cơ thể và thường trở nên to hơn nếu cơ thể chúng ta đang chiến đấu với vật lạ bao gồm vi khuẩn và virus.

Cách tế bào B chống lại đột biến của virus COVID-19

Trong các hạch bạch huyết, các tế bào B có thể tạo ra các kháng thể tốt hơn sau quá trình siêu đột biến soma. Các tín hiệu tích cực làm cho các tế bào B tái tạo nhanh hơn, giúp chúng gia tăng ái lực, cường độ các kháng thể liên kết với mục tiêu theo thời gian. Sau quá trình lựa chọn nghiêm ngặt này, tế bào B mới xuất hiện sẽ sản xuất hàng loạt kháng thể đã cải biến, và dẫn đến phản ứng miễn dịch hiệu quả hơn.

Quá trình của một ca nhiễm COVID điển hình là từ 10 đến 14 ngày. Do đó, đợt kháng thể đầu tiên không có đủ lâu để tiến hóa vì quá trình trưởng thành ái lực thường diễn ra trong nhiều tuần. Tuy nhiên, những nghiên cứu cho thấy, những phần không lây bệnh còn sót lại của SARS-CoV-2 vẫn còn trong cơ thể sau khi bệnh nhân hết nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy các tế bào B vẫn có thể tiếp tục được kích hoạt và trưởng thành. Điều này giúp kháng thể được tiến hóa trong nhiều tháng sau khi tình trạng nhiễm virus đã được giải quyết.

Nhìn chung, sự tiến hóa này của kháng thể có nghĩa là sẽ có nhiều kháng thể đang đợi sẵn sàng và chờ đợi nếu gặp virus COVID lần nữa. Điều này giúp chúng ta an tâm hơn nếu biết không chỉ có virus đang đột biến, mà các kháng thể của cơ thể cũng đang phát triển.

Sarah L Caddy là nhà nghiên cứu lâm sàng về miễn dịch học virus và là bác sĩ phẫu thuật thú y tại Đại học Cambridge ở Anh. Meng Wang là một nhà khoa học nghiên cứu về ung thư tại Đại học Cambridge. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên The Conversation.

Thiện Đức

Theo ET tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Vỏ quýt “virus COVID-19” dày bao nhiêu thì móng tay “hệ miễn dịch” nhọn bấy nhiêu