Việt Nam: Dịch Covid-19 rất báo động, cần sẵn sàng nếu có 30.000 ca nhiễm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Y tế cho rằng có thể xuất hiện thêm các ổ dịch có nguồn lây chưa kiểm soát, trong khi Phó Thủ tướng nói cần chuẩn bị phương án có 30.000 ca nhiễm ở Việt Nam.

Chiều 7/5, Bộ trưởng Y tế Việt Nam đánh giá đợt dịch lần này phức tạp, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước.

"Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát khó khăn hơn trước, có thể xuất hiện thêm ổ dịch, nguồn lây chưa biết, chưa kiểm soát được", Bộ trưởng Long nói.

Ông nhấn mạnh "các địa phương phải đặt trong trạng thái không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác".

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: Bộ Y tế)

Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải nâng cao năng lực/công suất xét nghiệm, chủ động về mặt xét nghiệm, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng trong cộng đồng.

Bộ trưởng Long cũng nhấn mạnh lại các bệnh viện phải mở rộng, tầm soát những người có nguy cơ, các khu vực trọng yếu như cấp cứu, chạy thận nhân tạo... Nhân viên y tế xét nghiệm định kỳ và thường xuyên.

"Chỉ có bằng xét nghiệm thì mới phát hiện ra được ca Covid-19", ông nhắc lại.

Theo Bộ trưởng Long, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều so với địa phương, vì bệnh viện Trung ương là tổng hợp bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên.

Bộ Y tế đã khuyến cáo hạn chế người đến khám đến bệnh viện tuyến Trung ương, mà chủ yếu nên khám và điều trị ở tuyến cơ sở.

"Chúng ta đang được đặt trong tình trạng báo động rất cao", ông Long nói và đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần chuẩn bị phương án với 30.000 ca nhiễm Covid-19

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đợt dịch lần này phức tạp hơn vì đã có mầm bệnh trong cộng đồng và virus chủng Ấn Độ lây lan nhanh, mạnh hơn.

Nhận định này được Trưởng ban chỉ đạo chống dịch Quốc gia Vũ Đức Đam nói tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành, chiều 7/5.

Tại Việt Nam, đây là đợt dịch thứ tư và hiện cả nước có một số ổ dịch ở Hà Nam, Yên Bái - Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ươngBệnh viện K (nguồn lây từ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi họp chiều 29/1. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi họp chiều 29/1. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ)

"Một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây như tại Đà Nẵng, Hải Dương và Hà Nội. Trong đó, tới bây giờ chưa tìm thấy F0 ở Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, điều này đồng nghĩa là đã có mầm bệnh trong cộng đồng", ông Đam nói.

Vấn đề phức tạp thứ hai, theo ông Đam là virus chủng Ấn Độ mạnh hơn, tốc độ lây lan cũng nhanh hơn. Vì vậy, tỉnh nào chưa có dịch hết sức cảnh giác, còn tỉnh nào xuất hiện dịch cần bình tĩnh xử lý.

Về giãn cách xã hội chống dịch, ông Đam nêu kinh nghiệm một số địa phương như Hà Nội, TP. HCM chỉ cho dừng hoạt động một số dịch vụ nguy cơ cao như karaoke, bar, vũ trường. Từ đó ông cho rằng cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và chống dịch.

"Nếu khoanh vùng rộng, khi giãn cách và cách ly xã hội sẽ gây thiệt hại cao hơn. Vì vậy, cần cân nhắc kĩ việc giãn cách", ông Đam nói và yêu cầu tỉnh, thành muốn giãn cách xã hội cần trao đổi với các địa phương xung quanh để tránh ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - xã hội.

Đối với ngành y tế, Phó thủ tướng yêu cầu các bệnh viện có ca Covid-19 cần lên phương án điều trị cho bệnh nhân ở các khu vực khác. Ngoài ra, các bệnh viện cần sẵn sàng phương án điều trị 30.000 người nhiễm trở lên mà không quá tải.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam: Dịch Covid-19 rất báo động, cần sẵn sàng nếu có 30.000 ca nhiễm