Một tuần Việt Nam có 56 ca nhiễm dịch ở 10 tỉnh thành - Nguồn lây từ đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều nguy hiểm là cùng lúc xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 ở Việt Nam và hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Trong một tuần qua, từ 29/4 đến 5/5, Việt Nam ghi nhận 56 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, từ 10 tỉnh thành, với tốc độ lây lan rất nhanh.

Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nam có số ca nhiễm cao nhất: 14 trường hợp với mỗi tỉnh. Tiếp theo là Hà Nội (5), Hưng Yên (2), Đà Nẵng (2), Yên Bái, TP. HCM, Quảng Nam, Hải Dương, Đồng Nai (1).

Tỉnh/thành Số ca nhiễm từ 29/4
Vĩnh Phúc 14
Hà Nam 14
Hà Nội 5
Hưng Yên 2
Đà Nẵng 2
Yên Bái 1
TP. HCM 1
Quảng Nam 1
Hải Dương 1
Đồng Nai 1
Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương 14

Đợt dịch thứ 4 này tại Việt Nam ghi nhận từ 3 "chuỗi" lây nhiễm lớn:

Nguồn lây ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương?

Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), từ ngày 4/5, cơ sở y tế này phát hiện thêm 14 ca dương tính với Covid-19, gồm nhân viên y tế và người bệnh.

Kết quả ban đầu ghi nhận các ca bệnh tại khoa Hồi sức tích cực (8 ca), khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (4); khoa Viêm Gan (1); khoa Cấp cứu (1).

CDC Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đông Anh tiến hành điều tra trực tiếp được 9 trường hợp. Cụ thể, Hà Nội có một ca là điều dưỡng; Quảng Ninh (1 ca); Hưng Yên (2 ca); Phú Thọ (1 ca); Bắc Ninh (1 ca); Bắc Giang (1 ca); Hải Dương (1 ca); Thái Bình (1 ca).

Bước đầu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định đây là chùm ca bệnh do lây nhiễm trong khu điều trị bệnh nhân nội trú tại cơ sở Kim Chung.

Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho rằng: "Toàn bộ các ca nhiễm mới từ ngày 4/5 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, đều chưa xác định được nguồn lây, đường lây".

Trước đó, một nam bác sĩ công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện này được xác định dương tính. Anh ở tại địa chỉ quận Ba Đình, Hà Nội. Bác sĩ này được phát hiện nhiễm virus khi công tác tại nước ngoài.

Bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương, cơ sở Kim Chung, ở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: website bệnh viện.
Bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương, cơ sở Kim Chung, ở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: website bệnh viện.

'Mất dấu nguồn lây Covid-19 ở Đà Nẵng'

Chiều 4/5, Bộ Y tế cho biết ca bệnh ở Đà Nẵng chưa rõ nguồn lây. Một chuyên gia Bộ Y tế cho rằng ca bệnh ở Đà Nẵng rất đáng lo ngại bởi đến nay cũng chưa tìm được đâu là F0.

Chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu cũng cho rằng ca nhiễm ở Đà Nẵng đã mất dấu nguồn lây, trước mắt cần tập trung chống dịch bằng cách truy vết triệt để F1, F2.

Theo ông Phu, có 3 giả thiết nguồn lây tại Đà Nẵng: Nguồn lây từ người nhập cảnh hợp pháp mà cách ly không tốt; Lây trong khu cách ly; Các ổ dịch lẩn khuất trong động đồng mà chưa phát hiện ra, chưa bùng phát do người dân vẫn đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Ca nhiễm dịch ở Đà Nẵng 28 tuổi quê ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, làm việc tại quận Hải Châu từ ngày 29/4. Ngày 2/5, anh có triệu chứng sốt, mệt mỏi, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả ngày 3/5 dương tính với Covid-19. Một đồng nghiệp của anh này sau đó cũng xét nghiệm dương tính, là "bệnh nhân 2989".

Một nhân viên bán vé kiêm giao hàng ở Đà Nẵng dương tính lần 1 với nCoV.
Một nhân viên bán vé kiêm giao hàng ở Đà Nẵng dương tính lần 1 với nCoV. (Ảnh: Sandip Roy/Unsplash)

Sau khi cách ly tập trung vẫn bị nhiễm Covid-19

Trong tuần qua, có 3 trường hợp được ghi nhận mắc Covid-19 sau khi kết thúc cách ly tập trung. Nghĩa là họ hoàn thành 14 ngày cách ly, xét nghiệm 2-3 lần âm tính. Tuy nhiên, khi trở về nơi cư trú, những người này lại có kết quả xét nghiệm dương tính.

  • Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân 2899, 28 tuổi, nhập cảnh từ Nhật Bản trên chuyến bay VJ3613 về sân bay Ðà Nẵng ngày 7/4. Ngày 22/4, bệnh nhân hoàn thành cách ly với 3 lần xét nghiệm âm tính. Ngày 24/4, bệnh nhân có biểu hiện sốt, nóng... Đến 28/4, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
  • Trường hợp thứ 2 là một chuyên gia người Trung Quốc của Công ty Trung Bắc Á. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, người này đã di chuyển qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Chuyên gia này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi làm thủ tục nhập cảnh từ Việt Nam về Trung Quốc.
  • Trường hợp thứ 3 là chuyên gia người Ấn Độ, cư trú tại tòa tầng 24, tòa Park 10, khu đô thị Times City. Ông cũng đã hoàn thành cách ly tập trung và có 2 lần có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, sau 3 ngày về nơi cư trú, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Hôm 5/5, Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.

Hình ảnh trong một khu cách ly ở Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

'Dịch tại Việt Nam sẽ phức tạp hơn do xuất hiện biến chủng Ấn Độ'

Kết quả giải trình tự gene của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) cho thấy tất cả chuyên gia Ấn Độ, một lễ tân tại Khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái), nhóm nhân viên quán bar Sunny (Vĩnh Phúc) nhiễm biến chủng B.1.617.2.

Ngoài ra, các chuyên gia còn lấy 6 mẫu ở Hà Nam, 2 mẫu ở Hưng Yên, 2 mẫu ở Hà Tĩnh (bệnh nhân mắc Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7 - biến chủng của Anh.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng, bài học từ thảm kịch ở Ấn Độ buộc Việt Nam không được chủ quan trước dịch Covid-19 và biến chủng B.1.617.2.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Một tuần Việt Nam có 56 ca nhiễm dịch ở 10 tỉnh thành - Nguồn lây từ đâu?