Vì sao con người lại tự tử và những hệ lụy sau cái chết của những người nổi tiếng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2020, showbiz châu Á rúng động với hàng loạt vụ tự sát như MC Quách Lệ Đình qua đời vì ngộ độc khí than, MC Hàn Quốc nhảy lầu tự tử, tài tử Ấn Độ Sushant Singh Rajput qua đời tại nhà riêng, cái chết nhiều bí ẩn của nữ diễn viên Oh In Hye vào trung tuần tháng 9/2020. Chỉ 6 ngày sau, nam diễn viên Nhật Bản Takashi Fujiki qua đời cũng cùng nguyên nhân: TỰ TỬ. Đài NHK cho hay, nam diễn viên vì bế tắc trong cuộc sống, gặp khó khăn về tài chính do đại dịch Covid-19…

Áp lực

Ngày 8/6/2018, thông tin đầu bếp Anthony Bourdain tự tử ở tuổi 61 trong phòng khách sạn tại Paris, đã gây rúng động những ai yêu mến ẩm thực và những show truyền hình hút khách của ông. Năm 2016, đầu bếp Anthony Bourdain từng sang Việt Nam, và là người ngồi thưởng thức món bún chả với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - Barack Obama tại Hà Nội.

Con đường thành danh của đầu bếp Anthony Bourdain khởi phát từ một cậu bé đam mê nấu nướng, một chàng trai trẻ ôm hoài bão được cầm “cây đũa” chỉ huy dàn hợp xướng xoong nồi, chấp nhận rửa bát thuê lấy tiền ăn học đã truyền cảm hứng tới nhiều người trên thế giới.

Cái chết của ông khi đang trên đỉnh cao danh vọng là hồi chuông cảnh báo cho một vấn nạn đang có chiều hướng gia tăng trong cuộc sống hiện đại: Tìm cách tự tử để giải thoát mọi vấn đề. Nhiều người nghĩ rằng chết là hết mà không biết hậu quả nặng nề của “nghiệp” tự sát.

Mất đi người thân yêu là một trong những trải nghiệm đau thương mà ai trong chúng ta đều phải trải qua. Nhưng khi một người nổi tiếng tự tử, đó không chỉ là nỗi đau của riêng gia đình họ, mà còn ảnh hưởng tới nhiều người.

Nhìn bề ngoài, những người nổi tiếng sở hữu một cuộc sống hoàn hảo nhiều người mơ ước: Tiền tài, danh vọng và sự ngưỡng mộ. Nhưng cũng giống như bao người, họ cũng có nỗi đau riêng, tuyệt vọng, mệt mỏi, buồn bực, bế tắc, khủng hoảng trong cuộc sống khác với vẻ hào nhoáng bề ngoài.

Điểm chung từ nhiều vụ tự tử của những người nổi tiếng là do áp lực cuộc sống, phải duy trì “ngôi vị” danh tiếng, hoặc không thể vượt qua những bình luận tiêu cực, nghiệt ngã của khán giả...

Ngày 1/8/2014, thông tin diễn viên hài Robin Williams tự sát đã thực sự khiến cả showbiz thế giới “ngơ ngác” không chỉ vì quá sốc, mà người ta không sao lý giải nổi vì sao một người mang lại tiếng cười sảng khoái và đầy trí tuệ cho khán giả khắp thế giới, lại lựa chọn hành động tiêu cực như vậy?

Theo nghiên cứu của giáo sư Dianna Kenny, chuyên gia tâm lý của ĐH Sydney (Úc), có đến 12.664 nhạc sĩ, ngôi sao trên thế giới nói chung qua đời từ năm 1950 đến tháng 6/2014. Trong số đó, chết do nguyên nhân tự tử, trầm cảm cao gấp 10 lần người bình thường. Tựu chung kẻ thù giấu mặt đó chính là căn bệnh trầm cảm.

Lịch sử ghi nhận những đau thương

Eratosthenes (276 TCN- 194 TCN) là một nhà Toán học, Địa lý học và Thiên văn nổi tiếng người Hy Lạp. Những nghiên cứu lẫy lừng của ông về địa lý đã đặt định những bước sơ khai cho thuật ngữ và ngành Địa lý sau này.

Eratosthenes là người đầu tiên tính toán được chu vi của Trái đất thông qua phương pháp giản đơn: Dựa vào bóng đổ khi Mặt Trời lặn để tính toán. Ông cũng đạt được những thành công không thể tin nổi trong thời của mình, và một trong những phát hiện đáng chú ý nhất là tính toán một năm có 365 ngày và giải thích khái niệm về một năm nhuận.

An etching of a man's head and neck in profile, looking to the left. The man has a beard and is balding.
Ảnh en.wikipedia.org/wiki/Eratosthenes

Tuy không có nhiều thông tin ghi chép về cuộc sống riêng tư của ông, nhưng trong văn tự cổ cuối cùng có đề cập đến thời điểm gian khó trong những năm cuối đời, khi Eratosthenes tuyệt vọng vì bị mất thị lực và tự tử bằng cách tuyệt thực vào năm 194 TCN.

Người ta cho rằng việc phát minh ra máy vi tính thời nay là phần nhiều công lao thuộc về nhà Toán học nổi tiếng người Anh – Alan Turing (1912-1954). Ông được biết đến là “cha đẻ” của ngành công nghệ này, đã đặt định cho sự ra đời của máy tính kỹ thuật số.

Là thần đồng Toán học ngay từ khi còn nhỏ, Alan Turing sở hữu trí tuệ hơn người và sớm trở thành thành viên chủ chốt trong tổ chức tuyệt mật GC & CS ở Bletchley Park (Anh), có nhiệm vụ giải mã các thông điệp của Đức Quốc xã bằng chiếc máy huyền thoại "Enigma" – là chiếc máy tính thuở sơ khai đầu tiên trên thế giới.

Alan Turing đã được Đại học Cambridge trao giải Smith’s Prize (1939) vì những đóng góp đặc biệt của ông trong lĩnh vực Toán học ứng dụng, và ông cũng được vua George VI tôn vinh vào năm 1945 cho những đóng góp của ông trong Thế chiến II.

Tuy nhiên, chính tại thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, cuộc đời của nhà Toán học thiên tài bỗng chốc sụp đổ khi ông bị bắt giữ và buộc tội vì quan hệ đồng tính. Ngày 8/6/1954, Alan bị phát hiện bất tỉnh ở nhà riêng, và các bác sĩ kết luận ông đã tự tử bằng cách hít một lượng lớn khí xyanua kali.

Wallace Hume Carothers (1896 –1937) là một nhà Hóa học người Mỹ đã phát minh ra nylon và neoprene. Tên ông nằm trong danh sách những nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới, và một trong những thành tựu nổi bật nhất của ông chính là phát minh ra nilon, tạo ra cuộc cách mạng sản xuất vải công nghiệp trong thế kỷ 20. Quần áo, dây thừng, vũ khí và máy móc đều được sản xuất từ ​​loại nhựa dẻo do ông khám phá, và đã đóng góp một phần quan trọng giúp phe Đồng minh giành chiến thắng trong Thế Chiến II.

Dù có danh vọng và tiền tài, nhưng nhà khoa học xuất sắc Wallace Hume Carothers trở nên u sầu và tuyệt vọng khi phải chứng kiến những bi kịch gia đình. Cuối cùng ông đã tự kết liễu đời mình ở tuổi 41 vào ngày 29/4/1937.

Danh sách những nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đã kết thúc cuộc đời bằng cách tự sát vẫn còn nối dài. Có điểm chung là họ đã không thể vượt qua được những biến cố, không dám đối mặt mà chọn cách trốn tránh tiêu cực.

Khoa học vẫn đang tìm giải đáp: Vì sao con người lại tự sát?

Theo Quỹ Phòng chống Tự tử của Mỹ, đã có 41.149 người Mỹ tự tử vào năm 2013, và con số này cứ theo chiều hướng gia tăng mỗi năm, khiến nó trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng đầu trong top 10 nguyên nhân gây tử vong ở Mỹ. Trong số những nguyên nhân tự sát, 80% là do bị trầm cảm lâm sàng.

xem thường mạng sống chính là đại tội
Theo quan điểm khoa học, thì đa số người tự tìm đến cái chết là do thiếu chất hóa học GABA, còn theo quan niệm nhà Phật, người tự tử mỗi ngày họ đều phải đến một giờ nhất định, phải lặp lại theo cách chết của họ ở kiếp trước mà làm lại một lần. (Ảnh: Unsplash)

Điều gì khiến con người tự tử? Hiện các nhà khoa học trong ngành Thần kinh Hoa Kỳ đang cố gắng tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi này. Họ đang nghiên cứu bộ não của những người đã tự tử, và so sánh chúng với những người bị đột tử. Những nghiên cứu mới đây cho thấy, những thay đổi thần kinh trong não của một nạn nhân tự sát khác biệt rõ rệt với những người khác.

Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Robarts thuộc Đại học Western Ontario (Canada) đã phát hiện ra rằng, người bị trầm cảm tự tử có sự phân bố bất thường của các thụ thể của chất GABA, là một trong những chất dẫn truyền thần kinh phong phú nhất trong não. Chất GABA là chất hóa học có tên khoa học là Gamma Aminobutyric Acid, được sản sinh ra từ các aminoacid – gultamic acid trong não bộ.

Vai trò của GABA là ức chế hoạt động của tế bào thần kinh, giảm hoạt động của các tế bào thần kinh căng thẳng đến trung khu thần kinh, dẫn đến việc ngăn chặn sự lo lắng và những gì liên quan đến stress. “Nếu bạn nghĩ về bàn đạp ga và phanh trên xe hơi, GABA chính là phanh” – Michael Poulter, nhà thần kinh học của Viện nghiên cứu Robarts giải thích.

Michael Poulter và các cộng sự của ông đã phát hiện ra rằng, một trong hàng ngàn loại thụ thể cho chất GABA đã không được tìm thấy trong thùy trán của những người mắc chứng rối loạn trầm cảm đã tự sát, so với những người bình thường.

Thùy trán có chức năng liên quan đến tư duy bậc cao, như tư duy sáng tạo, suy luận logic, xử lý ngôn ngữ và ra các quyết định. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết sự bất thường này có phải là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm khiến ai đó tự tử, nhưng “bất cứ điều gì làm rối loạn hệ thống đó, vẫn sẽ không nằm ngoài dự đoán sẽ có một số ảnh hưởng quan trọng nhất định”. Michael Poulter nói.

Điều thú vị là những thụ thể GABA này không phải là kết quả của các gene bất thường hay đột biến, mà có thể do tác động ảnh hưởng của môi trường bên ngoài như bị nhiễm chất độc, chế độ ăn uống kém hay áp lực công việc, cùng các yếu tố khác khiến mức độ GABA có thể bị cạn kiệt.

Thật không may là đa số chúng ta đều không nhận ra sự thiếu hụt GABA. Những triệu chứng của tình trạng thiếu GABA bao gồm: Lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, dễ bị kích động, đánh trống ngực và tất cả những điều này cũng bao hàm trong một căn bệnh có tên là Trầm cảm.

Nhà thần kinh học Michael Poulter cho biết: “Những phát hiện này cho thấy não của người tự tử khác với bộ não khác theo nhiều cách – nói cách khác, chúng ta thực sự đang đối phó với một số loại mất cân bằng sinh học”.

Đó là cách lý giải của khoa học về một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tự sát. Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đó.

Hệ lụy của phản ứng dây chuyền

Để truyền bá nhận thức cho những người bị trầm cảm, tại Mỹ có Tuần lễ phòng chống Tự sát được tổ chức từ ngày 6/9 đến 12/9 hằng năm, nhằm kịp thời phát hiện, hỗ trợ và đưa ra những lời khuyên đối với những người bị trầm cảm đang có ý định tử tự.

Tuy nhiên, theo báo cáo được công bố gần đây của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, tỷ lệ tự tử ở Mỹ vẫn tăng đều trong một thập kỷ qua. Điều nguy hiểm là việc những người có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng chọn cách tiêu cực kết thúc cuộc đời, đã dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho xã hội, hay còn được gọi là Hiệu ứng Cánh bướm.

Hiệu ứng Cánh bướm là một khái niệm Toán học, được gói gọn trong câu hỏi: “Liệu một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Taxas?”. Nhưng ngày nay nó không chỉ gói gọn trong Toán học và dự báo thời tiết mà còn để lý giải nhiều vấn đề xã hội. Từ một sự việc đơn nhất cũng có thể gây ra những hệ quả khôn lường.

Ngày 18/12/2017, thông tin ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc Jonghyun tự tử vì căn bệnh trầm cảm đã lan truyền khắp châu Á và trên thế giới. Anh là giọng ca chính của SHINee, một trong những nhóm nhạc pop đình đám nhất Hàn Quốc. Người hâm mộ trên toàn thế giới đã bày tỏ sự đau buồn về cái chết của anh.

Ca sĩ Jonghyun tự tử đã khiến nhiều fan trên thế giới cùng chọn cách tự tử theo thần tượng
Ca sĩ Jonghyun tự tử đã khiến nhiều fan trên thế giới cùng chọn cách tự tử theo thần tượng. (Ảnh: Youtube)

Người ta ghi nhận đã có hàng loạt các thông điệp tiêu cực được chia sẻ trên mạng xã hội trong cộng đồng fan ở các nước. Chỉ một ngày sau cái chết của ca sĩ Jonghyun, đã có các fan tại Hàn Quốc, Chile, Mỹ và Indonesia tự tử theo Jonghyun. Chỉ riêng cộng đồng Shawol (tên fanclub của SHINee) đã có 8 người tự tử theo thần tượng.

Theo Lee Seung Yeon, giáo tư tâm lý học tại trường Đại học Phụ nữ Ewha, sự ra đi của các ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc có ảnh hưởng nhất định tới những người hâm mộ của họ. Bà cho biết:

“Hầu hết những người hâm mộ này là thanh thiếu niên chưa phát triển đầy đủ về tư duy. Những thần tượng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển tâm lý của họ. Người hâm mộ cũng luôn quan sát rất kỹ những gì các ngôi sao nói hoặc làm. Do vậy, các phụ huynh và nhà trường nên chú ý đến tác động từ những sự kiện này, đồng thời giáo dục học sinh cách đối phó với sự cô đơn và căng thẳng”.

Bà Lee Seung Yeon cũng là cố vấn phòng chống tự tử của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết thêm: “Nếu một người có nổi tiếng chọn tự tử để giải thoát, điều đó có thể gây ấn tượng với những người hâm mộ trẻ tuổi rằng tự tử là một phương pháp chấp nhận được để thoát khỏi nỗi đau và sự cô đơn”.

Ngày 25/6/2009, cả thế giới đã bị sốc trước cái chết đột ngột của “ông hoàng” nhạc Pop Michael Jackson. Cái chết của ông vẫn còn gây nhiều tranh cãi, trong đó có việc làm dụng thuốc trầm cảm và áp lực do những khó khăn về tài chính, khiến Michael Jackson phải mở tour diễn khắp thế giới sau nhiều năm ở ẩn.

Sự ra đi bất ngờ của thần tượng âm nhạc đã khiến nhiều fan trên thế giới – những người đã sở hữu những chiếc vé concert - bàng hoàng, tuyệt vọng. Hiệu ứng cánh bướm đã xảy ra khi truyền thông thế giới ghi nhận đã có 12 người tự tử theo ca sĩ Michael Jackson.

Quan điểm của nhà Phật: Tự tử đồng nghĩa với sát sinh

Phật gia tuyên giảng, sinh mệnh của mỗi người đều đã được an bài, có được thân người là điều trân quý nhất, vậy mà tự hủy diệt mạng sống của mình thì cũng đồng nghĩa với tạo tội nghiệp to lớn: Sát sinh. Sau khi chết, linh hồn của những người này không có chốn nương thân, phải phiêu bạt như cô hồn dã quỷ, cùng cực khổ sở không siêu thoát được.

Nếu Đức Phật hạ thế giảng Chính Pháp lúc này, làm sao chúng ta có thể nhận ra? (Phần 1)

Cơ thể người là một tiểu vũ trụ có cả tỉ tỉ tế bào sống, đại diện cho những thể sinh mệnh. Nếu người nào đó phạm tội tự sát, nghĩa là họ không chỉ giết đi sinh mệnh của chính mình mà còn giết cả tỉ tỉ mầm sống nên tội nghiệp càng chồng chất.

Con người sống trên đời gặp đủ phiền não, ốm đau, bệnh họa thì theo Luật Nhân quả của nhà Phật chính là đang phải hoàn trả những nghiệp quả đã từng gieo trong quá khứ. Luật Nhân quả rất công bình, vậy một người muốn tránh khổ đau bằng cách tự sát thì chẳng khác nào đang đi ngược lại Luật Nhân quả, họ phạm tội càng nặng hơn, và sẽ phải tiếp nối vòng luân hồi đọa đày trong khổ ải.

Xem thêm:
- Vì sao tự tử có xu hướng trẻ hóa? Làm thế nào nhận biết trẻ muốn tự sát?

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao con người lại tự tử và những hệ lụy sau cái chết của những người nổi tiếng