Nghiên cứu: Vách ngăn nhựa có thể làm tăng nguy cơ lây truyền virus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán liên tục biến đổi và lây lan khắp toàn cầu. Để hạn chế lây nhiễm virus từ người này sang người khác, tại nhiều nhà ăn, văn phòng hay lớp học… người ta đặt các tấm vách ngăn bằng nhựa lớn và tin rằng nó sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất lại cho thấy một kết quả ngược lại.

Tờ New York Times đăng tải một thông tin bất lợi khi trích dẫn nhiều báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh - Mỹ. Theo đó, kết quả cho thấy vách ngăn nhựa trong suốt không những không giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, mà còn cản trở sự lưu thông bình thường của không khí, từ đó tạo ra "vùng chết" khi trở thành nơi tích tụ virus.

Vách ngăn nhựa có thể mang lại sự an toàn giả tạo

Khi nhìn thấy vách ngăn bằng nhựa, chúng ta bất chợt nghĩ rằng nó có thể "ngăn chặn mầm bệnh", nhưng các chuyên gia cho biết sự lây lan của virus chủ yếu thông qua các "hạt aerosol" vô hình.

Các nhà khoa học nghiên cứu về các hạt sol khí, lưu thông không khí và thông gió cho biết: Hầu hết thời gian, việc dựng lên những chướng ngại vật này không chỉ vô ích mà còn mang lại cho công chúng cảm giác an toàn giả tạo. Thậm chí, đôi khi những vách ngăn này còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Các vách ngăn trong suốt có thể cản trở sự lưu thông của không khí

Chúng ta thường thấy nhiều cửa hàng dựng vách ngăn nhựa trong suốt trước quầy thu ngân để bảo vệ nhân viên, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong một số trường hợp, chúng hướng mầm bệnh vào nhân viên hoặc khách hàng. Chúng ta cần hiểu rằng, sự lưu thông của không khí sẽ bị cản trở khi các vách ngăn này được đặt bên trong không gian hẹp như văn phòng, trường học hay cửa hàng...

Trong trường hợp thông thường, các hạt thở ra trong các phòng này sẽ bị phân tán do luồng không khí lưu thông, và tùy thuộc vào hệ thống thông gió, không khí trong phòng sẽ tự động làm sạch từ 15 đến 30 phút một lần. Vấn đề hiện nay được phát hiện là những vách ngăn bằng nhựa được dựng lên này sẽ làm thay đổi luồng không khí trong nhà, cản trở khả năng lưu thông bình thường và tạo ra “vùng chết”, dẫn đến sự đọng lại với mật độ cao của các hạt sol khí chứa virus.

Linsey Marr, chuyên gia hàng đầu thế giới về lây truyền virus và là giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Virginia Tech, tin rằng: "Các hạt aerosol của con người sẽ bị chặn lại ở đây và tích tụ, cuối cùng lan rộng ra tại chính chỗ người ngồi".

Vách ngăn bằng nhựa trong suốt chỉ có thể chặn các giọt bắn lớn

Tất nhiên, vách ngăn bằng nhựa trong suốt không phải là vô dụng. Richard Corsi, người sắp đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa Kỹ thuật của Đại học California, cho biết rằng mọi người không phải hoảng sợ khi nhìn thấy các vách ngăn này, nhưng chúng không nên được coi là một biện pháp bảo vệ đầy đủ.

Vách ngăn trong suốt có hiệu quả trong việc ngăn các giọt lớn được tạo ra bởi ho hoặc hắt hơi, nhưng nó phụ thuộc vào nhiều biến số tại chỗ.

Vào tháng 6, một nghiên cứu do Đại học Johns Hopkins dẫn đầu đã công bố rằng các vách ngăn bằng nhựa trên bàn học có liên quan đến việc tăng nguy cơ lây nhiễm virus.

Một nghiên cứu khác điều tra các trường học ở Georgia cho thấy so với việc cải thiện hệ thống thông gió và đeo khẩu trang, vách ngăn nhựa trên bàn gần như vô dụng để hạn chế sự lây lan của virus.

Các nhà nghiên cứu Anh đã tiến hành một nghiên cứu mô hình để mô phỏng những gì xảy ra với các hạt thở ra khi ai đó ho hoặc nói chuyện bên cạnh vách ngăn trong các điều kiện thông gió khác nhau.

Người ta thấy rằng vách ngăn có hiệu quả hơn khi ngăn chặn các giọt bắn ra từ một người bị ho, vì nó có thể chặn các hạt lớn. Nhưng khi mọi người đang nói chuyện, không có cách nào để các tấm nhựa này ngăn những hạt thở ra lơ lửng trong không khí. Mặc dù những người ở phía bên kia có thể tránh tiếp xúc trực tiếp với các giọt nước ở khoảng cách gần, nhưng vẫn có các hạt lơ lửng trong phòng và người khác có thể vô tình hít phải.

Vách ngăn nhựa hướng không khí trong phòng sang những người khác

Theo Catherine Noakes, một giáo sư về kỹ thuật môi trường xây dựng tại Đại học Leeds (Vương quốc Anh), việc dựng các vách ngăn có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng nó cũng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.

Vào năm 2013, giáo sư Knox đã công bố một thí nghiệm về tác dụng của vách ngăn giường bệnh, mặc dù một số người tránh được vi trùng, nhưng vấn đề là vách ngăn nhựa sẽ hướng không khí trong phòng sang người khác.

Knox nói: "Tôi nghĩ điều này đặc biệt có vấn đề đối với những nơi như lớp học, vì học sinh sẽ ở trong những không gian này trong thời gian dài. Một số lượng lớn vách ngăn cá nhân sẽ cản trở không khí lưu thông, dẫn đến khó phân biệt nhóm nguy cơ cao hay thấp".

Vách ngăn nhựa không có tác dụng cản khói

Giáo sư Marr nói rằng chúng ta có thể coi vách ngăn bằng nhựa là một cách tốt để chặn nước bọt, nhưng nó không ảnh hưởng gì đến khói. Khói sẽ bay quanh người, vì vậy những người ở phía đối diện người tạo ra khói sẽ không tiếp xúc với khói trực tiếp, nhưng những người ở cùng phía với người tạo ra khói thì sẽ tiếp xúc nhiều hơn, vì khói bị các tấm nhựa cản lại và điều hướng sang người bên cạnh.

Nói chung, tính hiệu quả của việc lắp đặt tấm bảo vệ bằng nhựa trong suốt ở những nơi trong nhà như trường học, công sở cần được nghiên cứu thêm để khẳng định.

Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia về hạt aerosol được tờ New York Times phỏng vấn đều đồng ý ở một điểm: vách ngăn trên bàn có thể không giúp ngăn chặn sự lây truyền, nhưng chắc chắn sẽ cản trở sự thông gió bình thường trong nhà. Trong một số trường hợp, vách ngăn trong suốt có thể khiến các hạt virus tích tụ trong phòng.

Các chuyên gia đã chỉ ra điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: nhân viên chịu trách nhiệm dựng vách ngăn trong trường học, công ty, nhà hàng... đã không nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật để đánh giá điều kiện lưu thông không khí và thông gió của từng phòng và khu vực.

Vì vậy, một số nhà khoa học về khí dung cho rằng, các trường học, nơi làm việc phải chú trọng hơn đến việc cải thiện vấn đề thông gió, nếu cần thiết có thể lắp thêm máy lọc không khí có màng lọc hiệu suất cao (HEPA), đồng thời phải rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cơ bản khác. Phải thực hiện đồng thời để giảm khả năng lây lan của virus.

Hoàng Tuấn
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Vách ngăn nhựa có thể làm tăng nguy cơ lây truyền virus