Vaccine Trung Quốc có tất cả bao nhiêu loại, ở giai đoạn nào, và hiệu quả đến đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc là nước đầu tiên phê duyệt và đưa vaccine COVID-19 vào sử dụng, ngay cả khi chưa có thử nghiệm lâm sàng. Hiệu quả thực sự của các vaccine Trung Quốc đến đâu và hiện đang ở giai đoạn nào...

Trong đại dịch viêm phổi COVID-19, chính quyền Đại Lục luôn tự hào với vaccine của Sinovac và Sinopharm. Tuy nhiên, Trung Quốc thực sự đang có bao nhiêu vaccine và chúng đang ở giai đoạn nào, hiệu quả ra sao thì không nhiều người biết rõ.

#1 - Vaccine CoronaVac của công ty Sinovac

CoronaVac là sản phẩm được phát triển bởi Công ty Dược phẩm Sinh học Sinovac - có trụ sở tại Bắc Kinh. Đây là một loại vaccine bất hoạt, tức là vaccine có chứa cấu trúc nguyên vẹn của virus, nhưng là virus đã chết.

So sánh với vaccine mARN, ưu điểm của vaccine bất hoạt là ở nhiệt độ bảo quản, chỉ trong khoảng 2-8℃. Trong khi đó, vaccine mARN của Moderna cần phải được lưu trữ ở - 20℃, còn vaccine Pfizer thì -70℃. Tuy nhiên, vaccine bất hoạt tốn nhiều thời gian hơn để tạo miễn dịch, nhưng hiệu quả chưa chắc đã cao hơn. Đây cũng là những đặc điểm của vaccine CoronaVac.

Xét về tính hiệu quả, theo tạp chí y khoa The Lancet, vaccine này hiện nay mới chỉ có thông tin về các giai đoạn 1 và 2 của thử nghiệm lâm sàng:

    • Trong 2 tuần đầu của thử nghiệm giai đoạn 1, nghiên cứu ghi nhận tác dụng phụ xảy ra ở các nhóm tiêm vaccine liều 3µg, 6µg, và giả dược có tỷ lệ lần lượt là 29%, 38%, và 8%. Đến ngày thứ 28, các tỷ lệ này tương tự nhau, lần lượt là 13%, 17%, và 13%.

      Sau 2 tuần đầu, kháng thể chống COVID-19 ở nhóm tiêm liều 3µg đạt 46%, ở nhóm tiêm liều 6µg là 50%. Tỷ lệ này đạt gần 80% sau 4 tuần.
    • Ở thử nghiệm giai đoạn 2 với 600 tình nguyện viên, trong 2 tuần đầu, nghiên cứu ghi nhận tác dụng phụ ở nhóm tiêm vaccine liều 3µg và 6µg là khá cao, 33% và 35%, ở nhóm giả dược là 22%. Sau 4 tuần, các tỷ lệ này gần bằng nhau, khoảng 19%.

      Điều chú ý là tỷ lệ kháng thể trong giai đoạn 2 đã vượt mốc 90% ở tuần thứ hai và thứ tư, hứa hẹn một thành công trong giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng cho vaccine Trung Quốc CoronaVac.

Thử nghiệm giai đoạn 3: Thất vọng và Nghi hoặc

Đầy hứa hẹn, vaccine CoronaVac bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Brazil, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ngày CoronaVac xuất ngoại cũng là lúc những khuyết điểm bắt đầu lộ diện.

Trái ngược với mong đợi, tỉ lệ hiệu quả của CoronaVac tại Indonesia chỉ đạt 65,3%. Tuy nhiên đây chưa phải là kết quả tồi tệ nhất.

Đầu năm 2021, vào ngày 12/1, theo kết quả đến từ Viện Butantan (Brazil), nơi có hơn 12.000 tình nguyện viên thử nghiệm đã ghi nhận hiệu quả CoronaVac đạt 50% - chỉ vừa đủ để vượt qua ngưỡng phê duyệt của WHO.

Tiết lộ mới nhất đã làm dấy lên sự hoài nghi về CoronaVac của Trung Quốc. Đặc biệt đối với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, ông từng bị phản đối khi tuyên bố hồi tháng 10 rằng: “Người dân Brazil sẽ không là chuột bạch của bất kỳ ai”.

Vào ngày 13/1, ông Bolsonaro đã phải nhìn nhận lại về độ tin cậy của vaccine Trung Quốc:

“50% này là tốt, phải không? Trước tất cả những lời chỉ trích tôi nhận được cho nhận xét của mình, bây giờ họ đã nhìn thấy (trở thành) sự thật. Bốn tháng bị làm cừu non vì vaccine”.

Viện Butantan đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về tính minh bạch đối với dữ liệu thử nghiệm CoronaVac. Ban đầu, kết quả thử nghiệm vaccine được dự kiến ​​công bố vào giữa tháng 12, nhưng nó đã nhiều lần bị trì hoãn, với lý do: Sinovac cần thu thập thêm dữ liệu.

Trước đó, việc thử nghiệm CoronaVac đã phải nhanh chóng tạm ngừng trong tháng 11, khi một tình nguyện viên được xác nhận đã tử vong. Tuy nhiên, thử nghiệm vẫn được tiếp tục khi nguyên nhân được xác định không rõ là có liên quan tới việc tiêm vaccine hay không.

Đó là với người ngoại quốc, còn tại Đại Lục, CoronaVac là một trong những vaccine đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp kể từ tháng 7 - cho các nhóm có nguy cơ cao.

Điều này khiến nhiều quốc gia phải nghi ngờ và cân nhắc lại việc đặt mua vaccine của Trung Quốc trong đó có Hồng Kông.

#2 Vaccine BBIBP-CorV & #3 BBV152 của tập đoàn Sinopharm

Cũng là công ty quốc doanh, Sinopharm hiện đang phát triển 2 loại vaccine COVID-19 - BBIBP-CorV sản xuất tại Trung Quốc và BBV152 tại Ấn Độ. Giống như Sinovac, chúng đều là vaccine bất hoạt và hoạt động theo cách thức tương tự.

Theo báo cáo của Sinopharm, cả hai loại vaccine của Sinopharm đều đã trải qua 2 giai đoạn đầu của thử nghiệm lâm sàng với kết quả đáng khích lệ. Phản ứng bất lợi chủ yếu là đau tại vị trí tiêm và sốt nhẹ.

Sau thử nghiệm giai đoạn 3 trên 31.000 người tình nguyện ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ngày 30/12, Sinopharm công bố hiệu quả đạt 79%, thấp hơn nhiều so với vaccine của Pfizer và Moderna - hơn 90%.

Nhưng đến thời điểm này, vaccine BBIBP-CorV cũng đã được phân phối và sử dụng trên gần 1 triệu người tại Đại Lục theo phê duyệt khẩn cấp của chính quyền Trung Quốc.

Ngày 6/1/2021, chuyên gia vaccine Tao Lina (陶黎纳) ở Thượng Hải đã đăng tin trên Weibo, nói rằng vaccine Trung Quốc từ tập đoàn Sinopharm có tới 73 tác dụng phụ và là loại vaccine không an toàn nhất trên thế giới. Bài đăng này ngay sau đó đã bị xóa.

Chỉ sau đó vài hôm, vào ngày 12/1/2021, hai nhân sự cấp cao của tập đoàn Sinopharm đã từ chức, trong đó có chủ tịch tập đoàn Sinopharm. Điều này đã dấy lên mối nghi ngờ về hiệu quả thực sự của vaccine này tại châu Á.

Điều đáng nói cho đến nay chưa có quan chức cao cấp nào của ĐCSTQ tiêm phòng COVID-19, điều này rất khác thường so với các lãnh đạo các quốc gia khác trên thế giới.

Giáo sư Dale Fisher từ Đại học Quốc gia Singapore nói việc đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine trước khi có các thử nghiệm giai đoạn cuối là một điều “phi truyền thống”.

“Lẽ thường là cần phải chờ cho tới khi có phân tích về kết quả thử nghiệm giai đoạn ba rồi mới đẩy mạnh việc triển khai chương trình tiêm chủng được phê chuẩn cho sử dụng khẩn cấp.” - GS Fisher nói với CNBC.

Trên đây là 2 công ty tập đoàn cùng 3 loại vaccine thường xuất hiện nhiều nhất trên các công cụ tìm kiếm nếu nói về vaccine Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu quốc gia này còn những vaccine “tiềm năng nào khác nữa không? Một bài báo mới đây trên The Conversation đã tiết lộ câu trả lời cho dấu hỏi này.

#4 Vaccine của CanSino Biologics

CanSino Biologics đã phát triển một loại vaccine COVID-19 dựa trên virus Adenovirus với sự hợp tác của Học viện Khoa học Quân Y Trung Quốc. Adenovirus không thể tự gây bệnh, nhưng được sử dụng để cung cấp một protein Coronavirus.

Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai báo cáo vaccine an toàn và tạo ra các phản ứng miễn dịch đáng kể ở hầu hết những người tham gia. Loại vaccine này cũng đã được quân đội Trung Quốc cho phép sử dụng hạn chế vào tháng 6, khoảng thời gian kết thúc thử nghiệm giai đoạn hai.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, bắt đầu vào tháng 8/2020, đang diễn ra ở nhiều quốc gia trong đó có Ả Rập Xê Út.

#5 Vaccine của Anhui Zhifei Longcom

Anhui Zhifei Longcom có trụ sở tại Trung Quốc đang phát triển một loại vaccine COVID-19 dựa trên một đoạn protein tinh chế của virus Corona để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Gần đây vaccine này đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ thông báo hay báo cáo nào công bố nào kết quả của thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 của vaccine này.

Thiện Đức (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vaccine Trung Quốc có tất cả bao nhiêu loại, ở giai đoạn nào, và hiệu quả đến đâu?