Vaccine COVID-19: Sputnik V của Nga khơi mào cuộc chiến tranh lạnh về vaccine?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phê duyệt vaccine Sputnik V, khẳng định vị thế dẫn đầu của Nga trong cuộc đua sản xuất vaccine chống COVID-19, ông Putin khơi mào cuộc chiến tranh lạnh về vaccine...

Theo tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Ba (11/8), các nhà khoa học Nga đã đạt được bước đột phá trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine chống COVID-19. Ông tuyên bố Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới thông qua vaccine thử nghiệm.

Mạnh dạn hơn, các quan chức Nga cam kết sẽ cung cấp vaccine này cho hàng triệu người vào mùa hè và mùa thu - bao gồm hàng chục nghìn giáo viên và nhân viên y tế ở tuyến đầu trong những tuần tới, trước khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng.

Nhưng nỗ lực này của Nga đã khiến giới chuyên gia y tế phải lập tức đưa ra cảnh báo. Họ lo sợ Nga sẽ gặp phải rủi ro khi bỏ qua thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Đây là thử nghiệm giai đoạn cuối và nó cần thiết để xác minh tính an toàn và hiệu quả của vaccine.

Konstantin Chumakov là thành viên của Global Virus Network - liên minh quốc tế tìm hiểu mối đe dọa từ virus. Ông cho biết: nếu không có thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng - thử nghiệm giai đoạn 3, thì “không thể chứng minh được tính hiệu quả về mặt khoa học”.

Ông nói thêm: “Sẽ là một canh bạc nếu sử dụng nó (vaccine) ở cộng đồng trước có đầy đủ kết quả nghiên cứu về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Một trò may rủi trên cò quay (Nga)*, nếu bạn muốn đặt cược".

Tổng thống Nga Putin họp với chính phủ để thống báo về loại vaccine chống COVID-19... (Kremlin.ru/Wikipedia/CC BY 4.0)

Gợi nhớ cái tên mở màn Chiến tranh lạnh

Vaccine Sputnik V của Nga được đặt tên theo vệ tinh đầu tiên được Soviet Nga phóng vào năm 1957. Cái tên này đã khởi đầu cuộc chạy đua công nghệ không gian gần 70 năm trước trên thế giới. Và một lần nữa, chính phủ Putin gợi lại niềm tự hào Nga Sô bằng cách đưa Sputnik V lên vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua vaccine với Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Trung Quốc.

Tổng thống Putin khẳng định: “Tất nhiên, điều quan trọng nhất là chúng tôi có thể đảm bảo tính an toàn vô điều kiện của việc sử dụng vaccine này và hiệu quả của nó trong tương lai. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ được hoàn tất”.

Việc một quốc gia háo hức tuyên bố chiến thắng giữa đại dịch tồi tệ đã bị chỉ trích bởi các nhà khoa học ở các nước khác. Họ lo ngại những mũi tiêm Sputnik V có thể gây hại hoặc mang đến cảm giác sai cho người được tiêm về khả năng miễn dịch của bản thân.

Stephen Morrison là Phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ông cho biết: “Đây là thay đổi nguyên tắc. Đây là đốt cháy giai đoạn. Đây là một bước ngoặt bắt đầu với Putin. Cái ông ta cần là chiến thắng”.

Ông Morrison cho biết thêm: “Đó là hâm nóng lại khoảnh khắc phóng vệ tinh Sputnik. Đó là hồi tưởng lại những ngày vinh quang của khoa học Nga (Sô). Nhưng tôi nghĩ rằng việc này có thể sẽ phản tác dụng”.

Cuộc đua để được đứng ở vị trí dẫn đầu

“Lợi ích của nó lớn hơn những rủi ro”.

Đây là câu biện hộ quen thuộc khi một sản phẩm muốn ra mắt nhưng chưa thể giải đáp những thắc mắc về mức độ an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là lời bao biện này được đưa ra từ một chính phủ đang kích động chủ nghĩa dân tộc. Chính quyền này sẵn sàng bỏ qua các biện pháp lâu đời - những biện pháp có thể đảm bảo sự chắc chắn - để tuyên bố: “Chúng ta đã chiến thắng”.

Đối với Nga, dẫn đầu cuộc đua vaccine là cách khẳng định vị thế chính trị của nhà cầm quyền. Đây là lời khẳng định đối nội về chủ nghĩa dân tộc, sau đó là thị uy với thế giới. Các nhà phân tích cho biết, Nga cũng đang tìm cách tránh phụ thuộc vào các cường quốc phương Tây - những nước không phải là đồng minh.

Tháng trước, các quan chức an ninh của Mỹ, Anh và Canada đã cáo buộc cơ quan tình báo của Nga khi có liên hệ với tin tặc. Những hacker này đã cố gắng đánh cắp thông tin sản xuất vaccine chống COVID-19 từ các nhà nghiên cứu ở những quốc gia này. Các quan chức chính phủ Nga đã lên tiếng phủ nhận nhưng từ chối sự giám sát từ quốc tế.

Cụ thể hơn, ông Kirill Dmitriev là Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga - đơn vị tài trợ cho hoạt động phát triển vaccine - đã bảo vệ “sự đột phá” của vaccine Sputnik V:

“Đối với các quốc gia khác, thật khó để thừa nhận rằng: Làm thế nào mà Nga, một quốc gia luôn bị coi là lạc hậu, độc tài, lại có thể làm được điều này?”.

Dmitriev nhấn mạnh chính phủ đã nhận được đơn đăng ký sơ bộ hơn 1 tỷ liều vaccine đến từ 20 quốc gia, và đang chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine chống COVID-19 mỗi năm tại 5 quốc gia.

Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có đặt hàng vaccine Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, quyết định không hoàn toàn chủ động đưa ra từ Việt Nam. Nó được đưa ra bàn đàm phán sau khi Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ máy móc, sinh phẩm, và tất nhiên bao gồm cả lô vaccine chưa qua giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng.

Sự chủ động này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam, một đất nước thuộc thế giới thứ ba, đang tái bùng phát dịch COVID-19. Động thái của chính phủ Putin có thể làm gia tăng áp lực chính trị lên các chính phủ khác, ép người dân nước họ phải đặt cược vào một loại vaccine chưa được kiểm chứng.

Mark C. Poznansky là Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng và Liệu pháp Miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusett (Hoa Kỳ) cho biết: “Chúng tôi đang thấy sự căng thẳng ở tất cả các quốc gia - giữa nhu cầu chính trị và sự dè chừng của giới làm khoa học. Các chính trị gia thì mong muốn chứng minh cho công chúng rằng họ đang làm điều gì đó hữu ích. Còn giới khoa học thì chỉ thực sự hành động khi vaccine được chứng minh là an toàn và hiệu quả”.

Đốt cháy giai đoạn và những hạn chế

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, Anthony Fauci, đã đưa ra cảnh báo tại phiên họp Quốc hội vào tháng này. Ông nói rằng sẽ có vấn đề xảy ra nếu các quốc gia đưa vaccine ra thị trường trước khi hoàn tất việc thử nghiệm trên diện rộng.

Ông Fauci nói: “Tôi hy vọng rằng Trung Quốc và Nga thực sự đang thử nghiệm vaccine trước khi họ tiêm nó cho bất kỳ đối tượng nào. Bởi vì tuyên bố vaccine đã sẵn sàng để phân phối trước khi tiến hành thử nghiệm, theo tôi, là có vấn đề”.

Trước sự cấp bách của đại dịch, các quốc gia lớn nhỏ trên thế giới đã mạnh dạn mở hầu bao. Họ đã chi hàng tỷ đô cho các công ty để mở rộng quy mô phát triển và sản xuất vaccine. Các nước thậm chí còn đặt hàng rất nhiều lô vaccine trước khi chúng được khẳng định là an toàn và hiệu quả.

Sự cổ vũ tài chính lớn lao này không thể bỏ qua giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm lâm sàng - thử nghiệm trên người với quy mô khổng lồ. Rủi ro tài chính là rất lớn và không chính phủ nào không biết điều này. Nếu vaccine không thành công trong thử nghiệm lâm sàng, chúng sẽ không được sử dụng.

Nga cho biết ứng cử viên vaccine hàng đầu của mình hiện đã qua giai đoạn 2 của thử nghiệm. Giai đoạn này được thiết kế với quy mô nhỏ để đánh giá tác dụng phụ và liều lượng phù hợp. Tuy nhiên, giai đoạn này ở Nga chỉ được thí nghiệm trên 50 thành viên của quân đội chính phủ.

Tự thí nghiệm là một điều hạn chế, vì nó làm sao có thể khẳng định liều đó sẽ phù hợp và không gây ra tác dụng phụ đối với các nhóm tuổi khác, nghề nghiệp khác, màu da khác...? Điều này sẽ tạo thêm nhiều rủi ro cho giai đoạn cuối của thử nghiệm với quy mô đa quốc gia.

Trò đùa chính trị này sẽ kém phần thú vị nếu thiếu đi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tổ chức này liệt kê vaccine ứng cử viên của Nga vẫn đang trong thử nghiệm giai đoạn 1.

Còn từ phía Nga, Ông Dmitriev cho biết vaccine Sputnik V vẫn sẽ tiếp tục thử nghiệm giai đoạn 3. Kế hoạch là sẽ có các cuộc thử nghiệm song song tại Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, có thể là Brazil và Philippines nữa. Tuy nhiên, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga không thể nói liệu vaccine có được thử nghiệm trên người đã bị nhiễm COVID-19 hay là không.

Đối với người dân Nga, vaccine cũng dự định được tiêm cho các nhân viên y tế và giáo viên. Những người này được yêu cầu ghi lại cảm giác của họ. Các quan chức Nga thì vẫn nhiều lần đảm bảo rằng: vaccine này an toàn.

Thiếu minh bạch

Hầu hết những thông tin mà các nhà khoa học nước ngoài tìm hiểu được về vaccine Sputnik V là từ quá khứ. Ví dụ: Nga khẳng định độ chắc chắn của vaccine dựa trên vaccine Ebola mà họ đã phát triển vào năm 2015 và 2018.

Giải đáp thắc mắc của các nhà khoa học, ông Dmitriev thừa nhận rằng: điều đó có thể là bất thường ở những nơi khác, nhưng theo “truyền thống”, Nga luôn giữ bí mật các nỗ lực khoa học của nước mình. Thậm chí kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 của vaccine Sputnik V cũng sẽ được giữ bí mật cho đến hết tháng.

Theo lời ông Dmitriev, cuối tháng Tám sẽ là thời điểm mà kết quả trên sẽ được công bố. Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga cho biết việc chờ đăng ký chính thức đã dẫn đến sự chậm trễ. Ông nhấn mạnh: “Bạn phải suy nghĩ một chút về hệ thống của Nga. Sau khi (vệ tinh) Sputnik phóng được năm ngày, tức là phải đến ngày thứ năm, Nga (Sô) mới xác nhận được rằng vệ tinh này đang bay”.

Quay lại một chút với vaccine Ebola, Tổng thống Putin hồi đầu năm đã khẳng định đây là vaccine “được chứng minh là hiệu quả nhất trên thế giới”. Còn theo đánh giá trên trang web của WHO, vaccine Ebola là “vaccine ứng cử viên”.

Trong đại dịch COVID-19, đối với vaccine ứng cử viên của Nga lần này, ông Dmitriev cho biết niềm tin cá nhân của ông cao đến mức vợ chồng ông và cha mẹ đã trên 70 tuổi của ông sẽ là đối tượng thử nghiệm. Ông cũng cho biết vợ mình vừa báo cáo bị sốt nhẹ vào đêm đầu tiên sau khi thử nghiệm vaccine.

“Không phải một số người Nga điên rồ sử dụng một số thứ điên rồ chưa được chứng minh...” - ông Dmitriev nói. “Adenovirus đã tồn tại với con người hàng nghìn năm, và chúng tôi đã đặt cược vào nền tảng đã được chứng minh này, vì chúng tôi hiểu rằng chỉ có rất ít thời gian để phát triển (vaccine), bên cạnh những thách thức.”

*Cò quay Nga: Trò chơi may rủi đặt cược tính mạng. Nhồi viên đạn chì vào khẩu súng sáu phát (súng lục), sau đó xoay ổ đạn và thử vận may bằng cách chĩa họng súng vào đầu rồi bóp cò. Được ăn cả, ngã về âm.

Thiện Đức
- Tổng hợp từ Washingtonpost, NTD Việt Nam.



BÀI CHỌN LỌC

Vaccine COVID-19: Sputnik V của Nga khơi mào cuộc chiến tranh lạnh về vaccine?