Vaccine COVID-19: Hy vọng Big Pharma 'thay lòng đổi dạ'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lợi nhuận đã thúc đẩy sự phát triển của vaccine COVID-19, chứ không phải lòng vị tha?...

Ngày 9/12, Bộ Y tế Canada đã công bố phê duyệt vaccine COVID-19 của Pfizer. Vaccine này trước đó đã được phê duyệt ở Anh, bên cạnh đó vẫn còn những loại vaccine khác không bị tụt hậu. Điều này khiến nhiều người nhẹ nhõm, hoặc ít nhất là những ai đủ khả năng mua vaccine ở các nước phát triển.

Sự xuất hiện của vaccine dường như cũng đã thúc đẩy sự chấp thuận của công chúng đối với ngành công nghiệp dược phẩm. Theo The Guardian, “điểm tin cậy và yêu thích” của ngành này trên toàn cầu đã tăng hơn 68% vào năm 2020, con số này vào năm 2018 là 65%.

Sự gia tăng này có lẽ là nhờ cam kết chung vào tháng Chín (2020), khi 9 công ty và tập đoàn dược phẩm cho biết rằng họ sẽ "đứng về phía khoa học". Theo đó, họ sẽ không cố gắng để khiến vaccine COVID-19 được chấp thuận - cho đến khi nó được kiểm tra kỹ lưỡng về tính hiệu quả và mức độ an toàn.

Tuyên bố này được coi như sự chống lại TT Trump đến từ các công ty và tập đoàn dược phẩm, khi mà Tổng thống Mỹ đưa ra lời hứa về "điều bất ngờ của tháng 10" với nỗ lực gia tăng cơ hội tái đắc cử.

Sự thay đổi của một công ty dược phẩm?

Vaccine của Oxford/AstraZeneca là một trường hợp điển hình. Công ty này đã hứa không kiếm lợi nhuận từ vaccine trong thời kỳ đại dịch và sẽ bán vaccine với giá 3 đến 4 đô la cho mỗi liều - mức giá chỉ tương đường 1/5 đến 1/10 của các đối thủ hàng đầu khác như Pfizer, Moderna, và Johnson & Johnson.

Đồng thời, khi sự cố an toàn xảy ra vào tháng 9 và các thử nghiệm lâm sàng của AstraZeneca phải tạm dừng, thì công ty này không công bố công khai, mà chỉ chỉ tiết lộ thông tin trong một cuộc gọi với các khách hàng của JP Morgan.

Bên cạnh đó, công ty này cũng thỏa thuận với Liên minh Vaccine Gavi, và xin cấp phép từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ, để cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Theo lời Giám đốc điều hành Pascal Soriot của AstraZeneca: “Chúng tôi muốn phủ sóng trên toàn cầu để mọi người đều có thể tiếp cận với loại vaccine này”.

AstraZeneca cũng đã bảo lưu tuyên bố khi nào đại dịch có thể sẽ kết thúc, sớm nhất có lẽ là vào tháng 7/2021 - theo Financial Times. Vào thời điểm đó, giá vaccine có thể sẽ tăng lên, mặc dù Soriot chưa tiết lộ mức giá sẽ là bao nhiêu.

Quyền Sở hữu trí tuệ

Nam Phi và Ấn Độ đang kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tạm thời miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm liên quan đến các phương pháp điều trị COVID-19. Mục đích là để đảm bảo rằng thuốc và vaccine cũng như các công nghệ cần thiết khác để kiểm soát đại dịch có thể được cung cấp cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dược phẩm đã phản đối đề xuất này.

Theo lập luận của họ, các công ty dược phẩm đã tự nguyện hành động và vì vậy động thái này là không cần thiết. Moderna cho biết sẽ không chống lại các công ty (dược phẩm) khác. Cụ thể hơn, họ sẽ không cấp phép bằng sáng chế liên quan đến vaccine COVID-19 của mình “trong khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn”. Moderna cho biết họ sẵn sàng cấp phép sở hữu trí tuệ của vaccine COVID-19, nhưng là vào thời kỳ sau của đại dịch.

"Chúng tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, và cần phải sử dụng các nguồn lực của mình để khiến đại dịch này kết thúc càng nhanh càng tốt." - theo tuyên bố từ Moderna.

Nhưng theo hai giáo sư Con Ron Labonte - chuyên nghiên cứu về Toàn cầu hóa và Công bằng Y tế của trường Đại học Ottawa (Mỹ) và GS Mira Johri, chuyên gia Y tế công cộng của trường Đại học Montreal (Canada), thì đây chỉ là thỏa thuận một lần với “ánh hào quang của từ thiện nhiều hơn là nghĩa vụ.” - theo bài viết trên The Conversation.

Các công ty khác phản đối quyền miễn cho rằng mọi việc sẽ nhanh hơn nhiều nếu gây áp lực lên các công ty dược phẩm, buộc họ phải chấp thuận cấp phép không độc quyền và chuyển giao công nghệ các sản phẩm của họ. Tuy nhiên, thoả thuận giữa AstraZeneca và Viện Huyết thanh của Ấn Độ chỉ là một thành công hạn chế.

Đối với Pfizer, ngoài một thỏa thuận thiếu minh bạch về chi phí, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào xuất hiện trong việc cấp phép hoặc chuyển giao các công nghệ cần thiết - để sản xuất các sản phẩm ‘đã được cấp bằng sáng chế’. Trước những chỉ trích, Pfizer trả lời rằng “mô hình ‘one-size-fits-all’ (một kích cỡ chung cho tất cả) không quan tâm đến các trường hợp của từng hoàn cảnh, từng sản phẩm và từng quốc gia cụ thể”.

Cho đến nay, chưa có bất kể công ty dược phẩm nào đóng góp vào Hồ sơ Tiếp cận Công nghệ COVID-19 (C-TAP). Đây là một sáng kiến ​​được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ và được 40 quốc gia xác nhận, nhằm khuyến khích việc tự nguyện chia sẻ kiến ​​thức, sở hữu trí tuệ và cả dữ liệu liên quan đến công nghệ y tế COVID-19. Mục đích của C-TAP là đảm bảo rằng, tất cả mọi người trên thế giới được tiếp cận với các sản phẩm sức khỏe với giá cả phải chăng ngay khi họ cần.

Vào tháng 5, khi C-TAP được công bố, CEO Albert Bourla của Pfizer cho biết: “Tại thời điểm này, tôi nghĩ là nó vô nghĩa và... nó cũng nguy hiểm”.

Một nhận xét tương tự cũng được đưa ra bởi CEO Soriot của AstraZeneca, xác nhận rằng sở hữu trí tuệ là “yếu tố cơ bản trong ngành công nghiệp của chúng tôi, và nếu bạn không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thì về cơ bản, sẽ không có động lực đổi mới cho bất cứ ai”.

Lợi nhuận cá nhân - Đối tác công cộng

Cả hai CEO của AstraZeneca và Pfizer đều đã gặt hái được những phần thưởng lớn về tài chính trong thời kỳ đại dịch. Từ tháng 4 đến tháng 8, giá cổ phiếu của AstraZeneca và giá trị các hợp đồng do Soriot sở hữu đã tăng thêm gần 15 triệu USD.

Chỉ một ngày sau khi Pfizer công bố kết quả tạm thời nhưng đầy hứa hẹn về vaccine của mình, Bourla đã bán được hơn 130.000 cổ phiếu Pfizer với tổng trị giá lên tới 5,6 triệu USD. Thế nhưng ai hỗ trợ họ để cung cấp lượng tiền lớn, nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine?

Moderna đã nhận được 955 triệu USD từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Tiên tiến Y sinh và Chiến dịch Thần tốc (Operation Warp Speed) của chính phủ TT Trump. Moderna cũng đã ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD với chính phủ Hoa Kỳ cho 100 triệu liều vaccine của họ nếu nó thành công.

Ngay cả Pfizer, công ty không trực tiếp nhận tiền từ chính phủ Hoa Kỳ, cũng có hợp đồng trị giá 1,95 tỷ USD để sản xuất 100 triệu liều sản phẩm của mình nếu nó có hiệu quả.

Trái ngược với tuyên bố về lòng vị tha trước đó của Moderna, CEO Stephane Bancel nói với các nhà đầu tư rằng: “Moderna giữ toàn quyền trên thế giới để phát triển và thương mại hóa [vaccine] mRNA-1273. Không cần đối tác nào cả, Moderna vẫn sẽ thu được mọi lợi nhuận từ vaccine COVID-19 của chúng ta... Chúng ta sẽ có một vị thế tiền mặt độc nhất vào cuối năm 2021”.

Bất chấp việc chính phủ Hoa Kỳ rót tiền, nhưng chính phủ không có tiếng nói trong chương trình sản xuất vaccine của Moderna.

Chúng ta nên hoan nghênh các công ty dược phẩm đã phát triển nhiều loại vaccine trong thời gian kỷ lục, nhưng đừng ảo tưởng về việc một công ty dược phẩm có thể thay đổi. Sau cùng, lợi nhuận là động lực thúc đẩy họ.

Joel Lexchin là giáo sư danh dự về Quản lý Y tế và Chính sách Y tế tại Đại học York ở Canada, là bác sĩ cấp cứu tại trường Đại học Health Network, đồng thời là phó giáo sư Y học Gia đình và Cộng đồng tại Đại học Toronto.

Đại Hải
- Theo The Conversation.



BÀI CHỌN LỌC

Vaccine COVID-19: Hy vọng Big Pharma 'thay lòng đổi dạ'?