Vắc-xin “Made in China” khiến các nước trên thế giới nghi ngại về độ an toàn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi COVID-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, chính quyền Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực xuất khẩu vắc-xin sang các quốc gia khác, liên tục theo đuổi chính sách “ngoại giao vắc xin”. Tuy nhiên, vắc xin do Trung Quốc sản xuất đã khiến thế giới nghi ngại do thiếu dữ liệu minh bạch về hiệu quả.

Ngày 20/1, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng, ít nhất có 40 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc giới thiệu vắc xin COVID-19 được sản xuất tại Trung Quốc. Bà cũng nói rằng một số nhà lãnh đạo nước ngoài đã tiêm phòng vắc-xin của Trung Quốc, bao gồm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

 

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Nguồn ảnh: ảnh chụp màn hình Youtube/INQUIRER.net)

Tại một cuộc họp báo toàn thể do Quốc vụ viện chủ trì vào ngày 20/10/2020, chính quyền Trung Quốc liên tục quảng cáo về khả năng cung cấp tức thì và giá thành phải chăng của vắc-xin.

Một số quốc gia và khu vực có thu nhập trung bình và dưới mức trung bình cho biết họ sẽ mua vắc-xin của Trung Quốc, do đơn giá thấp hơn vắc-xin sản xuất tại châu Âu và châu Mỹ.

Hầu hết các loại vắc-xin của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Cơ quan quản lý y tế của Brazil gần đây đã phát hiện, loại vắc-xin do công ty dược phẩm nhà nước Trung Quốc Sinovac phát triển có hiệu quả chỉ đạt 50,4%, đủ để vượt qua ngưỡng được phê duyệt [50%] theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hiệu quả 78% mà nhà sản xuất tuyên bố ban đầu.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chỉ trích Trung Quốc về hiệu quả của vắc-xin và đặt câu hỏi về độ tin cậy.

Tổng thống đắc cử của Brazil lúc đó là Jair Bolsonaro có bài phát biểu tại một sự kiện ở Brasilia vào ngày 10/12/2018. (Evaristo Sa / AFP / Getty Images)

Tại Philippines, Risa Hontiveros, một nhà lập pháp phe đối lập đã chỉ trích chính quyền của ông Duterte vì tiếp tục “cưỡng ép công chúng sử dụng vắc-xin của Trung Quốc mặc dù chưa được phê duyệt để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp, cũng như thông số không nhất quán”.

Một báo cáo ngày 10/12/2020 của AFP đã cảnh báo về “cuộc tấn công bằng sự quyến rũ" của Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng chiến dịch quảng bá vắc-xin của Bắc Kinh một phần nhằm xoa dịu sự tức giận và chỉ trích của thế giới về việc xử lý sai lầm của Trung Quốc trong giai đoạn bùng phát ban đầu của đại dịch, cũng như nhằm mục đích củng cố ảnh hưởng của nước này ở châu Á và các châu lục khác.

Tại Singapore, ông Bilahari Kausikan, cựu quan chức Bộ Ngoại giao cho biết: “Hiện tại, tôi sẽ không sử dụng bất kỳ loại vắc-xin nào của Trung Quốc, vì không đủ thông số”, theo báo cáo ngày 25/1 của New York Time.

Vào ngày 15/1, YouGov, một tổ chức phân tích và dữ liệu nghiên cứu có trụ sở tại London đã công bố những phát hiện của mình trong một cuộc khảo sát trên 19.000 người, từ 17 quận, về thái độ của họ đối với vắc xin COVID-19 được sản xuất tại 12 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Úc, Nga, Trung Quốc, Iran, Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ. Những người tham gia khảo sát được hỏi, họ cảm thấy thoải mái như thế nào đối với việc sử dụng vắc-xin ở từng quốc gia nêu trên. Trung Quốc đạt điểm trung bình -19, đứng thứ hai từ dưới lên, trước một nước là Iran (-30 điểm).

Trung Quốc phát hành tiêm phòng vắc-xin trước khi hoàn tất thử nghiệm

Kể từ tháng 7/2020, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu hàng triệu công dân tiêm vắc xin sản xuất trong nước như "liều khẩn cấp", mặc dù trên thực tế lúc đó, các công ty dược phẩm vẫn chưa hoàn tất thử nghiệm. Cho đến nay, chỉ có một loại vắc-xin do Sinopharm phát triển đã được các cơ quan quản lý Trung Quốc phê duyệt.

Trong một báo cáo của BBC tiếng Trung vào tháng 10/2020, giáo sư hóa sinh Jin Dong-Yan tại trường y của Đại học Hong Kong nói rằng, ông lo lắng về sự an toàn của các loại vắc xin chưa được xác nhận của Trung Quốc.

Ông Jin cho rằng, Trung Quốc đã không đáp ứng các yêu cầu về đạo đức y tế và cũng nói rằng, Trung Quốc đã sử dụng sai định nghĩa “liều khẩn cấp”.

Ông cũng lưu ý: “Trung Quốc đang lật ngược hệ thống rà soát của chính họ đối với thuốc và vắc xin; họ đang hủy hoại ngành dược phẩm và vắc-xin của mình, như Liên Xô cũ đã làm, hay chính Trung Quốc đã làm trước khi cải cách kinh tế [vào cuối những năm 1970]”.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia cảnh báo, những người khỏe mạnh có thể gặp rủi ro khi tiêm vắc-xin chưa hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, và nhấn mạnh rằng họ vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 và bệnh trạng có thể còn phát triển nghiêm trọng hơn.

Vì họ còn tương đối trẻ và khỏe mạnh, nếu không tiêm phòng, họ có thể chỉ phát triển các triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng khi bị nhiễm bệnh.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Vắc-xin “Made in China” khiến các nước trên thế giới nghi ngại về độ an toàn