Tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao gấp 10 lần ở những quốc gia có nhiều người thừa cân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Liên đoàn Bệnh béo phì Thế giới, các quốc gia có hơn 50% người trưởng thành bị thừa cân ghi nhận tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn các quốc gia khác. Béo phì được coi là một yếu tố nguy cơ dẫn đến việc bệnh nhân phải nhập viện và tử vong, trong khi thừa cân dẫn đến việc phải dùng máy trợ thở.

Một báo cáo mới của Liên đoàn Bệnh béo phì Thế giới cho thấy, 88% số ca tử vong trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19 xảy ra ở các quốc gia nơi có hơn một nửa dân số được phân loại là thừa cân - được định nghĩa là có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25. Đáng chú ý, giá trị BMI trên 30 (được coi là béo phì) có liên quan đến ca bệnh “đặc biệt nghiêm trọng', theo Washington Post.

Trong khi đó, những quốc gia có tỷ lệ dưới 50% dân số bị coi là thừa cân thì nguy cơ tử vong vì COVID-19 chỉ bằng khoảng 1/10 so với các nước có tỷ lệ người trưởng thành thừa cân cao hơn. Chỉ số BMI cao hơn cũng làm gia tăng nguy cơ nhập viện, phải vào phòng ICU (phòng chăm sóc đặc biệt) hoặc phải sử dụng máy trợ thở.

Anh, Ý và Mỹ được coi là những quốc gia “thừa cân” đã chứng kiến ​​hơn 517.000 ca trên tổng số 2,5 triệu ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới.

Ở Anh, bệnh nhân COVID-19 thừa cân có nguy cơ cần chăm sóc đặc biệt cao hơn 67%, trong khi bệnh nhân béo phì có nguy cơ cao hơn gấp 3 lần so với bệnh nhân có cân nặng bình thường.

Mỹ là một trong những quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới, tăng từ 30,5% lên 42,4% dân số trong vòng 18 năm qua. Mỹ cũng có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ 9 trên thế giới với 158,43 ca tử vong trên 100.000 người, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.

Ngày 8/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã công bố một nghiên cứu kết luận rằng, cả những người nhẹ cân và béo phì đều có tỷ lệ nhập viện và tử vong cao hơn so với những người có cân nặng bình thường.

Nghiên cứu này bao gồm 148.494 người Mỹ trưởng thành được chẩn đoán nhiễm COVID-19 tại 238 bệnh viện từ tháng 3 đến tháng 12/2020. 50,8% những người trưởng thành này bị béo phì và 28,3% khác bị thừa cân, tổng cộng là 79,1% trên tổng số. 1,8% khác thì bị nhẹ cân.

Trong số 148.494 người lớn thì 71.491 người (tương đương 48,1%) được yêu cầu nhập viện. Trong số 71.491 người đó, 48,8% cần điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), 13,3% yêu cầu “thở máy xâm nhập” và 11,7% tử vong. CDC coi béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến việc bệnh nhân phải nhập viện và tử vong, trong khi thừa cân (có chỉ số BMI từ 25-29,9 kg/m2) hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến phải dùng máy trợ thở.

Nghiên cứu của CDC cũng phát hiện ra rằng những bệnh nhân COVID-19 nhẹ cân (BMI dưới 18,5 kg/m2) cũng có nguy cơ nhập viện cao hơn 20% so với những người có cân nặng bình thường. Những người nhẹ cân dưới 65 tuổi có nguy cơ nhập viện vì COVID-19 cao hơn 41% so với những người có cân nặng khỏe mạnh, trong khi những người nhẹ cân trên 65 tuổi có nguy cơ cao hơn 7%.

Mặc dù nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế, nhưng CDC kết luận rằng có một mối tương quan mật thiết giữa chỉ số BMI cao hơn và những diễn biến nghiêm trọng của COVID-19.

Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao gấp 10 lần ở những quốc gia có nhiều người thừa cân