Trung y và 4 món thảo dược nhuận phổi trừ ho trong mùa thu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau tiết lập thu, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch là rất lớn, tiết trời dần trở nên hanh khô, độ ẩm không khí thấp. Đông tới, những bệnh như viêm phổi, ho khan càng dễ xuất hiện và biến chuyển trầm trọng, đặc biệt là ở người cao tuổi... (Shutterstock)

Những cơn ho không dứt, kèm theo đờm, trong đờm có những sợi máu tươi khiến miệng khô họng ngứa, khàn giọng, lưỡi khô và đỏ. Vậy mùa đông nên ăn uống như thế nào để dưỡng phổi?

Thực phẩm dưỡng phổi mùa thu

Theo Trung Y, phổi là "kiều tạng, hỷ nhuận mà ác táo" - là bộ phận nhạy cảm, không thích hợp với thời tiết khô hanh. Do đó, ăn uống vào mùa thu nên lấy nguyên tắc “tư âm nhuận táo” làm chủ. Trong cuộc sống hàng ngày nên sử dụng nhiều các thực phẩm “ích phế sinh tân" như: ngân nhĩ, lê, bách hợp, ngó sen, củ ấu, vừng, mật ong, hồng...

Trong các loại thực phẩm kể trên thì ngân nhĩ, lê, bách hợp, ngó sen, củ ấu đều là những thực phẩm có sắc trắng, mà màu này lại tương ứng với phổi, do đó khi dùng chúng sẽ có tác dụng nhuận phổi.

Những thực phẩm này mặc dù quanh năm đều có thể tìm thấy, tuy nhiên sử dụng chúng trong thời tiết khô hanh là tốt nhất cho cơ thể.

Vừng, mật ong, và hồng cũng có tác dụng nhuận phổi. Dù bị ho dai dẳng kéo dài, uống mật ong thường cho hiệu quả rất tốt. Ngoài ra, ba loại thực phẩm này còn giúp nhuận tràng, cải thiện chứng táo bón vào tiết thu đông. Đại tràng và phổi có mối tương quan nội-ngoại, vì vậy nếu đường ruột thông suốt thì phổi cũng khỏe mạnh.

Đồng thời buổi sáng có thể ăn chút cháo. Vì sự chênh lệch nhiệt độ giữa sáng và trưa lớn, dạ dày dễ co thắt lại và thường xuất hiện triệu chứng đau dạ dày; ăn cháo không chỉ nhuận phổi, mà có có thể dưỡng dạ dày, cải thiện cơn đau dạ dày.

Ngoài ra, còn có thể ăn nhiều các loại rau xanh, và các chế phẩm từ sữa.

4 món ăn thảo dược có tác dụng dưỡng phổi vào mùa thu

Dưới đây là 4 món ăn thảo dược giúp bổ phổi, đồng thời có tác dụng trị liệu khá tốt đối với các bệnh như ho khan, viêm phế quản cấp và mãn tính, hay kể cả cảm cúm:

Hạnh nhân hấp lê

Nguyên liệu: Lê (1 quả), Hạnh nhân ngọt (15 gram), Đường phèn (20 gram)

Chế biến: Hạnh nhân bóc vỏ đập nhỏ, lê rửa sạch và gọt vỏ. Sau đó, cho hỗn hợp nguyên liệu vào bát cùng đường phèn, thêm lượng nước thích hợp, đặt vào nồi hấp cách thuỷ trong khoảng 1 tiếng là có thể dùng.

Hạnh nhân hấp lê - bổ phổi, đồng thời có tác dụng trị liệu khá tốt đối với các bệnh như ho khan, viêm phế quản cấp và mãn tính (Shutterstock)

Liều dùng: Cách nhau từ 3 đến 5 ngày, mỗi ngày 2 lần - sáng và tối.

Xuyên bối mẫu hấp lê

Nguyên liệu: Lê (1 quả), Xuyên bối mẫu (6 gram), Đường phèn (20 gram)

Chế biến: Lê rửa sạch, bổ theo chiều dọc, bỏ hạt rồi thêm vào xuyên bối mẫu. Sau đó, chia hỗn hợp lê và xuyên bối mẫu thành hai phần, dùng tăm cố định lại. Sau khi đặt vào bát rồi cho thêm đường phèn và lượng nước phù hợp, hấp cách thuỷ 30 phút là có thể dùng.

Liều dùng: Cách nhau từ 3 đến 5 ngày, ăn lê và uống nước mỗi ngày 1 lần.

Cháo hạnh nhân bách hợp

Nguyên liệu: Bách hợp tươi (50 gram) hoặc bách hợp khô (30 gram), Hạnh nhân (10 gram), Gạo nếp (50 gram), Mật ong

Chế biến: Hạnh nhân bỏ vỏ đập nhỏ. Cho gạo nếp, bách hợp, hạnh nhân vào nồi nấu cho đến khi cháo chín nhừ rồi thêm lượng mật ong vừa phải là dùng được.

Liều dùng: Cả 3 bữa trong ngày, ăn nóng.

Sa sâm bách hợp nhuận phổi nhuận tràng

Nguyên liệu: Bắc sa sâm (15 gram), Bách hợp (30 gram), Sung (5 quả), Thịt lợn nạc (18 gram), Trần bì (1 lát)

Chế biến: Đầu tiên, đem tất cả các nguyên liệu rửa sạch, sung cắt làm đôi, rồi cho nguyên liệu đã được rửa vào nồi nước sôi. Sau đó, mở lửa nhỏ hầm 1 tiếng, nêm chút muối vừa phải là có thể dùng.

Liều dùng: Có thể ăn sáng hoặc tối, cũng có thể dùng thay thế cho bữa phụ. Phù hợp cho cả gia đình sử dụng.

Những món ăn này có công dụng tư dương nhuận táo, thanh âm, thông tiện. Chủ trị chứng mất ngủ dẫn đến âm hư hoả vượng, cổ họng khô rát, khàn giọng.

Quỳnh Thu (biên dịch)
- Theo The Epochtimes.



BÀI CHỌN LỌC

Trung y và 4 món thảo dược nhuận phổi trừ ho trong mùa thu