Trung Y: "Dinh dưỡng" là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dinh dưỡng là gì? Ý nghĩa của từ ‘dinh dưỡng’ theo người Trung Quốc cổ xưa có hoàn toàn giống với cách hiểu của y học hiện đại?...

Theo như người Trung Quốc xưa thì từ ‘dinh dưỡng’ 营养 là một động từ chứ không phải danh từ. Nó là từ để mô tả quá trình thuốc hay thức ăn thực hiện vai trò nuôi dưỡng hay bồi bổ khí huyết.

Ngược lại, y học hiện đại sử dụng từ ‘dinh dưỡng’ như một danh từ, theo đó ‘dinh dưỡng’ bao gồm protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất... và điều này đã sinh ra một quan niệm hiện đại rằng: tất cả những chất như protein, chất béo... đều là chất dinh dưỡng, và con người tiêu thụ chúng càng nhiều thì càng tốt.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu hiện đại cũng đã chỉ ra rằng ăn quá nhiều đường gây ra bệnh béo phì, cholesterol máu cao, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ và các bệnh khác. Việc tiêu thụ quá nhiều protein có thể dẫn đến bệnh gan, bệnh thận và loãng xương; tương tự, ăn quá nhiều chất béo có thể gây bệnh béo phì, xơ vữa động mạch, ung thư đại trực tràng và ung thư vú.

Khác với các khái niệm hiện đại, y học cổ truyền Trung Hoa không xem ‘dinh dưỡng’ là một danh từ. Thay vào đó, Trung Y khuyến khích ‘dưỡng’ để đạt đến một nền tảng trung gian (中), cũng như đạt được sự hài hòa và cân bằng. ‘Dinh dưỡng’ cũng bao gồm việc bổ sung những gì cơ thể đang thiếu. Như vậy nếu một loại thực phẩm hoặc một loại thuốc nào đó được chỉ định để bổ sung cho cơ thể, thì đó được gọi là dinh dưỡng. Còn ngược lại, nếu như một loại thuốc hay thực phẩm không phù hợp với nhu cầu cần thiết của cơ thể, thì đó không được coi là dinh dưỡng và thậm chí có thể bị coi là chất độc.

Khi một bác sĩ Trung Y điều trị cho bệnh nhân, họ thường xác định mục tiêu là tìm ra căn nguyên gây bệnh để có thể đạt được điều trị hiệu quả. Nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật có thể được phân chia thành:

    1. Nguyên nhân bên ngoài (ngoại nhân):
      Hoàn cảnh thiên nhiên tác động vào con người (khí hậu, địa lý..). Có 6 thứ khí (lục khí) khi gây bệnh cho người gọi là lục dâm hay lục tà, bao gồm: Phong (gió), Hàn (lạnh), Thử (nắng), Thấp (độ ẩm), Táo (độ khô), Hỏa (nhiệt).
    1. Nguyên nhân bên trong (nội nhân):
      Hoàn cảnh xã hội gây ra những rối loạn về tâm lý xã hội do 7 thứ tình chí khác nhau gọi là thất tình bao gồm: hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh (vui, giận, buồn, lo, đau thương, kinh, sợ)
    1. Bất nội ngoại nhân
      Bao gồm các nguyên nhân gây bệnh khác như đàm ẩm, ứ huyết, ăn uống, sang chấn, lao động, tình dục…

TS Hồ Nãi Văn là một bác sĩ Trung Y với hơn 30 năm kinh nghiệm lâm sàng trong lĩnh vực y học cổ truyền Trung Hoa. Hiện ông đang làm việc tại tiệm thuốc Thượng Hải Đồng Đức ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan.

Ông là bác sĩ Trung Quốc đầu tiên và là người thứ năm trên thế giới chữa khỏi bệnh u hắc tố vùng hàm mặt cho bệnh nhân. TS Hồ cũng đã sử dụng các phương pháp truyền thống của Trung Quốc để giúp bệnh nhân đang xuất huyết não phục hồi trong vòng vài phút.

Hiện tại, TS Hồ đang là người điều hành một chuyên mục sức khỏe trên Đài truyền hình Tân Đường Nhân - đài truyền hình tiếng Trung lớn nhất toàn cầu. Ông còn có một chuyên mục và đường dây nóng đặc biệt trên kênh Phát thanh Uy vọng (Sound of Hope). TS Hồ cũng đã đi khắp thế giới để giới thiệu y học Trung Hoa tới đông đảo công chúng quan tâm.

Lời bình: Người xưa chú trọng dưỡng hơn là trị. Duy trì một cuộc sống hài hòa, lành mạnh, cân bằng chính là đang nuôi dưỡng cả thân lẫn tâm. Triết lý của Đạo gia giảng: “Lấy động dưỡng thân, lấy tĩnh dưỡng thần”. Một vị thầy thuốc Trung Y 112 tuổi cũng đã từng gửi gắm đến chúng ta lời nhắn nhủ rằng: “Cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh là dưỡng tâm”. Danh y Hải Thượng Lãn Ông của Việt Nam đã nói: “Nội thương bệnh chứng phát sinh, thường do xúc động thất tình gây nên”.

Như vậy, 'dinh dưỡng' theo Trung Y là một khái niệm hoàn toàn khác so với y học hiện đại. Dưỡng ở đây, chính là giữ cho cơ thể đạt được trạng thái cân bằng. Không chỉ là thêm chất vào cơ thể như y học hiện đại mà còn biết lúc nào nên ăn và ăn cái gì, biết điều tiết cảm xúc, sinh hoạt thuận với tự nhiên thì sẽ giữ gìn được một thân thể khỏe mạnh.

Thiên Hoa
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Trung Y: "Dinh dưỡng" là gì?