Trung Quốc thực hiện ca ghép phổi đầu tiên trên bệnh nhân COVID-19, tăng thêm mối lo ngại nguồn gốc của phổi hiến tặng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, gần đây các bác sĩ phẫu thuật hàng đầu của nước này đã thực hiện 2 ca ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia trên thế giới đang đặt nghi vấn về hiệu quả của việc cấy ghép cũng như nguồn nội tạng được cho là ‘hiến tặng’ này.

Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ, một bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc gần đây đã tiến hành phẫu thuật ghép phổi cho một bệnh nhân bị nhiễm Coronavirus (COVID-19).

Các báo cáo phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết cặp phổi này được quyên góp tự nguyện từ một người đã chết.

Các chuyên gia về Đạo đức và Virus học đặt câu hỏi liệu việc điều trị này có hiệu quả hay không, và dấy lên lo ngại rằng ca phẫu thuật có thể liên quan đến việc mổ cướp nội tạng.

Trong một phán quyết vào tháng 6/2019, phiên tòa độc lập ở London đã kết luận một cách nhất trí “không chút hoài nghi rằng nhân lương tâm tại Trung Quốc đã và đang tiếp tục bị giết để lấy nội tạng “trên một quy mô đáng kể”.

Cấy ghép phổi để điều trị COVID-19?

Nhật báo Bắc Kinh của chính quyền Bắc Kinh đưa tin vào ngày 1/3 rằng chuyên gia ghép phổi hàng đầu Trung Quốc Chen Jingyu (Trần Tĩnh Du) mất 5 giờ để hoàn thành ca phẫu thuật ghép phổi đầu tiên cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thành phố Vô Tích, nằm ở phía đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Ông Chen hiện là Phó Giám đốc kiêm Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Lồng ngực Bệnh viện Nhân dân Vô Tích trực thuộc Đại Học Y Nam Kinh.

Bệnh nhân là một người đàn ông 59 tuổi, bắt đầu biểu hiện các triệu chứng vào ngày 23/1. Ông này được chẩn đoán mắc COVID-19 vào ngày 27/1. Vài ngày sau đó, ngày 7/2, ông đã được đặt ống vào đường thở .

Tình hình của bệnh nhân trên tiếp tục xấu đi. Vào ngày 22/2, ông bắt đầu được điều trị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Phương pháp ECMO liên quan đến việc sử dụng các thiết bị bên ngoài cơ thể con người để thay thế chức năng của phổi. Phương pháp này sử dụng một máy bơm để lưu thông máu qua phổi nhân tạo và đưa vào cơ thể bệnh nhân.

Vào ngày 24/2, bệnh nhân trên được chuyển đến Bệnh viện Truyền nhiễm Vô Tích.

Nhật báo Bắc Kinh đưa tin: “Sau khi [bệnh nhân được] điều trị [ECMO], bộ xét nghiệm chẩn đoán Coronavirus liên tục cho kết quả trở lại âm tính. Nhưng phổi của bệnh nhân đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể chữa lành được”.

Liên quan đến nguồn gốc của nội tạng để cấy ghép, tờ báo cho biết: “Phổi được hiến tặng từ một bệnh nhân chết não.... Nó được chuyển đến Vô Tích từ một tỉnh khác thông qua một chuyến tàu cao tốc kéo dài 7 giờ”.

Ông Chen Jingyu nói với phóng viên Nhật báo Bắc Kinh: “Ca phẫu thuật rất nguy hiểm. Nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ và thực hiện phẫu thuật trong phòng phẫu thuật áp suất không khí âm”.

Bản thân ông Chen không thể xác nhận rằng bệnh nhân này hoàn toàn không có Coronavirus trong người.

Vào ngày 1/3, ông Chen đã nói với một cơ quan truyền thông nhà nước khác là The Paper rằng: “Kết quả âm tính của xét nghiệm axit nucleic không có nghĩa là không có Coronavirus trong phổi. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt khi chúng tôi thực hiện phẫu thuật”.

Chen cho biết ông sẽ đề xuất với chính quyền trung ương thành lập một nhóm để thực hiện các ca phẫu thuật ghép phổi cho “những bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong tình trạng nguy kịch, và ở độ tuổi tương đối trẻ, chẳng hạn như những bệnh nhân 20, 30, 40 và 50 tuổi”.

Vào ngày 2/3, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã báo cáo rằng ca phẫu thuật ghép phổi thứ hai cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã được thực hiện vào ngày 1/3. Bệnh nhân này đang được điều trị tại Bệnh viện Liên kết Số 1 của Đại học Y khoa thuộc Đại học Chiết Giang.

Theo báo cáo trên, bệnh nhân là một phụ nữ 66 tuổi, được chẩn đoán mắc COVID-19 vào ngày 31/1 và đã được điều trị tại bệnh viện kể từ ngày 2/2. Bệnh nhân này cũng trải qua điều trị ECMO, nhưng cả hai phổi của bà đều đã bị hỏng vào ngày 1/3.

Báo cáo cũng cho biết, phổi cấy ghép cho bệnh nhân này đến từ tỉnh Hồ Nam và được vận chuyển bằng máy bay. Người hiến tặng là một bệnh nhân chết não.

Ông Han Weili, giám đốc khoa ghép phổi của bệnh viện, đã thực hiện ca phẫu thuật.

Báo cáo trên các phương tiện truyền thông đã không thông tin chi tiết về tình hình hiện tại của hai bệnh nhân vừa được cấy ghép.

Những câu hỏi về hiệu quả của việc ghép phổi

Ông Chen Jingyu nói rằng việc phẫu thuật cấy ghép có thể là một giải pháp cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 có phổi bị tổn thương nghiêm trọng và xét nghiệm cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Sean Lin, cựu nhà nghiên cứu về Virus học của Quân đội Hoa Kỳ, cho rằng một ca cấy ghép không có khả năng điều trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 như vậy, bởi vì tình trạng bệnh nặng của họ cho thấy virus vẫn còn trong người họ.

“Việc thực hiện [các phẫu thuật cấy ghép] này là hoàn toàn hồ đồ”, ông Lin nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Ông Lin nói tiếp: “Từ sự tiến triển do các phương pháp điều trị mà bệnh nhân [ghép phổi đầu tiên] đã nhận được, rõ ràng là phổi, đường hô hấp và cơ thể của ông ấy chứa đầy Coronavirus”. Ông Lin cũng lưu ý rằng bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện truyền nhiễm sau khi tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn, tức là ông này đã bị nhiễm virus nghiêm trọng.

Ông Lin nói rằng không có khả năng một cặp phổi mới có thể làm giảm bớt bệnh của bệnh nhân, vì cơ quan mới vẫn có thể bị nhiễm bệnh.

Do bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân có khả năng đang nằm trên “bờ vực của sự sụp đổ”, ông Lin cho biết. Ngoài ra, với phẫu thuật cấy ghép, cơ thể cũng đang phải vật lộn chống lại sự từ chối của cơ quan mới.

Ca phẫu thuật này cũng mang lại rủi ro nhiễm trùng cao cho các nhân viên y tế thực hiện ca phẫu thuật, bằng chứng là lời giải thích của ông Chen về các biện pháp phòng ngừa mà họ đã thực hiện.

Cuối cùng, các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc cũng nghi ngờ về hiệu quả của các bộ dụng cụ chẩn đoán, họ cho biết một số bệnh nhân nhiễm virus mà vẫn nhận được kết quả xét nghiệm âm tính.

Những nghi ngờ về nguồn gốc của các nội tạng và tội ác bị che đậy

Mặc dù các phương tiện truyền thông Trung Quốc báo cáo rằng phổi của cả hai ca phẫu thuật cấy ghép đều đến từ những người hiến tặng, nhưng các chuyên gia điều tra về các hoạt động thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra cảnh báo đối với nguồn gốc của những nội tạng này.

Theo ông Ann Corson, người phát ngôn của các bác sĩ chống lại việc thu hoạch cưỡng bức nội tạng, một nhóm vận động có trụ sở tại Washington đã công bố các báo cáo về chủ đề này: “Các nhà điều tra đã nhận thấy rằng rất có thể phần lớn các cơ quan nội tạng được sử dụng để cấy ghép ở Trung Quốc đã bị thu hoạch cưỡng bức từ các cá nhân không tự nguyện. Do đó, thật hợp lý khi giả định rằng phổi cũng như vậy”.

Trong hơn một thập kỷ, các nhà điều tra đã thu thập bằng chứng thấy rằng ĐCSTQ đang giết chết các tù nhân lương tâm, hầu hết là những học viên của môn tu luyện bị đàn áp - Pháp Luân Công, để lấy nội tạng của họ và bán chúng trên thị trường cấy ghép.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm và thân theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, kết hợp với việc luyện tập 5 bài công pháp.. ĐCSTQ đã đàn áp mạnh mẽ việc thực hành môn tu luyện này kể từ năm 1999. Những người tập luyện môn này phải chịu sự giam cầm tùy tiện, lao động cưỡng bức và tra tấn. Hàng ngàn người đã chết trong tù, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

Một báo cáo năm 2016 của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC) cho thấy, ĐCSTQ đang thực hiện khoảng 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép mỗi năm, vượt xa tuyên bố chính thức 10.000 đến 20.000 mỗi năm từ hệ thống hiến tạng công khai mới được thành lập. Kết luận này dựa trên phân tích hồ sơ công khai từ 712 bệnh viện Trung Quốc, bao gồm số giường, tỷ lệ sử dụng giường, nhân viên phẫu thuật, chương trình đào tạo và tài trợ của nhà nước.

David Kilgour, cựu ngoại trưởng Canada tại châu Á-Thái Bình Dương và là đồng tác giả của báo cáo ETAC, nói với The Epoch Times rằng ông sẽ rất ngạc nhiên khi những người hiến tạng cho hai ca cấy ghép này là những người hiến tặng thực sự.

Ông nói thêm rằng các nhà quan sát độc lập nên đi vào Trung Quốc để xem xét chính xác những gì đã xảy ra trong các ca cấy ghép gần đây.

Ethan Gutmann, một chuyên gia về Trung Quốc và đồng tác giả của báo cáo ETAC, cho rằng việc truyền thông nhà nước đưa tin về việc cấy ghép phổi này giống như một cuộc tập dượt về quan hệ công chúng.

“Những ca cấy ghép phổi được thực hiện trong thời gian [ngắn] kỷ lục cho thấy rằng họ đang mở kinh doanh [về lĩnh vực này]”, ông Gutmann nói, lưu ý rằng ngành công nghiệp cấy ghép sinh lợi của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.

“Tôi sẽ đọc các báo cáo [của truyền thông nhà nước Trung Quốc] như một dạng quảng cáo”, ông Gutmann nói thêm.

Văn Thiện
The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thực hiện ca ghép phổi đầu tiên trên bệnh nhân COVID-19, tăng thêm mối lo ngại nguồn gốc của phổi hiến tặng