Trà lá dâu tằm và những tác dụng không phải ai ai cũng biết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trà Tang diệp là thức uống rất tốt cho sức khỏe, cây dâu tằm cũng không xa lạ với nhiều người, nhưng tác dụng chữa bệnh tự nhiên của nó thì lại thường xuyên bị lãng quên.

Lá dâu tằm trong Đông Y gọi là Tang diệp. Trong Bản thảo cương mục, danh y Lý Thời Trân thời nhà Minh gọi Tang diệp là “Thần tiên thảo”, thậm chí còn ví lá dâu tằm với nhân sâm: “Nhân sâm nhiệt bổ, Tang diệp thanh bổ” - ý nói công dụng làm mát của Tang diệp có thể sánh với khả năng bổ nhiệt của nhân sâm.

Theo ghi chép của Uông Côn thời nhà Thanh trong Bản thảo bị yếu, Tang diệp có vị ngọt, tính lạnh, quy kinh Vị, Đại trường, có tác dụng lương huyết, táo thấp, trừ phong, giúp sáng mắt, nghiền nhỏ để uống thì chữa được ra mồ hôi trộm, uống thay trà để trị chứng tiêu khát (chứng uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều..., thường tương ứng với bệnh Tiểu đường ngày nay).

Trà lá dâu tằm là một thức uống đơn giản và có nhiều lợi ích cho sức khỏe mà giá thành lại thấp. Bài viết dưới đây xin giới thiệu một số tác dụng chữa bệnh của trà làm từ lá cây dâu tằm.

1. Hạ đường huyết

Lá dâu tằm chứa có khả năng ức chế sự gia tăng của đường huyết, từ đó có thể được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường. Alkaloid trong lá cây dâu tằm là chất tạo nên khả năng này, nó là một thành chất đặc biệt không có ở động vật và thực vật nào khác.

Chức năng cụ thể của alkaloid là ức chế sự phân hủy của đường sucrose, maltose, α-glucoseα-amylase. Nó có thể kích thích bài tiết insulin và đồng thời giảm tốc độ phân hủy insulin, vì vậy rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Dâu tằm khi chín nằm trên lá cây dâu tằm... (Wikipedia/Andre Abrahami/CC BY-SA 2.5)
2. Hạ mỡ máu, giảm độ nhớt của máu

Rối loạn chuyển hóa lipid có thể làm tăng độ nhớt máu, dòng chảy của máu trong các mao mạch khi đó sẽ bị cản trở. Các mao mạch có khi chỉ nhỏ bằng 1/100 sợi tóc của chúng ta nên rất dễ bị tắc nghẽn, và khi bị tắc nghẽn, đột quỵ tim và não sẽ có thể xảy ra.

Lá dâu tằm có chứa flavonoid có tác dụng làm giảm độ nhớt máu và tăng cường mao mạch. Nó thậm chí còn cải thiện tình trạng tăng lipid máu nên có tác dụng giảm béo, đồng thời ngăn ngừa đột quỵ.

3. Giảm béo

Nếu kể chi tiết về tác dụng giảm béo của trà dâu tằm, thì nó liên quan đến công dụng giảm phù thũng và khả năng sạch máu. Trà lá dâu tằm có thể giúp giảm phù thũng là do có tác dụng "lợi thủy".

Tác dụng lợi thủy này khác với lợi tiểu. Lợi thủy không chỉ thúc đẩy quá trình đi tiểu dễ dàng hơn mà còn đào thải lượng nước dư thừa tích tụ trong tế bào ra ngoài cơ thể. Vì vậy, trà dâu tằm có thể cải thiện tình trạng phù nề.

Còn tác dụng làm sạch máu chính là loại bỏ chất béo trung tính dư thừa và cholesterol trong máu. Sự gia tăng quá mức chất béo trung tính (triglyceride) hoặc cholesterol trong máu chính là chứng rối loạn chuyển hóa lipid. Lá dâu tằm có thể cải thiện tình trạng mỡ máu này, từ đó giúp giảm béo.

4. Làm đẹp da và chữa tàn nhang

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: lá dâu tằm còn có tác dụng làm đẹp da rất tốt, đặc biệt là trị tàn nhang trên da mặt.

Ngoài flavonoid, lá dâu tằm rất giàu phenol, axit amin, axit hữu cơ, caroten, vitamin và nhiều loại nguyên tố vi lượng cần thiết khác cho cơ thể. Nó có tác dụng tích cực trong việc cải thiện và điều hòa quá trình trao đổi chất của các mô da, đặc biệt là có thể ức chế sự xuất hiện và phát triển của sắc tố da. Ngoài ra, uống trà Tang diệp thường xuyên cũng có thể làm giảm sự tích tụ lipofuscin (tức là các đốm đồi mồi) trong da hoặc các cơ quan nội tạng.

Lá cây dâu tằm khi quả còn non... (Wikipedia/CC BY-SA 2.1)
Lá cây dâu tằm khi quả còn non... (Wikipedia/CC BY-SA 2.1)
5. Chống lão hóa

Lá dâu tằm có tác dụng chống lão hóa tương tự như nhân sâm, đồng thời có thể giúp ổn định chức năng hệ thần kinh. Lá dâu có thể làm giảm cảm xúc kích thích do thay đổi tâm sinh lý gây ra, làm tăng hoạt tính của superoxide effutase - là một enzyme giúp phân hủy các phân tử oxy có thể gây hại trong tế bào, có thể ngăn ngừa tổn thương mô trong cơ thể, ngăn chặn việc sản sinh các chất độc hại trong cơ thể, giảm hoặc loại bỏ lipofuscin đã được sản xuất và tích lũy trong cơ thể.

Trước đây, lá dâu tằm thường được rang, sấy khô... ở nhiệt độ cao, tuy nhiên những cách này rất dễ làm mất tác dụng hạ đường huyết. Để cải thiện vấn đề này, các nhà nghiên cứu hiện đại đã thử nghiệm phương pháp chế biến lá dâu tằm “đông khô” ở nhiệt độ thấp, phương pháp này vẫn giữ được các thành phần trong lá dâu ở mức độ cao nhất và có tác dụng hạ đường huyết rõ ràng sau khi uống.

Nếu không có đủ điều kiện chế biến bằng phương pháp hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể phơi lá dâu tằm trong bóng râm, tránh nhiệt độ quá cao, tránh ánh nắng trực tiếp, gọi là phơi âm can. Cách làm này sẽ giữ lại được tương đối các thành phần của Tang diệp và công dụng của nó.

Lưu ý: Các thành phần của cây dâu tằm có thể khiến mất sữa ở bà mẹ đang cho con bú, vì vậy những người này không nên sử dụng các vị thuốc từ cây dâu tằm nói chung và trà Tang diệp nói riêng.

Nhạc Phong



BÀI CHỌN LỌC

Trà lá dâu tằm và những tác dụng không phải ai ai cũng biết