“Tôi không thể vượt qua nỗi đau này” - Người Hồng Kông vật lộn với vết sẹo tâm lý từ cuộc biểu tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

HỒNG KÔNG—Zack Ho mơ đi mơ lại cơn ác mộng về hình ảnh người đàn ông tự gieo mình khỏi tòa nhà cao tầng.

Trong những lần khác, cậu mơ thấy bị cảnh sát Hồng Kông truy đuổi. Hầu như đêm nào cậu cũng trằn trọc và mất ngủ.

Ho năm nay 18 tuổi, cậu đang học năm cuối phổ thông. Cậu giống như bao học sinh cấp ba khác cho đến giữa năm 2019 - khi chính quyền Hồng Kông đề xuất dự luật dẫn độ gây tranh cãi và khiến các cuộc biểu tình nổ ra trên diện rộng. Ho tham gia một nhóm liên quan và bắt đầu trở thành một nhà hoạt động - trong thời điểm đang ôn thi cuối kỳ và tập luyện để đại diện cho trường tham gia một cuộc thi đấu bóng rổ.

Nhưng sau nửa năm tham gia biểu tình, chứng kiến cảnh sát xịt hơi cay, ​​các vụ bắt giữ đẫm máu nơi tiền tuyến; cùng với việc chính phủ tạm hoãn dự luật, nhưng từ chối các đề xuất ủng hộ dân chủ của người biểu tình; Ho cho biết phong trào khiến cậu bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần.

Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 12, cậu thú nhận: “Cảm giác thật khó tả. Cứ như có thứ gì đó đang giằng xé trái tim tôi vậy!”

Zack Ho, một nhà hoạt động sinh viên, tại văn phòng The Epoch Times ở Hồng Kông vào ngày 16/12/2019... (Nina Wong/The Epoch Times)

Cậu dồn thời gian và tâm huyết làm người triệu tập cho các nhà hoạt động sinh viên thuộc nhóm Inspidemia Hồng Kông và lên kế hoạch hậu cần cho các sự kiện biểu tình. Điểm số học tập sa sút và cậu cũng đã ngừng chơi bóng rổ. Đó là sự hy sinh mà Ho sẵn lòng, nhưng bản thân cậu lại không thể ngăn được cảm xúc vô vọng và nản lòng khi nghĩ về tình hình hiện tại.

“Tôi sẽ tự trách mình. Tôi thấy là mặc dù đã làm rất nhiều mà sao không có tiến triển gì? Tôi không thích điều đó. Tại sao chính phủ vẫn chưa thức tỉnh?”

Trong phong trào biểu tình ngày một rầm rộ tại Hồng Kông, nhằm phản đối sự xâm phạm ngày càng lớn của chính quyền Trung Quốc đối với quyền tự trị của thành phố, thanh niên và cả thiếu niên thường xuyên ở tiền tuyến, tổ chức các sự kiện hoặc đương đầu với cảnh sát trong các cuộc đụng độ.

Các cố vấn và nhân viên xã hội lo lắng về những tác động đối với sức khỏe tâm lý của người biểu tình trẻ.

Tuổi Trẻ

Khi các cuộc biểu tình rầm rộ bắt đầu vào tháng 06/2019, đã có báo cáo một số người tham gia biểu tình tự sát. Vào thời điểm đó, chính phủ vẫn chưa hoàn toàn đồng ý rút lại dự luật dẫn độ - cho phép chính quyền Trung Quốc dẫn độ cá nhân ở Hồng Kông về xét xử tại Đại Lục.

Clarence Tsang là giám đốc điều hành của Samaritan Befrienders - một tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ tư vấn ở Hồng Kông, ông nói: thời kỳ đó được ghi dấu bởi cảm giác tuyệt vọng lây lan giữa những người biểu tình trẻ tuổi.

Tổ chức của ông điều hành một đường dây nóng, ứng dụng di động và một trung tâm can thiệp khủng hoảng tự tử cho những người có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử. Một số người chịu ảnh hưởng bởi cuộc vận động chính trị thực sự cần sự giúp đỡ như vậy.

Nhưng khi các cuộc biểu tình tiếp diễn và công chúng tập trung vào các trường hợp cảnh sát bị cáo buộc sử dụng bạo lực với người biểu tình, thì họ chuyển sang giận dữ. Ông Tsang cho rằng: “Đã chuyển sang giai đoạn mà họ phải trả thù. Họ không có thời gian để tập trung vào trạng thái cảm xúc của bản thân. Nó chuyển hóa các hành động đối phó với chính phủ và cảnh sát”.

Các sinh viên trẻ đặc biệt quẫn trí sau khi chính phủ Hồng Kông cấm công dân đeo mặt nạ trong các cuộc họp mặt công cộng vào tháng 10/2019. Kết quả là một số trường thậm chí phải hủy các tiết học.

“Họ cảm thấy chính phủ thực sự không lắng nghe tiếng nói của họ… rằng chính phủ đang làm nhiều hơn và nhiều hơn nữa để kiểm soát mọi thứ”, ông nói. Đến tháng 11/2019, tòa án Hồng Kông ra phán quyết lệnh cấm là vi hiến; Chính phủ đã kháng cáo, phiên tòa tiếp theo dự kiến ​​sẽ được mở trong tháng 01 năm nay.

Các phản ứng đầy cảm tính đối với lệnh cấm đeo mặt nạ đã đạt đến mức báo động, khiến các nhà tâm lý giáo dục của Hiệp hội Tâm lý Hồng Kông phải đưa ra một tuyên bố vào thời điểm đó, kêu gọi chính phủ tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe tâm thần và chỉ trích chính phủ “bỏ qua cảm xúc của học sinh sinh viên”. Tổ chức cũng ban hành một hướng dẫn để các nhân viên trong trường có thể xác định những học sinh gặp khó khăn tâm lý, nhận biết khuynh hướng tự tử, và biết cách an ủi hoặc chuyển học sinh này đến các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Nhưng thanh niên rất ngại ngần phải đến các tổ chức đó để nhận giúp đỡ, vì lo ngại những tổ chức này nhận được tài trợ từ chính phủ sẽ rò rỉ thông tin của họ cho cảnh sát, hoặc tin rằng những chuyên gia tư vấn cho người lớn sẽ không thấu hiểu được họ - ông Tsang cho hay.

Chẳng hạn như Ho đã liên lạc với một nhân viên xã hội tại trường mình, nhưng cậu thấy khó mà làm được theo lời khuyên mà họ đã đưa ra. “Tôi không thể gồng mình vượt qua nỗi đau đó… đây là một gánh nặng rất lớn đối với tôi”, cậu học sinh 18 tuổi tâm sự.

Ho nói rằng: một trong những nỗi thất vọng lớn nhất của mình là những cuộc tranh luận liên miên giữa các tổ chức sinh viên ủng hộ những mục tiêu dân chủ. Các cuộc họp thảo luận của họ thường diễn ra quá nửa đêm. Cậu đã nghiện ăn vặt vào nửa đêm. “Tôi đã đẹp trai hơn hồi tháng 6”, Ho nói nửa đùa nửa thật, lưu ý rằng cậu đã tăng cân.

Trong khi đó, một số bạn của Ho rất lo sợ bị cảnh sát bắt giữ; Khi đi trên đường họ luôn cảm thấy như mình đang bị theo dõi.

Nhân viên xã hội Ah Ming (biệt danh) lưu ý rằng thanh niên có xu hướng dễ hợp tác với các nhân viên tư vấn tình nguyện tại các địa điểm biểu tình.

Khi phong trào phản kháng bắt đầu, hầu hết các nhân viên xã hội đã xuất hiện tại các cuộc biểu tình với tư cách là bên thứ ba giám sát hành vi cảnh sát và giúp giảm căng thẳng giữa cảnh sát và người biểu tình. Sau đó, một nhóm khoảng 30 đến 40 người quyết định thành lập nhóm tình nguyện để hỗ trợ những người biểu tình cần tư vấn hoặc cần các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

“Các tình nguyện viên thường ở những địa điểm biểu tình nên người biểu tình có xu hướng cảm thấy thoải mái khi mở lòng với họ.

Có rất nhiều suy nghĩ trong lòng mà họ [những người phản đối] có thể không dễ dàng nói ra. Trạng thái cảm xúc của họ khá phức tạp”, Ah Ming nói. Các tình nguyện viên có thể giới thiệu họ đến các cơ sở tư vấn chính thống, hoặc giới thiệu họ các chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Ah Ming, nhân viên xã hội Hồng Kông, tại một studio ở Hồng Kông vào ngày 20/12/2019... (Yu Gang/The Epoch Times)

Ah Ming cho biết một số thanh niên bị rối loạn tinh thần và lo âu đến mức vẫn bị mất ngủ khi dùng thuốc.

Nhưng chấn thương tâm lý không chỉ giới hạn trong những người biểu tình trẻ tuổi. Cô nhớ lại câu chuyện về một người biểu tình lớn tuổi đã rời khỏi Đại học Bách khoa trước khi diễn ra cuộc vây hãm nơi này trong 02 tuần vào tháng 11/2019. Trong khoảng thời gian bế tắc, cảnh sát đã phong tỏa khuôn viên trường và dội hơi cay, súng nước và đạn vào trong, bỏ lại hàng chục người biểu tình bị mắc kẹt.

Một hôm người biểu tình này quyết định đi ăn một bữa. Sau khi gọi món, ông bất giác bật khóc. Ông cảm thấy hạnh phúc khi được ăn ngon, nhưng ông cũng nghĩ về những người còn ở trong trường đại học. Ông không biết phải làm gì.

Ah Ming nói rằng những người biểu tình thoát khỏi cảnh sát bắt giữ, hoặc nhân viên sơ cứu rời khỏi Đại học Bách khoa sau khi hết đồ tiếp tế, chia sẻ rằng họ cảm thấy tội lỗi khi sống tốt hơn ở bên ngoài.

“Một số người muốn làm nhiều hơn nhưng họ không biết làm thế nào”, cô nói.

Sự bất đồng trong gia đình

Tsang cho biết một trong những nguyên nhân lớn nhất gây rối loạn tâm lý là sự khác biệt về quan điểm chính trị giữa các thành viên trong gia đình. Một số người biểu tình đã bị đuổi khỏi nhà do cha mẹ ủng hộ chính phủ và không đồng tình với những mục đích của phong trào phản kháng.

“Chúng tôi luôn nói rằng gia đình là chỗ dựa lớn nhất của mỗi người. Nhưng trong tình huống này thì không phải vậy. Ngươi ta không còn một nơi họ cảm thấy an toàn để nói về cảm nghĩ của mình” Tsang cho hay. Sự tranh luận trong một mái nhà gây căng thẳng cho cả bậc cha mẹ và người làm con cái.

Về phía những người biểu tình họ cảm thấy “cô đơn, khi chẳng có ai lắng nghe họ”. Nhóm Samaritan Befrienders đã cố gắng “chìa ra một ‘đôi tai’” để họ có thể chia sẻ nỗi lòng.

Như cậu học sinh Ho đã có cố gắng chia sẻ với người thân, nhưng cảm thấy gia đình không hiểu cậu. Ho thường tranh luận với mẹ, người tin rằng những người biểu tình đang gây quá nhiều rối loạn.

Tsang nói điều này đặc biệt khó đối với những học sinh sinh viên, vì một số trường học không khuyến khích học sinh thảo luận cởi mở về phong trào biểu tình. Không có lối thoát cho cảm xúc khi thảo luận, con người ta sẽ cảm thấy ngột ngạt

Nhóm Samaritan Befrienders đã bắt đầu các cuộc nói chuyện tại trường trung học để hướng dẫn phụ huynh cách cải thiện giao tiếp với con cái. Tsang cũng khuyến khích các bậc cha mẹ nên lắng nghe và chấp nhận những quan điểm khác biệt của con.

“Hãy cho con thấy bạn yêu quý chúng, ngay cả khi bạn khác biệt quan điểm chính trị với con” như bằng một cái ôm hoặc rót nước, Tsang khuyên.

Tổn thất lớn

Ah Ming cho biết: trong khi Hồng Kông còn đang giải quyết khủng hoảng, một số việc khác vẫn cần làm để người dân nhận ra được những tổn thất của cộng đồng.

Vào giữa tháng 12, hàng ngàn nhân viên trong khu vực phúc lợi xã hội đã tổ chức ba ngày đình công nhằm kêu gọi chính phủ về “khủng hoảng nhân đạo” hiện nay.

Họ tổ chức một sự kiện tại khu vực mua sắm sầm uất Tsim Sha Tsui, khuyến khích mọi người viết ra những mất mát trong 06 tháng qua.

Một người phụ nữ đã bật khóc khi kể về những bất đồng trong gia đình.

Ah Ming cho biết đối với một số người, như với hơn 6000 công dân bị bắt giữ vì hành vi biểu tình, “có rất nhiều thực tế cho thấy cuộc sống bạn giờ đã khác... bạn phải học cách điều chỉnh và sống như bình thường”. Chẳng hạn tại đồn cảnh sát, cảnh sát có thể tịch thu điện thoại của bạn. Một số thì vẫn phải phải báo cáo cho đồn thường xuyên kể cả sau khi được bảo lãnh.

Ho nói cậu sẽ vẫn kiên trì và để mặc cảm giác thất bại. “Hiện giờ tôi không thể bỏ đi, tôi sẽ lôi người khác xuống nếu mình từ bỏ”.

Cậu hy vọng sẽ sử dụng kỹ năng tiếng Anh để vận động sự ủng hộ quốc tế đối với phong trào biểu tình.

Ho cũng đang suy nghĩ về việc học tập chính trị cũng như quản lý công tại trường đại học trong những năm về sau, dù hiện tại cậu chỉ mong muốn một chút bình thường trong cuộc sống, có thời gian để chơi bóng trở lại chẳng hạn.

Đại Hải (biên dịch)
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

“Tôi không thể vượt qua nỗi đau này” - Người Hồng Kông vật lộn với vết sẹo tâm lý từ cuộc biểu tình