Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hại như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bác sĩ Thành cảnh báo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra nhiều tác hại không ngờ đến sức khoẻ và tinh thần của người dùng, đặc biệt là các học sinh, sinh viên.

Ngày 8/4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo về tác hại của các loại thuốc lá mới, bao gồm: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây đều là các sản phẩm chưa được cho phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, theo báo Người lao động.

Bộ Y tế cho rằng việc chống tác hại của thuốc lá là cuộc đấu tranh dai dẳng, trường kỳ giữa lợi ích sức khỏe với các công ty đa quốc gia, công ty sản xuất thuốc lá.

Nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2020 tại Hà Nội cho thấy trong nhóm học sinh lớp 8-12, tỉ lệ hút thuốc lá mới ở nữ lên đến 4,8% và ở nam là 12,4%.

"Đây là những con số biết nói. Thuốc lá mới này dễ tiếp cận giới trẻ, dù chỉ mới là thuốc lá nhập lậu. Đây là mối nguy cơ cho tương lai, cho sức khỏe của dân tộc, của giống nòi bị ảnh hưởng của thuốc lá mới", ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế, nói tại hội nghị.

Bác sĩ Vũ Văn Thành, Hội Phổi Việt Nam, khẳng định các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm: Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều ảnh hưởng đến sức khỏe với các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, phổi, ung thư…

Đặc biệt trong các sản phẩm thuốc lá điện tử có hàm lượng Nicotin rất cao và là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch, đặc biệt nguy hại với phụ nữ mang thai, chưa kể hàng loạt kim loại như: Chì, bạc, cadmium, thủy nhân, nickel có thể gây ung thư.

"Quá trình khám và điều trị người bệnh cũng như các công bố của quốc tế chúng tôi nhận thấy hình ảnh X-quang ngực ở người hút thuốc lá điện tử có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi ở bệnh nhân. Trong khi đó với sản phẩm thuốc lá nung nóng còn chứa một số chất độc cao hơn thuốc lá điện tử", bác sĩ Thành nhận định.

Trên thế giới các bác sĩ đã từng điều trị cho một trường hợp thanh niên 16 tuổi bị viêm phổi tăng bạch cầu cấp tính mức độ nặng sau sử dụng thuốc lá nung nóng 2 tuần với triệu chứng khó thở nặng dần. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa cấp cứu và được đặt nội khí quản, thở máy, can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO) do suy hô hấp nặng.

Bác sĩ Thành cũng cảnh báo các sản phẩm thuốc lá này có thể gây ra những thay đổi có hại cho não đang phát triển của thanh thiếu niên, kiểm soát sự chú ý, học tập. Nicotin có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sau khi sinh (hệ thần kinh, thai chết lưu), tăng các nguy cơ chấn thương do thiết bị phát nổ…

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia, Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá, cho rằng thời gian qua đã có nhiều thông tin sai lệch FDA về các sản phẩm thuốc lá mới. Thậm chí, tại Trung Quốc, đã lan truyền thông tin về việc sử dụng nicotine giúp chống lại Covid-19 giúp phòng ngừa các bệnh hô hấp và người hút thuốc lá ít nguy cơ mắc Covid-19 hay quảng cáo hút thuốc lá điện tử giúp phòng chống một số bệnh hô hấp.

Một người đang hút thuốc lá điện tử (Ảnh: Getty)

Hút thuốc lá điện tử làm tăng 40% nguy cơ bệnh phổi

Thuốc lá điện tử được cho là có ít chất độc hại, với nồng độ các hóa chất độc hại cho phổi thấp hơn thuốc lá thông thường. Tuy nhiên nồng độ chất gây nghiện chính trong thuốc lá là nicotin lại thường không thấp.

Hầu hết các nhà sản xuất đều không công bố thành phần chi tiết có trong tinh dầu của thuốc lá điện tử và lấy lý do là “bí mật thương mại”. Theo một cuộc nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard tiết lộ rằng có khoảng 75% trong số 51 loại tinh dầu thuốc lá này đều chứa diacetyl.

Đây là một chất gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thêm vào đó, các hạt nhỏ và kim loại nặng độc hại như thiếc, nickel, thủy ngân và chì có trong thuốc lá điện tử cũng là nguyên nhân chính gây các tổn thương ở phổi.

Một nghiên cứu của đại học Boston cho thấy, trong nhóm không hút thuốc, người từng hút thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn 21 %, trong khi người đang hút thuốc lá này có nguy cơ cao hơn 43%.

Đến nay, thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chưa được cho phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam không nên cấp phép nhập khẩu và lưu hành bởi đây là là nguy cơ mới cho một hình thức nghiện khác, gây nhiều tốn kém về sức khỏe, tiền bạc...

Xem thêm:

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hại như thế nào?