Vì sao dễ bị viêm nhiễm? Những tác nhân gây viêm bất ngờ có thể bạn chưa biết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn có biết? Tình trạng viêm nhiễm không chỉ xảy ra do những tác nhân bên ngoài. Trên thực tế, cơ thể chúng ta cũng có thể trở thành "kẻ thù" của chính mình khi hệ miễn dịch có thể quay trở lại tấn công khổ chủ, nếu bạn không có những hiểu biết nhất định về các nguyên nhân gây ra viêm.

Viêm là dấu hiệu khi cơ thể đang trong trạng thái “cảnh giác” rất cao. Quá trình viêm bắt đầu khi hệ thống miễn dịch khởi tác dụng chống lại bất cứ tổn thương nào trên cơ thể, chẳng hạn như vết cắt hoặc nhiễm trùng. Cơ chế viêm là hệ thống miễn dịch đưa các tế bào bạch cầu và các hoá chất khác đến khu vực bị tổn thương để chống lại vi khuẩn hoặc các tác nhân bệnh khác, làm lành các mô, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi thương tổn. Sau khi vết thương đã lành, sẽ có các loại tế bào khác di chuyển vào khu vực viêm nhiễm và loại bỏ các chất gây viêm ra ngoài.

Cơ chế viêm là hệ thống miễn dịch đưa các tế bào bạch cầu và các hoá chất khác đến khu vực bị tổn thương để chống lại vi khuẩn hoặc các tác nhân bệnh khác, làm lành các mô.
Cơ chế viêm là hệ thống miễn dịch đưa các tế bào bạch cầu và các hoá chất khác đến khu vực bị tổn thương để chống lại vi khuẩn hoặc các tác nhân bệnh khác, làm lành các mô. (Wikimedia Commons)

Nói một cách khác, viêm là cơ chế phòng thủ tự nhiên của cơ thể con người khi có chấn thương cấp tính. Phản ứng viêm nếu chỉ ở mức độ thông thường, thì được cho là tốt, tuy nhiên, viêm có thể diễn biến xấu nếu không khỏi hoặc kéo dài thành viêm mãn tính. Viêm mãn tính có thể gây ra các căn bệnh như: bệnh tự miễn, tiểu đường, bệnh tim mạch, viêm khớp dạng thấp và hàng trăm bệnh khác...

Tại sao không hết Viêm?

1. Viêm không được điều trị dứt điểm

Nhiễm vi khuẩn hoặc virus liên tục kéo dài làm cho viêm không thuyên giảm. Viêm nhiễm do các loại virus như Herpes simplex, Viêm gan C, Epstein Barr (virus gây hội chứng suy nhược mãn tính), H Pylori và bệnh Lyme cũng có khả năng dẫn đến viêm mãn tính.

2. Stress kéo dài, viêm nhiễm kéo dài

Khi bị căng thẳng, cơ thể con người trải qua một số thay đổi, ví như tăng tiết cortisol hay còn gọi là hormone stress. Cortisol thông báo hệ thống miễn dịch, hệ miễn dịch chuyển sang trạng thái “chủ chiến hay chủ chạy” (fight or flight*), trong tình huống của chúng ta tất nhiên là hệ miễn dịch “chủ chiến” và quá trình viêm bắt đầu.

Trong một thế giới bình yên, stress chỉ “sống” trong một thời gian ngắn, tuy nhiên cuộc sống thường ngày đa phần không bình yên bình như vậy: Một đồng nghiệp luôn cau mày nhăn nhó, tủ lạnh không chạy, còn tài chính thì rắc rối,... tất cả đều là những nhân tố làm cho stress tăng “tuổi thọ”, dần dà viêm phát sinh, rồi quanh quẩn mãi mà chẳng chịu đi.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc cho rằng cảm xúc của con người là nguyên nhân chính gây ra hàng trăm căn bệnh, stress cũng vậy.

Khi bị căng thẳng, cơ thể con người tăng tiết hormone stress, hệ miễn dịch chuyển sang trạng thái chủ chiến và quá trình viêm bắt đầu.
Khi bị căng thẳng, cơ thể con người tăng tiết hormone stress, hệ miễn dịch chuyển sang trạng thái chủ chiến và quá trình viêm bắt đầu. (Pixabay)

3. Chế độ ăn nào có thể “nuôi lớn" viêm nhiễm?

Theo Trung Y, chế độ ăn uống sẽ đưa con người rẽ sang hai ngả đường là sức khoẻ và bệnh tật. Trải qua bao thay đổi từ xưa đến nay, dù thức ăn có khác nhau, chân lý này vẫn không thay đổi - tất nhiên, sử dụng thức ăn ô nhiễm hoặc sai cách cũng ắt sẽ gây bệnh. Để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng một cách thuận tiện, trong khoảng 100 năm trở lại đây, cách thức chế biến thức ăn ngày càng trở nên đa dạng và phong phú. Thực phẩm chế biến, đường và thực phẩm đầy phụ gia độc hại đã trở nên quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày. Ăn đường và những thực phẩm đầy hóa chất này sẽ kích thích gây viêm và gây béo phì.

4. Bệnh đường ruột có thể dẫn đến viêm

Chất lượng tiêu hóa thức ăn là chìa khoá quyết định tình trạng sức khỏe một người. Trong tiêu hóa có một bệnh gọi là thủng ruột, đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm nhiễm. Thủng ruột là khi trên thành ruột xuất hiện vết nứt hoặc lỗ thủng. Thông qua đó, vi khuẩn và độc tố từ đường tiêu hóa dễ dàng xâm nhập thẳng vào mạch máu. Vào đến máu, những tác nhân này trở thành kẻ địch ngoại xâm kích thích phản ứng miễn dịch cơ thể từ đó khởi phát quá trình viêm nhiễm.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thủng ruột? Thủ phạm chính là đường, rượu, thuốc kháng viêm không steroid như aspirin hay ibuprofen, thức ăn ít chất xơ, stress, vi khuẩn có hại, và do sự phát triển quá mức của một loại nấm men gọi là candida. Những thủ phạm này còn tấn công các vi khuẩn tốt sống trong lòng ruột và gây tổn thương thành ruột.

Chất lượng tiêu hóa thức ăn là chìa khoá quyết định tình trạng sức khỏe một người. Trong tiêu hóa có một bệnh gọi là thủng ruột, đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm nhiễm. (Pixabay)
Chất lượng tiêu hóa thức ăn là chìa khoá quyết định tình trạng sức khỏe một người. Trong tiêu hóa có một bệnh gọi là thủng ruột, đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm nhiễm. (Pixabay)

5. Môi trường độc hại cũng là nguyên nhân gây viêm mãn tính

Đồ nhựa, dược phẩm, kim loại nặng, khí thải, khói bụi, và thậm chí ngay cả những quần áo, trang sức và đồ vật mang trên người... đều có thể gây độc khi sử dụng trong thời gian dài. Hút thuốc là độc hại nhất. Khi hút thuốc đến một lượng nhất định, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện các độc tố trong thuốc lá là những kẻ ngoại lai, nên nó chống lại bằng cách kích hoạt phản ứng viêm giống như đối với vi khuẩn hoặc virus. Qua thời gian tiếp xúc lâu dài với các chất độc này, hệ thống miễn dịch phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn, lâu dần gây viêm mãn tính.

Thật may là chúng ta vẫn có nhiều cách để giảm khả năng xảy ra viêm mãn tính. Tìm cách giảm stress (châm cứu hay thiền định đều có tác dụng), chế độ ăn không có thực phẩm chế biến công nghiệp và đường, giảm tiếp xúc với chất độc và cẩn trọng khi mắc bất cứ loại nhiễm trùng nào,... cũng đều có thể hạn chế nguy cơ bị viêm mãn tính.

(*) Fight or flight: là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi gặp tình huống nguy hiểm, tuỳ theo đó mà cơ thể hành động theo một trong hai cách, hoặc là ở lại vượt qua nguy hiểm hoặc là bỏ chạy.

Hiền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao dễ bị viêm nhiễm? Những tác nhân gây viêm bất ngờ có thể bạn chưa biết