Tắm đêm liệu có thực sự gây ra đột quỵ không? Tắm thế nào cho an toàn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một số trường hợp đột tử sau khi tắm vào tối khuya khiến nhiều người băn khoăn không biết việc tắm đêm có thể gây nguy cơ đột quỵ hay không...

Ý kiến của các chuyên gia

Cảnh báo về thói quen tắm đêm của nhiều người khi trả lời phỏng vấn báo Dân Việt, Tiến sĩ Bác sĩ Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam - cho biết: khi tắm đêm, với những người có tiền sử huyết áp, người cao tuổi dễ bị thay đổi huyết áp đột ngột, gây ra các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Đặc biệt, những người mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi mãn tính tiềm tàng dễ tái phát, thì đột tử có thể xảy ra khi trúng lạnh - do thời tiết hoặc tắm ngay sau khi chơi thể thao. Còn đối với người bình thường, khỏe mạnh, không có bệnh nền, thì nguy cơ đột quỵ khi tắm đêm chưa được ghi nhận.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Tường Kha, những người vừa mới vận động xong thì tuyệt đối không nên tắm ngay, đặc biệt là tắm muộn, tắm khuya; vì sẽ làm cho tình trạng co mạch tuần hoàn ngoại vi tăng lên, khiến lưu lượng tuần hoàn trung tâm tăng lên, gây co mạch tăng huyết và có nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Tiến sĩ Lương Quốc Chính thuộc khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai cũng tán thành với khẳng định cho rằng, hiện chưa có bằng chứng nào khẳng định việc tắm đêm là nguyên nhân gây ra đột quỵ; mặc dù nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc ngâm mình đột ngột trong nước lạnh có thể kích hoạt cơn nhồi máu cơ tim hoặc mất trí nhớ thoáng qua.

Khi được hỏi ý kiến về các trường hợp đột tử gần đây, bác sĩ Nguyễn Đức Chỉnh, Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: Nguy cơ đột quỵ khi tắm đêm đối với những người bình thường không được ghi nhận.

Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu nhỏ ở Nhật, người ta nhận thấy nguy cơ đột quỵ khi tắm đêm thường xuất hiện ở những người lớn tuổi, nhóm bệnh nhân có tiền căn bệnh tim mạch, nhóm bệnh nhân đang có thể trạng không tốt hoặc đang có bệnh lý nào đó.

Các trường hợp đột quỵ khi tắm thường liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột của cơ thể”, bác sĩ Nguyễn Đức Chỉnh nói với báo Thanh Niên.

“Ví dụ, đang ở trong môi trường lạnh mà lại tắm nước nóng, sau đó từ trong phòng tắm kín, ấm áp lại bước ra ngoài phòng (tắm) với nhiệt độ lạnh; hoặc mới vận động cơ thể rất nóng mà tắm nước lạnh. Như thế sẽ dẫn đến tình trạng thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, dễ bị những phản ứng bất lợi. Đó là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ”.

Đồng quan điểm với nhận định trên, Tiến sĩ bác sĩ Hoàng Văn Sỹ, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết:

Chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng và thống nhất cho thấy tắm đêm có nguy cơ đột tử hay nguy hiểm đến sức khỏe”.

Tắm thế nào cho an toàn?

Một điểm cần lưu ý là đột quỵ não thay đổi theo mùa một cách rất rõ ràng. Tỷ lệ đột quỵ cao hơn vào mùa đông so với mùa hè. Đột quỵ thiếu máu não, đột quỵ nhồi máu não phổ biến hơn vào mùa đông và đột quỵ chảy máu não phổ biến hơn vào mùa xuân. Nếu phải tắm vào buổi tối, đặc biệt là đêm khuya thì cần lưu ý 2 điểm sau:

    • Thứ nhất, không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh. Về nguyên tắc, nhiệt độ chênh lệch với thân nhiệt không quá 5 độ C. Nếu tắm nước lạnh quá hoặc nóng quá thì có thể đưa đến hiện tượng sốc nhiệt.
    • Thứ hai, không nên tắm dưới vòi nước hoặc ngâm nước quá lâu, thông thường nên tắm sao cho thoải mái trong vòng 10 - 15 phút.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng Văn Sỹ lưu ý thêm: Không nên tắm khi mới ăn quá no hoặc quá đói; khi mới vận động hoặc tập luyện cường độ cao xong, cơ thể đang mệt mỏi; khi vừa uống bia, uống rượu. Tắm trong những trạng thái như thế có thể gây hại cho sức khỏe.

Dù vậy, ngay cả khi bạn không có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, mọi người cũng không nên tắm khuya, nhất là vào những ngày trời lạnh. Nguyên do vào ban đêm, trời lạnh, mạch máu luôn co lại. Khi tiếp xúc với nước ấm sẽ giãn ra khiến máu dồn ra ngoại vi đột ngột, là nguyên nhân gây hiện tượng choáng váng, ngất xỉu sau tắm.

Minh Nhật (Tổng hợp)
- Theo báo Thanh Niên, Dân Việt.



BÀI CHỌN LỌC

Tắm đêm liệu có thực sự gây ra đột quỵ không? Tắm thế nào cho an toàn?