Tại sao trẻ hay bị ốm sau khi đi học nhà trẻ hay mẫu giáo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều bậc cha mẹ từng nói rằng: “Con cái trước khi đi học mẫu giáo thì rất khỏe mạnh, nhưng cứ đến tuổi đi học là bị cảm lạnh, cảm giác như khả năng miễn dịch của con thậm chí còn tệ hơn”. Vậy chẳng lẽ chúng ta không nên cho con đi học nữa?

Nhiều người đến phòng khám của tôi và bày tỏ lo lắng: “Tại sao bệnh của trẻ lại dường như chậm khỏi như vậy?”

Tôi thường giải thích: "Thực ra, không phải chỉ có con của bạn. Chỉ cần bọn trẻ tụ tập với nhau, nên trẻ sẽ luôn bị ốm, bởi vì tất cả vi trùng dễ dàng lây nhiễm chéo cho nhau. Khi một trẻ bị cảm lạnh, nó có thể lây cho trẻ khác, đồng thời cũng dễ bị người khác lây và sinh bệnh cảm mới, nên lúc nào cũng có vẻ ốm yếu hơn, nhưng phân tích cuối cùng thì không liên quan gì đến khả năng miễn dịch của trẻ".

Về cơ bản, điều này không chỉ xảy ra với con cái của bạn, nó là một quá trình mà mọi con trẻ đi học mầm non hay mẫu giáo đều trải qua. Đối với những bậc cha mẹ luôn lo lắng quá nhiều và nghĩ rằng con cái của họ thường xuyên ốm đau, tôi đã tổng hợp các câu hỏi và câu trả lời dưới đây:

Trẻ thường bị nhiễm siêu vi vì hệ miễn dịch quá yếu, phải làm sao?

Trẻ em thường mắc các bệnh truyền nhiễm như cảm lạnh hoặc viêm dạ dày ruột, điều này không hoàn toàn có nghĩa là khả năng miễn dịch của trẻ quá thấp. Việc mắc các bệnh truyền nhiễm là khó tránh khỏi, và không liên quan nhiều đến sức đề kháng, thực tế là do sự tác động của các yếu tố môi trường bên ngoài nhiều hơn.

Hầu hết trẻ em hiện nay đều đi học mẫu giáo từ khi lên 2 hoặc 3 tuổi, thậm chí sớm hơn, một số trẻ còn đi học khi chỉ mới 1 tuổi. Nhiều trẻ em sinh hoạt trong một không gian hẹp chắc chắn sẽ lây virus cho nhau, vì vậy không chỉ mỗi cảm lạnh hoặc các bệnh về đường tiêu hóa, mà các bệnh khác nặng hơn như thủy đậu, bệnh tay chân miệng hay cúm, chúng thường bị nhiễm lặp đi lặp lại.

Mặc dù các trường mầm non hay mẫu giáo đều áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, nhưng nếu muốn ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus hoặc vi khuẩn thì vẫn còn rất hạn chế.

Tôi có nên cho con tôi đi học mẫu giáo không?

Tất nhiên, đánh giá từ góc độ kết quả, việc không đưa trẻ đến mầm non hay mẫu giáo có thể giảm nhiễm trùng nhóm và thực sự giảm tần suất trẻ bị bệnh. Tuy nhiên, sau khi cân đo kỹ lưỡng, nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn cho con đi học hơn là để con ở nhà.

Tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên hiểu rằng, “trẻ dễ ốm sau khi đi học” là lẽ thường tình, không chỉ riêng con mình mà tất cả trẻ em đều sẽ gặp phải tình trạng chung.

Bất kỳ cha mẹ nào cũng đều cố gắng hết sức để chăm sóc sức khỏe cho con cái trong khả năng của mình. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh chỉ cần chăm sóc cho con cẩn thận và chu đáo, như vậy là đủ rồi, không cần quá lo lắng.

Tất nhiên, quá trình tăng trưởng của trẻ sẽ trải qua giai đoạn ốm đau thường xuyên, nhưng tôi chắc chắn rằng khi trẻ lớn lên, tần suất ốm đau sẽ giảm đi đáng kể.

Là một bác sĩ nhi khoa, lý do tại sao tôi có thể thốt ra những lời khoa trương như vậy chính xác là vì theo kinh nghiệm của tôi, những bệnh nhân nhỏ tuổi vốn hay đến phòng khám của tôi theo mật độ 2 - 3 ngày trước đó, qua thời gian, chúng ngày càng ít đến hơn.

Có cách nào để cải thiện khả năng miễn dịch không?

Khi trẻ bắt đầu cuộc sống tập thể, sẽ tiếp xúc với nhiều loại virus truyền nhiễm, mặc dù trẻ dễ bị ốm nhưng quan sát kỹ sẽ thấy một số trẻ mau khỏi bệnh hoặc ngày càng ít bị cảm lạnh hơn. Đây là khả năng tự miễn dịch.

Vì vậy, hãy cùng xem những phương pháp nào có thể cải thiện khả năng miễn dịch của trẻ.

Cách cải thiện khả năng miễn dịch

  1. Chất lượng giấc ngủ tốt:

Giấc ngủ không chỉ tác động sâu sắc đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ, mà nó còn là chìa khóa quyết định mức độ miễn dịch.

Ngoài hormone tăng trưởng, các hormone khác liên quan đến khả năng miễn dịch cũng được tiết ra với lượng lớn trong giai đoạn ngủ sâu. Do đó, nhằm nâng cao khả năng miễn dịch, giúp trẻ hình thành thói quen ngủ sớm và có đủ thời gian ngủ là rất quan trọng.

  1. Bổ sung dinh dưỡng cân bằng:

Điều này nghe có vẻ lỗi thời, nhưng chìa khóa quan trọng nhất để cải thiện khả năng miễn dịch là chế độ dinh dưỡng.

Không chỉ phải ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất đạm, chất bột đường, chất béo mà còn phải cân đối các loại thực phẩm có chứa vitamin và khoáng chất, đây là những chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng khả năng miễn dịch.

  1. Bổ sung đủ nước:

Hai phần ba cơ thể con người chúng ta là nước, đặc biệt ở trẻ sơ sinh lượng nước trong cơ thể chiếm 75 - 80% trọng lượng cơ thể. Nước có thể giúp cơ thể ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh và đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, đây là vai trò rất quan trọng.

Đối với một đứa trẻ khỏe mạnh, lượng nước cần thiết cho một ngày là 10-15% trọng lượng cơ thể, trong khi lượng nước cần thiết cho người lớn là 2-4% trọng lượng cơ thể. So sánh hai tỷ lệ cho thấy tỷ lệ nước nhu cầu của trẻ em là rất cao. Vì vậy, nên hình thành thói quen uống nhiều nước ngay từ khi còn nhỏ.

  1. Thiết lập thói quen tập thể dục:

Mặc dù trẻ rất hoạt bát, nhưng giúp trẻ hình thành thói quen vận động thường xuyên không chỉ thiết lập một nền tảng thể chất vững chắc, mà còn cải thiện khả năng tự miễn dịch của trẻ.

Bạn có thể tham khảo những khuyến nghị theo độ tuổi sau đây để rèn luyện cho trẻ thói quen vận động thường xuyên ngay từ khi còn nhỏ.

  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi:

Massage cho bé không chỉ có thể tăng cường sự trao đổi chất, giúp tăng trưởng và phát triển, mà còn kích thích các mạch bạch huyết chịu trách nhiệm về chức năng miễn dịch, từ đó giúp nâng cao khả năng miễn dịch. Ngoài ra, bạn có thể để trẻ tham gia học bơi cùng bố mẹ, việc cho bé đeo vòng bơi dưới nước là một bài tập được khuyến khích.

  • Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi:

Hãy luôn chơi vui vẻ với con, dù là ném bóng hay trò đuổi bắt… bạn cũng có thể cho con tham gia các khóa học thể dục dưỡng sinh cho trẻ, mục đích là để các con vận động và toát mồ hôi!

  • Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi:

Ít nhất hãy cho trẻ tham gia các môn thể thao có khả năng đổ mồ hôi và tăng tốc độ thở với mật độ 3 lần một tuần, mỗi lần 1 giờ. Dù là chơi ở công viên hay ở nhà, hay tham gia các lớp học bơi thông thường, taekwondo và các lớp thể thao khác, điều đó rất tốt.

Nếu khoảng cách và điều kiện cho phép, bạn có thể cùng con đi dạo hoặc đạp xe đến địa điểm vui chơi và tập luyện. Đồng thời, hãy chú ý đến thời gian mà trẻ dành cho các hoạt động tĩnh như điện thoại di động, máy tính bảng hay TV, chỉ nên giới hạn tối đa là 2 giờ mỗi ngày.

Trong giai đoạn này, trẻ cũng nên học cách đóng gói đồ chơi cùng nhau và rèn luyện thói quen tốt là tích cực tham gia vào công việc nhà như sắp xếp quần áo, chăm sóc cây cối.

Bài viết này được ủy quyền xuất bản bởi Nhà xuất bản Taiwan Guangsha Audiobook Co., Ltd., và được trích từ cuốn sách: "Một thực tế nghiệt ngã! Chưa ai hướng dẫn chi tiết cho bạn cách chăm sóc trẻ từ 0-6 tuổi” - tác giả: Bác sĩ nhi khoa Guo Zaihe.

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao trẻ hay bị ốm sau khi đi học nhà trẻ hay mẫu giáo?