Suyễn về đêm, cách dự phòng và hiệu quả của thiền định

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không có cách nào để trị hen suyễn đêm, bạn chỉ có thể dự phòng để giảm tần suất xuất hiện của nó bằng nhiều cách...

Nhiều bệnh nhân bị bệnh suyễn cho biết, các triệu chứng của họ tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm. Một số người thậm chí mất hàng giờ mỗi sáng, chờ đợi để nhịp thở trở về trạng thái tốt hơn trước khi bắt đầu các hoạt động trong ngày. Với họ, các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi liên tục, mệt mỏi, tức ngực, thở khò khè và khó thở đã trở thành một phần trong cuộc sống.

Tại sao cơn suyễn hay xảy ra về đêm

Thu hẹp và tăng tiết dịch đường thở

Trong khi ngủ, đường thở có xu hướng bị thu hẹp, điều này có thể làm tăng sức cản của luồng khí. Điều này có thể kích hoạt ho vào ban đêm, có thể khiến đường thở thắt chặt hơn. Ngoài ra, tăng tiết dịch đường thở cũng góp phần kích hoạt hen suyễn.

Tư thế nằm ngửa

Nằm ngửa cũng có thể khiến nhiều bạn gặp các vấn đề hen suyễn vào ban đêm. Nhiều yếu tố có thể dẫn đến điều này, chẳng hạn như tích tụ dịch tiết trong đường thở (dẫn lưu từ xoang hoặc nhỏ giọt sau mũi), tăng thể tích máu trong phổi, giảm thể tích phổi và tăng sức cản trong đường thở.

Máy điều hòa không khí

Hít thở không khí lạnh hơn vào ban đêm hoặc ngủ trong phòng ngủ có điều hòa cũng có thể gây mất nhiệt từ đường thở. Đường thở bị lạnh và mất độ ẩm là tác nhân quan trọng của việc kích hoạt một cơn hen suyễn. Nó cũng liên quan đến hen suyễn vào ban đêm.

Đường thở bị lạnh và mất độ ẩm là tác nhân quan trọng của việc kích hoạt một cơn hen suyễn... (Pixabay)
Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng, trào ngược axit dạ dày, thì nó có thể kích thích phế quản gây co thắt. Nó sẽ tệ hơn khi nằm xuống, hoặc nếu bạn dùng thuốc điều trị hen suyễn, thì sẽ làm giãn van giữa dạ dày và thực quản. Đôi khi, axit từ dạ dày sẽ kích thích thực quản dưới, dẫn đến co thắt đường thở của bạn.

Dị ứng

Nếu bạn tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng hoặc hen suyễn, thì tắc nghẽn đường thở hoặc hen suyễn dị ứng rất có thể sẽ xảy ra ngay sau đó. Nhiều nghiên cứu báo cáo rằng khi tiếp xúc với chất gây dị ứng xảy ra vào buổi tối thay vì vào buổi sáng, bạn sẽ dễ bị phản ứng ở giai đoạn muộn và có nhiều khả năng bị nặng hơn.

Hormone

Hormone lưu thông trong máu có nhịp sinh học đặc trưng. Epinephrine là một trong những hormone như vậy, nó có ảnh hưởng quan trọng đến các phế quản. Hormone này giúp giữ cho các cơ trong thành phế quản thư giãn để đường thở được thông thoáng. Epinephrine cũng ngăn chặn sự giải phóng các chất khác, chẳng hạn như histamin, gây tiết chất nhầy và co thắt phế quản. Mức epinephrine và tốc độ lưu lượng thở của bạn thấp nhất vào khoảng 4:00 sáng, trong khi mức độ histamin có xu hướng đạt đỉnh cùng một lúc. Giảm nồng độ epinephrine trong máu có thể khiến bạn bị hen suyễn về đêm trong khi ngủ.

Làm sao để ngủ ngon khi bị suyễn

Không có cách chữa trị hen suyễn vào ban đêm, bạn chỉ có thể dự phòng để giảm tần suất của nó bằng nhiều cách:

    • Dùng thuốc dự phòng suyễn theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).
    • Hút bụi mỗi góc phòng ngủ và giặt ga trải giường thường xuyên.
    • Không nên để nhiệt độ trong phòng quá nóng hay quá lạnh. Bạn có thể cân nhắc cài đặt máy tạo ẩm.
    • Nằm với một cái gối cao hơn khi ngủ.
    • Thiết kế phòng ngủ chỉ dành để ngủ và thư giãn.
    • Tránh xung đột hay căng thẳng trước khi ngủ.
    • Thở sâu, thiền định hay yoga là những hoạt động lý tưởng trước khi ngủ,
    • Đi bộ nhanh trong không khí tươi mát, thoáng đãng cũng là một lựa chọn tốt.

Mặc dù có rất nhiều cách mà bạn có thể áp dụng để dự phòng cơn suyễn về đêm, tuy nhiên, có rất nhiều người gần đây chọn thực hành thiền định trong cuộc sống hàng ngày. Thiền định không chỉ có tác dụng dự phòng cơn suyễn mà còn có nhiều lợi ích khác cho sức khỏe cả tinh thần và thể chất. Vậy cơ sở khoa học của việc thiền định giúp cải thiện giấc ngủ cho bệnh nhân suyễn là gì?

Khi con người trong xã hội trở nên thực tế hơn, chúng ta đã mất đi ý thức về tầm quan trọng của những ngày nghỉ đã được ấn định trong lịch để kỷ niệm thời gian trôi qua và khuyến khích thiền định tìm về chân lý.
Thiền định không chỉ có tác dụng dự phòng cơn suyễn mà còn có nhiều lợi ích khác cho sức khỏe cả tinh thần và thể chất... (Ảnh: Pexels).

Thiền định làm giảm hen suyễn đêm

Suyễn là một tình trạng viêm mãn tính của đường hô hấp. Trong khi đó, stress lại là một tác nhân mạnh mẽ gây viêm. Không có gì đáng ngạc nhiên khi bệnh nhân mắc các bệnh viêm nhiễm thường tìm đến các phương pháp làm giảm căng thẳng, như là liệu pháp điều trị hoặc phối hợp điều trị. Trên thực tế, có tới 40% người đã thử dùng các biện pháp y học bổ sung và thay thế (CAM), họ là những người phải đối mặt với các tình trạng viêm, bao gồm cả hen suyễn.

Một nghiên cứu đã so sánh can thiệp giảm căng thẳng dựa trên thiền chánh niệm 8 tuần (MBSR). Kết quả đã cho thấy nhóm MBSR có tình trạng viêm xuất hiện ít hơn sau khi tiếp xúc với căng thẳng so với nhóm chứng. Điều này chứng minh rằng, các biện pháp can thiệp nhắm vào phản ứng cảm xúc có thể có hiệu quả trong việc giảm viêm, kể cả tình trạng viêm mãn tính - điểm đặc trưng của bệnh suyễn. Nghiên cứu cũng cho biết thiền định có hiệu quả giảm stress và giảm viêm hiệu quả hơn so với các hoạt động thúc đẩy sức khỏe khác.

Diễn viên nổi tiếng người Mỹ Clint Eastwood từng nói: “Tôi nghĩ đó là một phương pháp tuyệt vời mà bất kỳ ai cũng có thể thực hành như một liệu pháp làm giảm sự căng thẳng”.

Có thể thấy rằng, thiền định đã được các chuyên gia y tế và cả những người nổi tiếng công nhận về hiệu quả giảm stress. Do đó, người bệnh suyễn hoàn toàn có thể thực hành thiền định với lợi ích rất lớn trong dự phòng cơn suyễn. Mặt khác, thực hành thiền định không tốn nhiều chi phí vì người bệnh có thể thực hành tại nhà vào bất cứ lúc nào mà họ muốn.

Hi vọng những cơn suyễn về đêm sẽ không còn hành hạ bạn nữa khi bạn thử thực hành thiền định và áp dụng những lời khuyên trên. Có thể bạn sẽ bất ngờ về hiệu quả của nó đấy!

Mỹ Tâm

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Suyễn về đêm, cách dự phòng và hiệu quả của thiền định