Sự nguy hiểm của Vape - 8 khuyến nghị của các tổ chức quốc gia và quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều bác sĩ và các nhà khoa học đang kêu gọi mọi người nhận thức lại về những nguy hiểm của vape và các sản phẩm thuốc lá điện tử. Kể cả việc dùng vape để cai thuốc lá hiện cũng đang được lật lại hồ sơ...

Theo CDC, tính đến giữa tháng 2 năm 2020, tức là trước đại dịch COVID-19, đã có hơn 2.807 trường hợp EVALI - các trường hợp bị bệnh phổi vì hút vape - được báo cáo trên đất Mỹ. Trong đó, 68 trường hợp đã tử vong.

Mặc dù các vape và các sản phẩm thuốc lá điện tử đã phổ biến ở khắp nơi, không chỉ ở Mỹ mà cả trên thế giới, nhưng những hiểu biết về tác hại mà nó mang lại thì còn rất hạn chế đối với nhiều người. Những thứ này lại càng nguy hiểm hơn nếu sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng.

Vape là gì?

Vape là một dạng sản phẩm thuốc lá điện tử có ống ngậm, nối với một hộp/ống chứa tinh dầu dạng lỏng (juul). Đây là một thiết bị điện tử có thể làm nóng tinh dầu, từ đó biến chúng thành khí hoặc sương để người sử dụng hít vào. Người sử dụng sẽ cần sạc khi máy vape hết pin, hoặc thay juul khi tinh dầu cạn.

Nhiều người cho rằng đây là một giải pháp thay thế an toàn cho việc hút thuốc, vì vậy mà sự phổ biến của nó đã tăng vọt, đặc biệt là ở giới trẻ. Tuy nhiên, các chất trong đó vẫn gây hại cho sức khỏe của người hút, và người xung quanh thì vẫn gặp phải nguy hiểm khi “hút vape thụ động”.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nora Volkow, giám đốc Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Lạm dụng Ma túy:

“Điều cấp thiết là thanh thiếu niên phải hiểu những tác động của việc hút vape đối với sức khỏe tổng thể. Nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não và có khả năng gây nghiện ở thanh thiếu niên.” - Tiến sĩ Volkow nói trên kênh News in Health.

Robert Keuther, hiệu trưởng trường trung học ở Marshfield, Mass đưa ra các thiết bị vape bị tịch thu từ các học sinh trong phòng vệ sinh hoặc hành lang... (Steven Senne / AP)

Sau đây là 8 khuyến nghị của những cơ quan, tổ chức y tế quốc gia và quốc tế đối với vape và những rủi ro sức khỏe có liên quan đến vape:

#1. Hơi nước có thể gây hại cho chức năng của não bộ

Năm 2019, một nghiên cứu trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu đã xác nhận việc sử dụng thuốc lá điện tử không chỉ làm hỏng chức năng phổi mà thậm chí còn dẫn đến tổn thương não. Nghiên cứu đã chứng minh rằng:

“Tiếp xúc gián tiếp với hơi thuốc lá điện tử gây ra rối loạn chức năng nội mô ở những người hút thuốc mãn tính, gây viêm và stress oxy hóa trong mô mạch và mô não, đồng thời làm tăng huyết áp ở những động vật thí nghiệm”.

Hút vape là cách nhiều bạn trẻ sử dụng nicotine, những gợi ý nói rằng sản phẩm này tốt hơn thuốc lá điếu có thể khiến một số người bỏ qua vô sốc các nguy cơ... (MilsiArt/Shutterstock)
#2. Người hút vape và “phổi bỏng ngô”

Thuật ngữ “phổi bỏng ngô” bắt nguồn từ căn bệnh viêm tiểu phế quản tắc nghẽn. Căn bệnh này đã ảnh hưởng đến công nhân trong các nhà máy sản xuất bỏng ngô bằng lò vi sóng. Vì vậy mà chất diacetyl có trong bơ nhân tạo - chứa đặc tính gây hại cho phổi - đã bị cấm sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, diacetyl đã được đưa trở lại thị trường với tinh dầu vape.

Năm 2015, một thông cáo báo chí của Trường Y khoa Harvard đã tiết lộ rằng: trong số hàng chục hộp tinh dầu vape được kiểm tra tại trường, gần 3/4 có chứa diacetyl. Theo Giáo sư Joseph Allen, tác giả chính của nghiên cứu cho biết:

“Tác nhân gây hại này không chỉ được sử dụng để tạo ra các sản phẩm vape có hương vị bắp rang bơ. Một loạt các sản phẩm hương vị trái cây, hương vị rượu, hương vị kẹo cũng có chứa chất độc độc hại này”.

Ảnh từ Facebook của Tanya Marie - Phổi trái gần như bị tổn thương hoàn toàn do hút vape, phổi phải bị một phần...
#3. Nicotine - đầy nguy hiểm vẫn đang được tiêu thụ

Vape tinh dầu không có nicotine, nhưng thuốc lá điện tử thì vẫn có. Tuy không có cùng nồng độ nicotine như thuốc lá truyền thống (thuốc lá điếu), nhưng nicotine vẫn là một chất gây nghiện nguy hiểm. Theo lưu ý từ một nghiên cứu trên Tạp chí Y học và Ung thư Nhi khoa Ấn Độ:

“Nicotine gây ra một số nguy hại cho sức khỏe [bao gồm] tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, hô hấp, tiêu hóa”.

Tiến sĩ Michael Blaha, giám đốc nghiên cứu lâm sàng tại Viện Johns Hopkins Ciccarone đã giải thích trên website của viện như sau:

“Đó là một vấn đề nếu bạn chuyển đổi từ hút thuốc lá sang hút thuốc lá điện tử... Việc bắt đầu sử dụng nicotine với thuốc lá điện tử và chơi vape của thanh thiếu niên, thường dẫn đến việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá truyền thống...

Thuốc lá điện tử có chứa nicotine (Inspired Image/Pixabay)
#4. Vape, dù không có nicotine, vẫn hại phổi

Nhiều người lầm tưởng rằng họ có thể tránh hầu hết các tác hại của thuốc lá điện tử bằng cách sử dụng những hộp juul tinh dầu vape có không chứa nicotine, nhưng theo một nghiên cứu năm 2019 trên Tạp chí Radiology:

“Vape dù không chứa nicotine những vẫn dẫn đến suy giảm phản ứng mạch máu và chức năng nội mô ở những người trẻ và khỏe mạnh không hút thuốc”.

Nội mạc là một màng mỏng lót bên trong tim và mạch máu, dường như vẫn bị tác động bởi việc sử dụng thuốc lá điện tử - giống thuốc lá điếu truyền thống và cả thuốc lá điện tử có nicotine.

Các sản phẩm vape bắt mắt với thiết kế riêng đầy màu sắc rất thu hút giới trẻ... (haiberliu/Pixabay)
#5. E-cigarette làm tăng nguy cơ ngừng tim và đột quỵ

Năm 2019, theo nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), việc sử dụng thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim của người bệnh. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ các câu trả lời của 400.000 người trên tất cả các tiểu bang Hoa Kỳ trước khi đưa ra kết luận.

Theo khảo sát, những người sử dụng thuốc lá điện tử được có nguy cơ đột quỵ tăng cao hơn đến 71%; nguy cơ đau tim hoặc đau thắt ngực cao hơn đến 59%; và nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn 40%.

Đáng lo ngại hơn, tác giả của nghiên cứu là Tiến sĩ Paul M. Ndunda cho biết: những con số này chưa phản ánh hết được thực tế, những người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử còn có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn và tỷ lệ mắc tiểu đường cao hơn so với những người không sử dụng.

#6. CDC: Hãy dừng thuốc lá điện tử

Các khuyến nghị của CDC rất rõ ràng: “Những người trưởng thành hiện nay không nên bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc vape”.

Cụ thể hơn, CDC khuyến cáo: “Các sản phẩm vape, hoặc thuốc lá điện tử (chứa nicotine hoặc THC) không bao giờ được sử dụng cho thanh niên hoặc phụ nữ đang mang thai”.

Đối với những người hút thuốc lá truyền thống, nếu muốn cai nghiện, tốt nhất nên tránh hoàn toàn hút vape.

"Chiến dịch tấn công vape lậu" được tiến hành bởi DEA đã thu hồi 44 tên miền website do liên quan đến cáo buộc buôn bán trái phép các ống vape có chứa THC cùng các chất độc hại khác...
#7. Có thể làm hỏng DNA

Năm 2018, trong nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, họ chỉ ra mẫu nước bọt của những người đã hút vape có chứa các hóa chất nguy hiểm như acrolein - một chất có ảnh hưởng xấu tới DNA và có khả năng gây ung thư.

Nghiên cứu đã chỉ ra những người hút thuốc lá điện tử và vape tiếp xúc với acrolein nhiều hơn người không hút tới 80%.

Việc sử dụng vape ở giới trẻ ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí nhiều cha mẹ còn mua vape cho con sử dụng (tomkohhantsuk/Pixabay)
#8. Vape, đơn giản là gây nghiện

Việc lỏng hóa nicotine và hít sương nicotine khiến cho người sử dụng không thể kiểm soát lượng chất gây nghiện họ hấp thụ. Theo Tiến sĩ Lawrence Weinstein, giám đốc y tế của Trung tâm cai nghiện Hoa Kỳ: “Hít phải nicotine sẽ làm tăng sản xuất dopamine. Sự gia tăng mức dopamine là điều thúc đẩy một cá nhân hút thuốc tiếp nữa hay không".

Ngoài ra, cơ thể của người trẻ rất nhạy cảm với nicotine, điều này dẫn đến thành hay bại trong cuộc chiến cai nghiện, khiến nó trở nên lâu và khó khăn hơn nhiều.

Vào ngày 2/1/2020, FDA đã công bố lệnh trừng phạt đối với các công ty tiếp tục bán trái phép vape và các sản phẩm thuốc lá điện tử có sử dụng tinh dầu. Tuy nhiên, cuộc đua ngăn chặn giới trẻ lún sâu vào thói quen nguy hiểm này vẫn còn đang tiếp diễn trên thế giới, và cả tại Việt Nam.

Phúc Lâm
- Theo ET tiếng Anh.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Sự nguy hiểm của Vape - 8 khuyến nghị của các tổ chức quốc gia và quốc tế