Steroid - Làm giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối với những người bị nhiễm COVID-19 nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, steroid có nhiều tác dụng phụ hơn là lợi ích...

Theo các nghiên cứu mới đã chỉ ra, việc dùng steroid rẻ tiền để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng có thể làm giảm tới ⅓ nguy cơ tử vong. Kết quả này hiệu quả đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặc biệt khuyến cáo dùng corticosteroid như một phương pháp điều trị ban đầu cho những bệnh nhân nặng do nhiễm COVID-19.

Mặc dù dùng steroid ít có rủi ro, nhưng nó có thể gây ra các tác dụng phụ và hậu quả có hại đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 còn ở giai đoạn nhẹ.

Tôi là bác sĩ chuyên khoa mạch máu và là bác sĩ hồi sức tích cực, đồng thời là đồng tác giả của 1 trong 3 nghiên cứu mới đã phân tích dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến tác dụng của steroid trên hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 nặng và nghiêm trọng. Dưới đây là những gì mọi người cần hiểu về steroid trong điều trị COVID-19.

Ai sẽ được lợi khi dùng Steroid?

Điều quan trọng cần hiểu là steroid có thể mang lại lợi ích gì cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng. Cần lưu ý rằng đây không phải là phương pháp điều trị dành cho những trường hợp nhẹ hơn.

Với COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, có hai vấn đề chính: (1) bệnh nhiễm trùng và (2) phản ứng của cơ thể đối với bệnh nhiễm trùng đó.

Ở những bệnh nhân bị nặng nhất, hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng mạnh đến mức có thể làm tổn thương các cơ quan. Vì vậy, làm dịu phản ứng miễn dịch là rất quan trọng trong những trường hợp này.

Ngược lại, đối những người bệnh nhẹ hơn, phản ứng miễn dịch của cơ thể lại có lợi để ngăn nhiễm trùng trở nên tồi tệ. Trong trường hợp này, chúng ta không nên can thiệp vào phản ứng miễn dịch trừ khi nó thực sự gây hại cho người bệnh.

Corticosteroid giúp bệnh nhân nặng như thế nào?

Khi tình trạng nhiễm trùng xảy ra, nó tạo phản ứng viêm. Điều này kích hoạt các tế bào bạch cầu chuyên biệt đến vùng viêm để truy tìm những vật lạ như virus hoặc vi khuẩn, đồng thời sẽ tiêu diệt chúng.

Quá trình này giống như kích hoạt một quả bom hơn là một cuộc tấn công có chủ đích. Các tế bào miễn dịch tấn công trên diện rộng, và tình trạng viêm có thể làm phá hủy các tế bào khác ở những vùng lân cận.

Phản ứng viêm có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và nó có thể vẫn sẽ tiếp tục ngay cả khi tác nhân gây bệnh đã biến mất. Hậu quả của một phản ứng miễn dịch quá mức sẽ khiến bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, suy thận hoặc suy tuần hoàn; và bệnh nhân nhiều khi kết thúc trong tình trạng sốc khi phải dùng máy thở.

Ở những bệnh nhân bị COVID-19 nặng, corticosteroid có khả năng làm dịu phản ứng viêm và ngăn chặn sự thương tổn của các cơ quan, đặc biệt là ở phổi.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về cách hoạt động của steroid. Những gì chúng ta biết được là đối với những người bị COVID-19 nặng, đặc biệt là những người có biến chứng hô hấp, họ được hưởng lợi từ các liệu trình corticosteroid với liều tương đối thấp.

Một phân tích tổng hợp của các nghiên cứu gần đây cho thấy, những bệnh nhân bị COVID-19 nghiêm trọng được dùng steroid có tỷ lệ tử vong trong 4 tuần thấp hơn so với những người không dùng steroid.

Những trường hợp không được sử dụng Steroid

Tất cả các phương pháp điều trị hiện nay đều mang lại những rủi ro nhất định.

Steroid là loại thuốc ức chế miễn dịch nổi tiếng được sử dụng trong nhiều thập kỷ. Chúng thường được sử dụng để điều trị các bệnh mãn tính liên quan đến viêm như hen suyễn hoặc các rối loạn tự miễn dịch - như lupus hoặc viêm khớp dạng thấp, nhưng vẫn có thể để lại hậu quả.

Những tác hại tiềm ẩn từ việc sử dụng steroid trong bệnh viện bao gồm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm, tăng đường huyết, mắc phải hội chứng yếu cơ và xuất huyết tiêu hóa.

Đối với những người bị COVID-19 nhẹ hơn, dùng steroid có thể đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ rủi ro và giảm đi các lợi ích.

Dùng steroid lâu dài cũng mang lại những rủi ro khác, bao gồm nguy cơ nhiễm trùng và phát triển bệnh loãng xương, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Vì vậy, sử dụng steroid như một biện pháp phòng ngừa COVID-19 có thể đi kèm với những nguy cơ tiềm ẩn đáng kể đối với những người khỏe mạnh. Đây là lý do tại sao WHO khuyến cáo không được sử dụng steroid trong các trường hợp nhiễm COVID-19 không nghiêm trọng.

Steroid có thể mang lại rủi ro cho bệnh nhân nặng

Đối với các bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc nghiêm trọng, đặc biệt là những người đang phải thở máy, thì việc sử dụng corticosteroid có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng thứ phát hoặc góp phần gây yếu cơ. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tự thở của bệnh nhân khi khỏi bệnh.

Tuy nhiên, việc dùng steroid trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng lại mang lại lợi ích nhiều hơn các tác hại.

Liều lượng như thế nào?

Xác định liều lượng và thời gian dùng thuốc là một thách thức không nhỏ trong việc điều trị cho bệnh nhân nặng.

Trong phạm vi của nghiên cứu này, liều lượng steroid là tương đối thấp và dùng trong thời gian ngắn. Các thử nghiệm cho thấy, không có sự gia tăng đáng kể nào của các tác dụng phụ khi sử dụng steroid với liều thấp và ngắn hạn. Tuy nhiên, cần lưu ý nguy cơ không phải là bằng không.

Các nguy cơ rủi ro sẽ tăng lên với liều dùng cao hơn. Vì vậy, liều lượng thấp đã được khuyến nghị để dùng trong nghiên cứu.

Loại Steroid nào hiệu quả nhất?
Nghiên cứu REMAP-CAP và các thử nghiệm tương tự đã cho thấy: hoạt tính chống viêm của thành phần glucocorticoid trong thuốc mới quan trọng chứ không phải là loại steroid cụ thể nào.

Lời khuyên mới này sẽ thay đổi cách điều trị như thế nào?

Dựa trên các nghiên cứu đến thời điểm này, những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhập viện và cần thở oxy nên được bắt đầu điều trị với steroid liều thấp.

Tuy nhiên, steroid đã không được chứng minh là có lợi cho bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc bệnh nhân nhẹ không có vấn đề về phổi. Các bác sĩ chỉ nên nghĩ đến steroid và điều trị liều thấp đối với người bị bệnh nặng do viêm phổi COVID-19.

Corticosteroid là gì?

Đó là những thuốc có tác dụng chống viêm nhanh chóng. Những steroid tổng hợp này hoạt động như nội tiết tố cortisol do tuyến thượng thận tiết ra. Cortisol cầm giữ hoạt động hệ miễn dịch bằng cách tạo ra các chất chống viêm. Thuốc chứa corticosteroid (như prednisone) hoạt động theo cơ chế tương tự. Nó làm chậm hoặc ngừng khởi phát quá trình viêm của hệ miễn dịch.

Theo Vinmec

Bryan McVerry là phó giáo sư y khoa tại Đại học Pittsburgh. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên bởi The Conversation.

Thùy Linh
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Steroid - Làm giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro