Shatavari: Sứ giả của phái đẹp đến từ nền y học cổ Ayurveda

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền y học Ấn Độ cổ coi trọng Shatavari, xem loại thảo mộc họ măng tây này là dược thảo chủ lực trong văn hóa Vệ Đà...

Ayurveda, hay còn gọi là Ayurvedic Medicine, là nền Y học cổ truyền Hindu của người Ấn Độ cổ, một trong những nền y học cổ xưa nhất thế giới với niên đại trên 5.000 năm. Người Vệ Đà chú trọng vào việc hài hòa và cân bằng cả tâm lẫn thân và điều này giúp ngăn ngừa bệnh tật, đem lại cho họ một cuộc sống trường thọ và khỏe mạnh.

Nền y học cổ truyền Ayurveda xem Shatavari (Thiên Môn Chùm) là thảo dược chủ lực của nền y học khi đó. Loài thảo mộc họ măng tây này thường được tìm thấy ở tiểu lục địa Ấn Độ và dãy Himalaya, cũng như một số vùng của châu Úc và châu Phi. Tương tự như Ashwagandha (sâm Ấn Độ), Rhodiola rosea và nhân sâm, Shatavari cũng thuộc nhóm adaptogen, nhóm thảo dược giúp cơ thể chúng ta kiểm soát được căng thẳng.

Đặc biệt là rễ cây Shatavari, từ lâu đã được coi là thuốc bổ giúp hỗ trợ sinh sản ở nữ giới. Nó đi thành cặp với Ashwagandha, chủng sâm Ấn Độ giúp cải thiện sức khỏe ở nam giới.

Shatavari, sứ giả của phái đẹp

Shatavari đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để giúp phụ nữ có được sức khỏe sinh sản tốt. Năm 2018, theo đánh giá được đăng trên tạp chí Biomedicine and Pharmacotherapy, Shatavari có thể giúp cải thiện các rối loạn sức khỏe sinh sản của nữ, bao gồm trạng thái mất cân bằng nội tiết tố, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và kể cả tình trạng vô sinh.

Cơ chế chính của nó là làm giảm mức độ stress oxy hóa, đồng thời gia tăng khả năng chống oxy hóa của cơ thể. Theo Amanda Frick, một bác sĩ chuyên liệu pháp tự nhiên ở Los Angeles cho biết, loại thảo mộc này giúp các mô tử cung thư giãn, đồng thời có chứa chất racemofuran với đặc tính chống viêm mạnh. Các cơ chế này làm giảm triệu chứng đầy hơi và chuột rút có liên quan đến kỳ kinh ở nữ giới.

Shatavari còn được sử dụng để làm tăng ham muốn, chống mệt mỏi và điều trị các hội chứng tiền mãn kinh cũng như các triệu chứng mãn kinh.

Thảo dược chủ lực của Ayurveda

Không dừng lại ở nữ giới, dược lực của Thiên Môn Chùm còn nhiều hiệu dụng khác mà y học hiện đại cũng phải thừa nhận.

Sức mạnh chống oxy hóa. Shatavari có rất nhiều saponin, là những hợp chất giàu tính chất chống oxy hóa. Các saponin đã được tìm thấy trong Shatavari là racemofuran, asparagamine A và racemosol. Chúng giúp cơ thể chống lại rất nhiều tác hại của các chất oxy hóa ở tim mạch, trong hệ thần kinh, và từ đó giúp làm giảm nguy cơ gây ung thư.

Khả năng chống viêm. Như đã nêu ở trên, racemofuran có trong Shatavari là một chất chống viêm mạnh. Hiệu quả kháng viêm của nó tương tự như một số kháng viêm nonsteroids nhóm ức chế COX-2, ví dụ như celecoxib.

Tăng cường hệ thống miễn dịch. Từ năm 2004, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology đã chỉ ra, rễ Shatavari có thể làm tăng kháng thể và cải thiện đáng kể phản ứng miễn dịch của động vật trước vi khuẩn ho gà, so với nhóm động vật không được dùng rễ Shatavari.

Giảm ho. Trước đó nữa, vào năm 2000, nghiên cứu đăng trên tạp chí Fitoterapia đã chứng minh nước ép rễ của Shatavari có thể giúp giảm ho, và với hiệu quả tương đương với việc dùng codeine phosphate, loại thuốc giảm ho và giảm đau có nguồn gốc opioid (thuốc phiện).

Loại bỏ dịch dư thừa trong cơ thể. Dịch tích tụ quá mức trong cơ thể có thể là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt khi bị suy tim sung huyết hoặc bị bệnh cao huyết áp. Tình trạng này cũng tạo cảm giác khó chịu và không thoải mái cho phụ nữ trong kỳ kinh và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Năm 2010, một nghiên cứu đăng trên tạp chí West Indian Medical Journal cho thấy: 3,2 gram Shatavari có thể giúp lợi tiểu mà không gây tác dụng phụ gì nghiêm trọng.

Điều trị sỏi thận. Nếu đã từng bị sỏi thận, có lẽ bạn biết chúng đau đớn kinh khủng như thế nào. Một nghiên cứu năm 2005, đăng trên tạp chí Methods and Findings in Experimental and Clinical Pharmacology, đã chứng minh chiết xuất từ rễ Shatavari có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của tinh thể oxalate, một hợp chất có trong rau bina, củ cải đường, quả nam việt quất và các thực phẩm khác góp phần gây sỏi thận. Shatavari cũng có thể làm tăng nồng độ magie để giúp ngăn chặn sự hình thành các tinh thể liên quan đến hình thành sỏi thận.

Giúp chống trầm cảm. Năm 2009, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Pharmacology Biochemistry and Behavior, các chất chống oxy hóa trong Shatavari có đặc tính chống trầm cảm và tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến trầm cảm.

Duy trì lượng đường huyết. Bệnh tiểu đường tuýp 2 rất phổ biến và bệnh nhân thường tìm kiếm những cách chữa tự nhiên mà hiệu quả để kiểm soát lượng đường huyết. Một nghiên cứu năm 2007 trên tạp chí Journal of Endocrinology đã chỉ ra rễ của Shatavari có thể kích thích sản xuất insulin, giúp ổn định lượng đường trong máu.

Chống nếp nhăn ở da. Các saponin được nhắc đến rất nhiều ở Shatavari và có nhiều nhất trong phần rễ, nắm giữ bí kíp chống lão hóa da do có thể giúp làm giảm nguy cơ tổn thương da từ các gốc tự do cũng như ngăn chặn sự phá vỡ collagen.

Một số cách dùng Shatavari

Shatavari thường được bào chế dưới dạng có sẵn như: dạng bột, dạng lỏng, và dạng viên. Mặc dù không có liều tiêu chuẩn nào được khuyến nghị, nhưng bạn có thể làm theo các gợi ý trên nhãn thuốc với một số liều khuyến cáo như sau:

    • 4 - 5 mililít rễ Shatavari dạng nước có chứa cồn 3 lần một ngày
    • Viên 500 miligam 2 lần một ngày
    • 1 muỗng cà phê bột rễ trong 240ml (8 ounces) nước pha như trà, uống 2 lần/ngày.

Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ của bạn trước khi sử dụng các chất bổ sung Shatavari nhằm xác định liều tốt nhất cho bạn.

Phụ nữ có thể quan tâm đến các đặc tính chữa bệnh của Shatavari, đặc biệt là các triệu chứng liên quan đến tiền mãn kinh, mãn kinh và kinh nguyệt. Tuy nhiên, loại thảo mộc này dường như còn nhiều tiềm năng hơn nữa mà chúng ta chưa biết đến.

Lisa Roth Collins là một chuyên gia dinh dưỡng toàn diện, người quản lý tiếp thị tại NataturalSavvy.com, trang xuất bản lần đầu tiên bài viết này.

Thiện Đức
- Theo Healthline.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Shatavari: Sứ giả của phái đẹp đến từ nền y học cổ Ayurveda