Rooibos - Trà, nhưng không gây mất ngủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Trà cây bụi đỏ” được quảng cáo tại thị trường Việt Nam với tên gọi “Hồng trà Nam Phi”. Tuy nhiên, rooibos là một cây bản địa không thuộc họ trà và nó khác biệt hẳn với hồng trà, hay chính là trà đen của đất Á Đông...

Uống trà có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong khi có rất nhiều loại trà khác nhau trên thị trường, loại trà rooibos có một số tính chất nổi bật. Nó chứa chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể hiệu quả với nhiều loại bệnh.

Có nhiều khía cạnh trong văn hóa trà - cách pha thế nào, các nghi lễ liên quan đến nó, và môi trường xung quanh. Nghi lễ trà của người Trung Quốc bắt đầu từ thế kỷ thứ 9, và trà sau đó được giới thiệu sang Nhật Bản.

Rooibos là một loại thảo mộc đến từ Nam Phi. Sau khi được thu hoạch, sấy khô, rồi ủ lên men, người Nam Phi thu được một loại trà màu nâu đỏ được gọi tên là “trà cây bụi đỏ”.

Cây rooibos trước khi thu hoạch tại Western Cape, Nam Phi... (Wikipedia/Winfried Bruenken/ CC BY-SA 2.5)

“Trà cây bụi đỏ” được quảng cáo tại thị trường Việt Nam với tên gọi “Hồng trà Nam Phi”. Tuy nhiên, rooibos là một cây bản địa không thuộc họ trà và nó khác biệt hẳn với hồng trà, hay chính là trà đen của đất Á Đông.

Đối với hồng trà nguyên bản, tên gọi đến từ sắc nước khi pha trà đen; còn đối với loại trà đến từ Nam Phi, sắc đỏ xuất hiện ngay trên cây do quá trình oxy hóa. Người dân lợi dụng chính yếu tố này, cắt nhỏ hoặc đập các bó rooibos sau khi thu hoạch để kích thích quá trình oxy hóa, từ đó làm tinh dầu bên trong giải phóng, tạo nên hương vị đặc trưng của “trà cây bụi đỏ”.

Nếu hồng trà nổi tiếng nhờ catechintheaflavin với tác dụng dụng ngăn ngừa oxy hóa và giảm lão hóa, hay nổi tiếng hơn với khả năng ức chế virus Corona; thì “hồng trà” Nam Phi cũng không hề kém cạnh. Trong cây rooibos cũng có hai chất chống oxy hóa đặc biệt là aspalathin quercetin.

Đọc thêm: Trà đen: thức uống tự nhiên có thể đẩy lùi COVID-19

Năm 2015, một nghiên cứu của Hàn Quốc đã tìm thấy tác dụng cân bằng huyết áp của aspalathin thông qua điều hòa hormon và điều tiết lưu lượng máu, làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Chất này còn được chứng minh là có thể chống tiểu đường (trên chuột) và làm giảm kháng insulin, hứa hẹn khả năng điều trị đối với bệnh tiểu đường tuýp II.

Chất chống oxy hóa thứ hai là quercetin và nó có thể ngăn ngừa sự phát triển của các khối u hay tế bào ung thư, nhưng chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trên người để tìm hiểu cụ thể cơ chế này.

Rooibos còn chứa một lượng lớn chất chống viêm và các chất có đặc tính kháng virus có thể giúp làm dịu những cơn đau đầu và các cơn đau khác. Nhưng đó chưa phải là đặc điểm khiến trà cây bụi đỏ trở nên đặc biệt và phổ biến đến thế.

Loài cây Nam Phi này tuyệt vời ở chỗ có hàm lượng tanin rất thấp nếu so với trà đen, và nó không có một chút nào cafein. Nói cách khác, nếu người ta không dám uống trà đen hay cả trà xanh vì sợ mất ngủ, thì hồng trà Nam Phi lại khiến người uống ngủ ngon hơn. Bạn sẽ có thể thoải mái thưởng thức hương vị ngọt dịu của nó mọi lúc, nó không gây mất ngủ nếu bạn uống nó vào trước giờ đi ngủ.

Hàng thế kỷ trước, loại trà đặc biệt này của Nam Phi đã được công nhận vì nhiều giá trị dược liệu của nó. Ngoài ra, rooibos cũng còn nhiều cách chế biến với rất nhiều tác dụng khác như làm đẹp da, giúp khỏe xương, chữa đau bụng, ngừa sỏi thận, v.v.. Liệu chúng ta có nên cùng tìm hiểu và bắt đầu bằng một tách trà cây bụi đỏ ngay tối nay không nhỉ?

Lưu ý:
- Trà rooibos có 2 loại đỏ và xanh, trong bài là đề cập đến trà rooibos đỏ.
- Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung hồng trà Nam Phi vào chế độ ăn nếu bạn đang ăn kiêng, đề phòng bất kỳ tương tác nào ngoài ý muốn của trà và thuốc đối với cơ thể của bạn.

Kim Anh
- Tổng hợp từ Epoch Times và toiyeutra.vn.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Rooibos - Trà, nhưng không gây mất ngủ