Rối loạn đồng hồ sinh học tuổi thiếu niên do game

Giúp NTDVN sửa lỗi

15 phút thư giãn, rồi cố thêm vài phút để hoàn thành nhiệm vụ hay chơi nốt ván game... Mọi chuyện không dừng lại ở đó...

Đồng hồ sinh học bị rối loạn gây ra nhiều tác dụng xấu cho cơ thể: đầu tiên là giờ giấc ăn, ngủ, nghỉ bị ảnh hưởng; sau đó là sức khỏe thể chất và tinh thần giảm sút, năng suất học và làm việc vì vậy cũng giảm theo; cảm xúc cũng vì thế mà ngày càng tiêu cực.

Cụ thể hơn theo Đông Y, mỗi canh giờ trong ngày tương ứng với thời gian hoạt động và nghỉ ngơi của một nội quan. Nếu giờ nghỉ của tim phổi mà bắt tim phổi hoạt động, giờ nghỉ của não mà bắt não hoạt động, thì cơ thể lâu ngày sẽ suy nhược.

Như vậy thì khi chúng ta sinh hoạt điều độ và để cơ thể được tĩnh dưỡng thì sức khỏe sẽ hồi phục. Tuy nhiên, chơi game không chỉ đơn thuần dẫn đến suy nhược cơ thể, vì nó gây nghiện.

Game cuốn hút hơn học hành

Trò chơi điện tử hiện nay đã phát triển tinh vi và hấp dẫn hơn vượt bậc. Chỉ trong vài chục năm ngắn ngủi, game được cải tiến với đồ họa ngày càng đẹp, cốt truyện và tình tiết đầy kịch tính hơn, cả thời gian cho từng ván game cũng rút ngắn và thậm chí cả màn hình của game cũng được thu lại nhỏ gọn trên chiếc điện thoại.

Đây chính là cơ sở để tuổi học đường có thể tranh thủ chút thời gian để thư giãn. Thế nhưng, mật ngọt chết ruồi và thư giãn càng nhiều thì càng nghiện.

Ngoài việc làm nhiệm vụ hay chiến thắng trong game "thực tế" hơn những bài kiểm tra 15 phút và thi học kỳ, trò chơi điện tử còn xã hội hóa hơn. Anh chị em trong nhà có thể chơi cùng nhau, các bạn học cũng có thể rủ nhau ra hàng trà sữa hay quán nước ngồi chơi game, bạn hàng xóm cũng thế, và nhiều cặp đôi gà bông thì cũng vậy - khi cậu bé tỏ ra là một người hùng trong game và cô bé thể hiện mình là một trợ thủ luôn bên cạnh.

Từ một góc cạnh khác, nếu bố mẹ hỏi sao con không chơi thể thao và ra ngoài vận động, các bạn trẻ cũng có thể biện minh rằng: game là một môn thể thao điện tử (eSport) và mình đang luyện tay, luyện mắt, luyện tư duy phản xạ nhanh v.v.. ngay tại nhà.

Sinh hoạt bị đảo lộn, và hơn thế nữa...

Việc tranh thủ 15 phút chơi game, hay chỉ cố thêm 5-10 phút để hoàn thành một nhiệm vụ thôi có thể khiến nhiều bữa cơm gia đình bị chậm trễ, nhiều tiết học các bạn trẻ vào muộn hay thậm chí là bỏ học. Nhiều bạn thậm chí tìm mọi cách để qua mặt phụ huynh và giáo viên để có thể chơi game.

Ở mức độ cao hơn nữa, có bạn thức đến 1-2 giờ sáng ở độ tuổi đang phát triển để cày game, hay có những trường hợp là thức trắng cả đêm. Việc thư giãn này xem ra cuốn hút và có thể thư giãn kéo dài đến như vậy, nhưng sau một thời gian thì lợi bất cập hại.

Nếu tĩnh dưỡng hay nghỉ ngơi hoàn toàn có thể giúp một người chỉnh lại đồng hồ thì game hoàn toàn trái ngược. Chơi game có thể khiến tăng nhịp tim, và nặng thì có thể dẫn đến ngừng tim. Hai tình trạng trên kéo dài có thể đưa những cảm xúc căng thẳng và hồi hộp ra ngoài đời thực, khiến những game thủ trẻ tuổi xử sự cáu bẳn và thiếu kiểm soát, tách rời khỏi xã hội chung để rồi tập trung vào cộng đồng game.

Nghiện game nặng hơn nữa thì có thể dẫn đến hội chứng loạn thần, khi mà trẻ thuộc làu cốt truyện và thông tin, tính cách của những nhân vật game còn hơn cả lịch sử hay ngữ văn và danh nhân, đắm chìm trong đó... để rồi dần dần hành xử và nói năng như nhân vật game ngoài đời thực.

Xem thêm: Thế giới ma túy của game

Liệu có thể dừng game hay không?

Chơi game không chỉ gây ra các bệnh lý hay vấn đề về mắt, vận động, tim mạch, làm chậm phát triển ở lứa tuổi trung học và đại học, mà nó còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần mang tính xã hội về lâu về dài. Nhiều bạn trẻ đã phải vào trại để cai nghiện game, còn lại rất nhiều bạn khác thì đang tiếp tục mê game ngày càng nặng.

Lúc này, việc thư giãn hoàn toàn có lẽ không còn phù hợp đối với các bạn khi game được mặc định coi là giải trí. Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ có một mục đích sống rõ ràng và ý nghĩa hơn, đồng thời được tách khỏi game một thời gian, thì đây chính là lối thoát. Nhưng liệu bố mẹ và giáo viên có đủ thời gian, bạn bè xung quanh có đủ ủng hộ để cho tuổi học trò làm được việc nên làm?

Kim Anh

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Rối loạn đồng hồ sinh học tuổi thiếu niên do game