R.1: Biến thể mới của COVID-19 đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào tháng 12/2020, chủng R.1 - một trong những biến thể của COVID-19 đã được tìm thấy lần đầu tiên ở Nhật Bản. Đến thời điểm hiện tại, biến thể này đã được phát hiện ở 35 quốc gia.

Tại Mỹ, các ca nhiễm chủng R.1 đạt đỉnh vào tháng 5/2021 và gần đây đã bùng phát trong một trại dưỡng lão ở bang Kentucky. Rất nhiều ca nhiễm đã được tiêm chủng đầy đủ từ trước đó.

Hiện tại, số ca mắc chủng R.1 chiếm 0,5% tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới. Bác sĩ Ramon Lorenzo Redondo, phó giáo sư chuyên khoa dịch bệnh tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern, cho rằng: “Số ca mắc biến thể này sẽ không bao giờ vượt quá 1% tổng số ca nhiễm thế giới, kể cả khi đạt đỉnh”.

Ông cho biết thêm: “Cách duy nhất để hạn chế việc sinh ra các biến thể mới là ngăn chặn số ca nhiễm. Nếu có thể đưa số ca nhiễm đến mức thấp, độ đa dạng của virus sẽ bị hạn chế, và virus sẽ không thể tiến hóa phức tạp như vậy nữa”.

Ông Amesh A. Adajia, chuyên gia dịch bệnh tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết: “Nó (biến thể R.1) không có khả năng thay thế Delta. Tuy nhiên, nghiên cứu biến thể này vẫn là việc quan trọng, nó liên quan đến vaccine, các kháng thể đơn dòng, và mức độ lây lan của nó”.

Mặc dù tỉ lệ số người nhiễm biến thể này thấp, ông William Haseltine, cựu giáo sư của Đại học Y khoa Harvard cho rằng, các đột biến tìm thấy trong biến thể R.1 có thể khiến chúng lây lan nhanh hơn. Trong một bài báo trên Forbes, ông cho biết ‘5 biển thể trong R.1 có thể gây tăng khả năng chống lại kháng thể’.

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sử dụng ký tự Hy Lạp để đặt tên cho các chủng biển thế của COVID-19, tuy nhiên hiện tại 2 biến thể đang được giới khoa học quan tâm là R.1 và C.1.2 vẫn chưa được đặt tên. Các chuyên gia và học giả vẫn đang theo dõi để quyết định xem R.1 có nên được xếp loại mức độ nguy hiểm cao hay không.

Quang Minh (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

R.1: Biến thể mới của COVID-19 đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia